PHỐ THỢ NHUỘM

Phố Thợ Nhuộm dài 928 mét, đi từ ngã phố Hàng Bông - Cửa Nam đến ngã phố Bà Triệu - Trần Hưng Đạo. Nay thuộc hai phường Cửa Nam và Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 1,3km (hướng 8h). Trạm bus lân cận: 49 Hai Bà Trưng - Tháp Hà Nội, hoặc 59 Lý Thường Kiệt - Viện Năng Lượng Nguyên Tử

Lược sử

Theo ông Nguyễn Vinh Phúc, phố Thợ Nhuộm đi qua 4 thôn trên bản đồ Hà Nội năm 1831: Anh Mỹ, Bích Du, Nam Phụ, Nguyên Khánh, thuộc tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương xưa. Tổng Tiền Nghiêm sau đổi là tổng Vĩnh Xương.

Năm 1849, thôn Anh Mỹ hợp với một số thôn khác thành thôn Đông Mỹ, thôn Bích Du hợp với thôn Hoa Cẩm và thôn Lưu Truyền thành thôn Bích Lưu, thôn Nam Phụ hợp nhất với thôn Nguyên Khánh thành thôn Phụ Khánh.

Phố Thợ Nhuộm thực ra chỉ có đoạn từ phố Hàng Bông đến phố Hai Bà Trưng (trên đất làng Đông Mỹ và làng Bích Lưu), là có nghề nhuộm thâm. Thợ nhuộm là dân làng nơi khác di cư đến: làng Liêu Xá, làng Liêu Xuyên (nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Dương), và làng Vân Hoàng (nay thuộc huyện Thường Tín, TP Hà Nội). Tương truyền, nghề nhuộm ở phố này có từ đầu thời Nguyễn, và chỉ bị thất truyền trước sức cạnh tranh của thuốc nhuộm công nghiệp do người Pháp đem sang.


Có một điều đáng lưu ý là, trước khi có nghề nhuộm thì làng Bích Du, tiền thân của thôn Bích Lưu, có nghề ép dầu thảo mộc như: lạc, vừng, ... và có tên Nôm là thôn Hàng Dầu. Chữ "Du" trong tên gọi của làng này, cũng có nghĩa là "Dầu". Có lẽ chỉ từ khi những người thợ nhuộm Vân Hoàng đến đây sinh cơ lập nghiệp thì nghề ép và bán dầu mới dời đến bờ hồ Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc, đoạn từ phố Hàng Bông đến phố Hai Bà Trưng, được gọi là "rue des Teinturiers" (phố Những người thợ nhuộm), đoạn còn lại là "rue Jean Soler". Từ ngày 10-08-1945, gọi chung là phố Hàng Bông Thợ Ruộm. Đến tháng 10 năm 1964 mới có tên phố Thợ Nhuộm như hiện nay.

Đoạn từ ngã phố Quán Sứ đến ngã phố Hoả Lò giáp với di tích Nhà tù Hoả Lò (tiếng Pháp là Maison centrale), nơi thực dân Pháp từng giam giữ nhiều nhân vật nổi tiếng và trở thành một điểm tham quan du lịch từ cuối thế kỷ XX.


Ngôi nhà số 7 phố Jean Soler (nay là số 90 phố Thợ Nhuộm) đã đi vào lịch sử nước ta. Đây nguyên là biệt thự của Bertheur, một viên thanh tra tài chính ở phủ Toàn quyền Đông Dương. Tại tầng hầm nhà này, từ khoảng tháng 4 đến tháng 8 năm 1930, Tổng bí thư Trần Phú đã soạn bản dự thảo Luận cương chính trị đầu tiên của Đảng CSVN.

Đình, chùa cũ

Đình thôn Anh Mỹ nay ở số 33 phố Thợ Nhuộm. Hiện ở đó còn một tấm bia đá khắc năm 1853 cho biết đây vừa là đình, vừa là chùa gộp lại của giáp Anh Mỹ. Đình thôn Đông Mỹ thì nay toạ lạc ở số 127 phố Hàng Bông.

Đình thôn Bích Lưu nay ở nhà số 66 phố Hai Bà Trưng và chùa Bích Lưu thì ở nhà số 64 liền kề. Tuy chùa mới được đại tu gần đây nhưng nguồn gốc cũng khá cổ, vì ở đó có tấm bia đá "Bích Lưu tự bi kí" nói về việc sửa chùa vào năm dựng bia là 1860.


Đình Phụ Khánh vốn ở trên khu vực sau là nhà tù Hỏa Lò. Năm 1897, thực dân Pháp đã chiếm đất làng Phụ Khánh để lập nhà tù và tòa án. Do đó dân làng này phải chuyển đến ở nhờ trên đất thôn Thể Giao gần Vân Hồ. Ngày nay đình Phụ Khánh và chùa Chân Tiên toạ lạc ở số 151 phố Bà Triệu.

Di tích liên quan

  • Số 33 phố Thợ Nhuộm: Đình thôn Anh Mỹ.
  • Số 64 phố Hai Bà Trưng: Chùa Bích Lưu, nơi có tấm bia đá "Bích Lưu tự bi kí" nói về việc sửa chùa vào năm dựng bia là 1860.
  • Số 66 phố Hai Bà Trưng: Đình thôn Bích Lưu.
  • Số 120 phố Hàng Bông: Đền Thiên Tiên, thờ Lý Thường Kiệt.
  • Số 120b phố Hàng Bông: Đền Vọng Tiên, ghi nhớ sự tích Lê Thánh Tông gặp tiên, nay thờ Mẫu.
  • Số 127 phố Hàng Bông: Đình thôn Đông Mỹ.

©NCCong 2011-2024, Pho Tho Nhuom (Dyers’ street)

Trường Puginier và THPT Việt Đức

Trường Dòng Puginier xây năm 1897, năm 1955 trở thành một trường công lập, nay là THPT Việt Đức. Vị trí: 2RFW+Q4, số 47 phố Lý Thường Kiệt, 2RFX+9Q, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 1 km (hướng 3 h). Trạm bus lân cận: phố Lý Thường Kiệt, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, hoặc Trần Hưng Đạo.

Trường Puginier

Trong thư gửi từ Hồng Kông về Roma ngày 20-5-1894, sư huynh Dòng La San là Ivarch-Louis hiệu trưởng trường Taberd Sài Gòn [1] viết: “Chúng tôi phải mở thêm một trường học ở Bắc kỳ, dù chỉ gồm có 3 hoặc 4 sư huynh, cốt là để giữ lấy đất”. Ngay sau đó, tuy chính quyền Pháp chưa dẹp được hết các cuộc chống đối ở đây nhưng Đức cha Gendreau giám mục Hà Nội đã đồng ý thành lập ngôi trường mới và đặt tên là Puginier [2].

Đầu tiên chỉ có một dãy nhà lá ở bên cạnh nhà thờ chính tòa và thiếu hẳn mọi tiện nghi. Kể từ tháng Giêng 1895, cộng đoàn và trường học dọn về ở một dãy nhà 2 tầng. Các thiếu niên Pháp học trong hai lớp, còn con của các thân hào người Việt thì được dạy ở một nơi khác. Các sư huynh có nhờ vài giáo viên ngoài Dòng phụ giúp, trong khi vào những năm 1896 và 1897, Dòng có tăng viện về nhân sự, một phần gồm các sư huynh đến từ vùng Bretagne.


Tháng 7/1897 cơ sở đồ sộ theo kiến trúc Pháp của trường Puginier được xây xong trên một khu đất rộng cách Nhà thờ Lớn khoảng 700 m về phía Nam và ở ven bờ phía Bắc hồ Khang Thuỷ [3]. Đức Cha Gendreau và sư huynh Ivarch-Louis đã cùng ký vào văn kiện ngày 15/6/1898, theo đó Đức Cha uỷ thác cho các sư huynh trường Kitô [4] trách nhiệm dạy học tại trường Puginier và tại trường chi nhánh ngoại trú miễn phí quen gọi là “Collège de la Mission” (trường Hội Thừa Sai).

Sau khi ban hành Đạo Luật ngày 07/07/1904 nhằm dẹp bỏ các Dòng tu, những cuộc đàn áp ở Pháp cũng lan rộng sang tới xứ Bắc kỳ. Chính quyền Đông Dương ngưng trợ cấp số tiền 15.000 F (đồng frăng) cho trường Hội Thừa Sai và ngưng các học bổng dành cho con các công chức học ở trường Puginier. Đã có áp lực buộc các công chức phải rút con họ ra khỏi trường nhưng đa số sẵn sàng chịu thiếu thốn để các sư huynh vẫn được tiếp tục dạy dỗ bọn trẻ.


Chiến tranh thế giới bùng nổ, Pháp bị Đức đánh bại và Đông Dương bị Nhật chiếm ngày 08/12/1941. Tháng 9/1945, Mặt trận Việt Minh nắm chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Hai trường nói trên bị đóng cửa trong nhiều tháng. Sau khi quân Pháp tái chiếm Hà Nội, số học sinh tăng dần lên 2500 (năm 1901, hai trường mới có 403 học sinh, trong đó ngoài 299 học sinh bản xứ còn có 104 học sinh Pháp và con lai).

Trường THPT Việt-Đức

Hiệp định đình chiến Đông Dương được ký kết ngày 20/7/1954 tại Genève, Thuỵ Sĩ. Sau đó, khu trường tại 47 phố Lý Thường Kiệt (trước là đường Carreau) được chuyển cho chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa quản lý từ ngày 15/9/1954 và trở thành một trường phổ thông công lập, học theo chương trình 9 năm của Bộ Giáo dục.


Thời gian đầu trường được đặt tên là Trường Phổ thông cấp 2-3 Hà Nội, gồm các học sinh cấp II, cấp III và các lớp dự bị đại học. Sau đó được bổ sung thêm con em tập kết của các cán bộ miền Nam. Giáo viên là những thầy, cô trẻ được đào tạo từ khu học xá Nam Ninh - Trung Quốc.

Ngay từ hồi đó, trường đã được Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức giúp đỡ nhiều về các trang thiết bị dạy học. Từ năm 1960, trường được đổi tên là Trường Phổ thông cấp 3 (PT3A-PT3B) và chuyển sang dạy theo chương trình 10 năm của Bộ Giáo dục nhưng chỉ gồm những lớp cấp III.

Năm 1970, trường bắt đầu sơ tán khi miền Bắc bị Không quân Mỹ ném bom. Từ đó cho đến ngày 30/6/1997, trường tách làm đôi, gồm PTTH Việt Đức (học buổi sáng) và PTTH Lý Thường Kiệt (học buổi chiều). Ngày 1/7/1997, hai trường này sáp nhập trở lại thành trường THPT Việt Đức.


Hiện nay, trường THPT Việt Đức có hơn 120 cán bộ giáo viên và khoảng 2200 học sinh.

Di tích lân cận

1097 Truong Puginier ©NCCông 2015



[1] Giám mục Tây Đàng Ngoài là Puginier (1835-1892) người khởi công xây dựng Thánh đường Sở Kiện vào năm 1877 tại Hà Nam và Nhà thờ Lớn Hà Nội vào năm 1884 trên nền cũ của chùa Báo Thiên.
[2] Trường tư thục Kitô giáo La San Taberd Sài Gòn được thành lập vào năm 1874, ban đầu là để nuôi và dạy khoảng 400 con lai.
[3] Hồ Khang Thuỷ là danh thắng thứ hai của Hà Nội và lớn chỉ sau hồ Tây. Về sau người Pháp cho lấp nhiều mặt nước để lập phố xá và xây đường sắt Bắc-Nam; hồ bị chia ba thành hồ Thiền Quang, hồ Ba Mẫu và hồ Bẩy Mẫu.
[4] Nhận được sự ủng hộ của ông Chavassieux là thủ hiến Bắc kỳ, sư huynh Ivarch-Louis có nêu một vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội: liệu có thể miễn quân dịch cho các sư huynh và giáo viên trên toàn lãnh thổ Đông Dương?

Từ tháp Hoà Phong đến Bảo tàng Lịch sử

Tháp Hòa Phong Nằm ở ven bờ Đông Nam hồ Gươm, đó là di tích duy nhất còn sót lại của chùa Báo Ân bị Pháp san bằng từ năm 1888. Chùa được xây vào khoảng năm 1842, gồm 180 gian, mặt trước quay ra sông Hồng. Tháp cao 3 tầng, tầng một có 4 cửa vòm, tầng hai có tô một chữ Phạn lớn. Trên 4 vòm ghi tên từng cửa: Báo Ân môn, Báo Nghĩa môn, Báo Đức môn, Báo Phúc môn. Tầng thứ ba, ở 2 mặt đông-tây có ghi 3 chữ "Hòa Phong tháp" nhưng ở 2 mặt bắc-nam lại ghi là "Báo Thiên tháp".
Bưu điện Hà Nội Bưu điện Hà Nội bao gồm 3 tòa nhà mở ra các phố Đinh (...)