263 Dinh Gian community hall

Đình Giàn

thời Tiền Lýquận Bắc Từ Liêmsông Hồng

Đình Giàn có từ thế kỷ XVIII. Thờ: thành hoàng Lý Phục Man. Hội làng: từ 9—11 tháng 2 ÂL. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: ngõ 191 Phạm Văn Đồng, 3QGP+2J, P. Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 11 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: Đối diện 88 Phạm Văn Đồng (xe 07, 14, 25, 28, 35, 45, 46, 53)

Lược sử

Làng Giàn là tên Nôm của thôn Cáo Đỉnh, thuộc xã Xuân Đỉnh nổi tiếng với thứ hồng xiêm vừa to vừa có hương thơm và vị ngọt đặc biệt. Dân nơi đây từng có nghề làm kẹo, mứt tết và bánh trung thu. Xã đã trở thành phường Xuân Đỉnh, thành lập ngày 27-12-2013 với 352 ha đất và hơn 3 vạn nhân khẩu. Làng Cáo của xã này thì trở thành phường Xuân Tảo, nay cũng thuộc về quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

- Sân đình Giàn. Panorama ©NCCong 2015

Đình Giàn thờ một đại tướng có công đánh quân Lương và Lâm Ấp vào giữa thế kỷ VI. Ngài quê ở làng Yên Sở, nay thuộc huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, theo Lý Nam Đế khởi nghĩa từ năm 542; được vua tin dùng, gả con gái làm vợ và ban cho tên Lý Phục Man (?-548).

Ao đình Giàn

Kiến trúc

Đình Giàn có từ lâu đời, lúc đầu chỉ là miếu đền, dần dần được mở rộng và sửa chữa thành đình. Các văn bia hiện còn cho biết thời gian tu bổ vào các năm Gia Long thứ 16 (1817), Tự Đức 30 (1877) và Thành Thái 13 (1901). Gần đây thì năm 1992 tạc tượng, 1995 xây lại và mở rộng cổng đình, 1996 sửa chữa hậu cung, 1999 sửa chữa trung cung, 2001 sửa nhà tiền tế, 2002 tôn tạo lại tả mạc, giải vũ...

Diện tích đình còn gần 4000m2. Mặt đình quay hướng tây, nhìn qua các trụ biểu to ven ao nước hình chữ nhật sang ruộng đình, nay là sân thể thao CLB thôn Cáo Đỉnh ở phố Phạm Văn Đồng. Cổng đình xây kiểu nghi môn tứ trụ, mở về hướng nam ra ngõ. Trong sân có hai cổ thụ che mát tả hữu mạc 3 gian, gần hữu mạc là nhà bia mới dựng như một phương đình 2 tầng 8 mái nhỏ.

Cổng đình Giàn

Hiện nay, phần lớn đình Giàn vẫn giữ dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn, với bố cục hình chữ “Công”. Đại đình gồm 5 gian 2 dĩ, cửa bức bàn; trung cung rộng 3 gian sâu 5 gian, đặc biệt gian cuối hơi nhô cao thành 2 tầng với 4 đầu đao đắp hình rồng, nhìn ngang hông từ ngoài ngõ mới thấy. Hậu cung rộng 3 gian, trong có bệ cao để đặt khám thờ. Ngày 4 tháng 6 năm Nhâm Thìn (2012) đã đúc tượng Lý Phục Man thay tượng cũ.

Di sản

Các mảng trang trí trên gỗ ở đầu kẻ, vì giường, cốn nách, kiệu bát cống, cửa võng và hương án được chạm, vẽ bằng những hoa văn hình rồng mây, hoa lá, tứ quý, tứ linh, hổ phù v.v., nhìn chung cũng mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XIX. Trong đình hiện còn lưu giữ được 29 đạo sắc phong. Thời Lê có 12 đạo. Thời Tây Sơn có 4 đạo. Số sắc còn lại thuộc triều Nguyễn.

Đại đình Giàn. Ảnh: NCCong ©2015

Ngoài ra, trong đình còn có hai câu đối, hai bức hoành phi, một cửa võng chạm rồng mây, phượng hàm thư, long mã trổ hình mặt trời, rùa đội hòm sách, một long đình, một hương án trang trí đề tài tứ linh, hai ngựa gỗ, một chuông đồng, một bộ đòn kiệu, hai cỗ long ngai chạm rồng, hai tượng phỗng và 6 tấm bia đá.

Hội làng Giàn tổ chức hàng năm từ mồng 9 đến 11 tháng 2 âm lịch. Mở đầu bằng lễ rước nước từ cái giếng cổ về đình để tiến cúng thần hoàng. Hôm sau làm lễ rước kiệu Ông, kiệu Bà sang chùa Thiên Phúc và dâng hương. Ngày thứ ba lại rước hai kiệu ra miếu Mẫu (thờ mẹ Lý Phục Man) rồi rước trở lại đình.

Ngày 27-12-1990, đình Giàn được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Cùng thời gian này, lễ hội đình Giàn cũng được phục hồi.

Hông đình Giàn. Ảnh: NCCong ©2015

Di tích lân cận

Phía đông làng Giàn có ngôi đền Sóc cũng được xếp hạng Di tích quốc gia. Tương truyền, trên đường lên núi Sóc Sơn sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng đã nghỉ chân tại đây. Lễ hội đền Sóc diễn ra vào mùng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm, hội lớn được tổ chức 5 năm một lần. Ngoài ra, cùng phường Xuân Đỉnh lại có các di tích như chùa Táo, miếu Vũ, và đền thờ quận công Nguyễn Công Cơ là một ông quan Tham tụng thời Lê-Trịnh.

Xa hơn còn có những di tích như:

©NCCông 2015-2019, Dinh Gian community hall