96 Lu Giang temple

Đền Lừ (Lư Giang Từ)

sông Kim Ngưuquận Hoàng Maithời Trần

Đền Lừ có trước năm 1646. Tên chữ: Lư Giang Từ. Thờ: Phạm Ngưu Tất, Phạm Tổ Thu, Thuỷ Tinh công chúa, Trần Hưng Đạo. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1994). Vị trí: số 2 phố Hoàng Mai, XVP7+34, Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam . Cách Ga Hà Nội: 7 km (hướng 5 h). Trạm bus lân cận: Đd 411 Nguyễn Tam Trinh (xe 26, 30, 38, 42), Đd 327 tổ 45 đường Hoàng Mai (106), Chợ Đầu mối phía Nam (99)

Giới thiệu

Thế kỷ XX, các nhà khảo cổ phát hiện được nhiều công cụ sản xuất thô sơ của thời tiền sử trong khu vực làng Hoàng Mai, cho thấy nơi đây từng thuộc về một địa bàn sinh tụ chính của cư dân nông nghiệp. Con sông nhỏ chảy qua phía đông rồi đổ ra sông Hồng có tên Lư Giang, chính là đoạn tiếp nối của dòng sông Kim Ngưu từng nổi tiếng với truyền thuyết “Trâu vàng Hồ Tây”. Lư Giang tức là sông Con Lừa, dân gọi chệch là sông Lừ, vì thế ngôi đền Lư Giang còn có tên đền Lừ.

Theo truyền thuyết, dân đất này hai nghìn năm trước đã theo đô tướng Nguyễn Tam Trinh tham gia cuộc khởi nghĩa chống giặc Hán do Hai Bà Trưng lãnh đạo. Đến thời Lê sơ, làng Hoàng Mai cùng với Tương Mai, Mai Động và một số làng phụ cận đã hợp thành vùng Kẻ Mơ (Cổ Mai) nổi tiếng ở kinh thành. Nguyễn Trãi từng sống ở đây nên tả rõ trong sách “Dư địa chí”: “Vùng ấy, đất thì đỏ chín cùng sắc xanh đen, ruộng thì vào loại thượng hạng”.

Cổng đền Lừ. Photo NCCong ©2019

Sang thời Lê, vùng Hoàng Mai có trạm Dịch Lư - một dịch trạm lớn nằm trên đường thiên lý, gần cầu qua sông Lư Giang đi về các tỉnh phía nam. Theo văn bia “Dịch Lư kiều bi ký” do Trạng nguyên khoa Đinh Sửu Nguyễn Khắc Nhu soạn vào năm Phúc Thái thứ 4 thì lúc bấy giờ cầu Dịch Lư vừa là một phương tiện giao thông, vừa là một cảnh đẹp ở phía nam kinh thành. Trước đó cầu bị hư hỏng, mùa xuân tháng 2 năm Phúc Thái thứ 2 dân làng Hoàng Mai đã đóng góp tiền của để làm lại, tháng 11 năm sau thì hoàn thành. Năm 1646, dân làng tạc tấm bia đá lớn dựng trong đền Lư Giang bên cầu để ghi lại sự kiện và biểu dương những người tham gia đóng góp.

Từ thời Pháp thuộc đến nay, thành phố Hà Nội liên tục mở rộng quy mô xây dựng. Cả hai con sông Kim Ngưu, Tô Lịch đều bị thu hẹp, thậm chí bị lấp mất một đoạn và trở nên những kênh nước thải, ô nhiễm nặng nề không đi thuyền được nữa. Ngôi đền Lư Giang được đại trùng tu vào đầu thế kỷ XXI và xây thêm một nhà bia nhỏ cạnh cổng để đặt tấm bia nói trên cùng các bia công đức mới.

Ao đền Lừ. Photo NCCong ©2019

Lược sử

Tương truyền năm 1389 Trần Khát Chân[1] đã cho xây dựng “ngôi đền Vua” để thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Năm 1399, sau khi ngài cùng 2 tuỳ tướng là Phạm Ngưu Tất và Phạm Tổ Thu bị giết hại, dân làng đã xây thêm đền Lừ có chung cổng ngõ và sân vườn với đền Vua để thờ cả ba vị. Cuối thời Lê, đền Lừ thờ thêm công chúa Thủy Tinh. Khoảng giữa thế kỷ XX, đền Vua bị bỏ, đồ thờ ở đó được rước sang đền Lừ, do đó ở đền Lừ có thờ vọng Đức Thánh Trần.

Văn bia và truyền thuyết dân gian ở địa phương cho biết Thủy Tinh công chúa thuộc dòng dõi tướng Hoàng Đình Ái. Bà tên là Hoàng Thị Chung, sống ở đầu thế kỷ XVIII, có công giúp làng và dân trong vùng bị bão lụt nên sau được thờ cùng với Mẫu Thủy tại đền Lừ. Trong tâm thức truyền thống của người Việt, Mẫu Thủy là một trong ba vị nữ thần quan trọng nhất của Tam tòa Thánh mẫu (Thiên, Thủy, Địa). Để ca ngợi công đức thần, có hai bức đại tự treo trong đền ghi mấy chữ Hán: “Linh sảng thức bằng” (Sáng suốt, thông tuệ, làm khuôn mẫu cho đời) và “Thao thủy khôn tinh” (Công đức sánh với nước lớn mênh mông).

Bia cầu Dịch Lư. Photo ©NCCong 2019

Kiến trúc

Đền Lư Giang bị thu hẹp trong quá trình đô thị hoá, ít nhất cũng đã mất mảnh đất trước cổng cũ và đường phố nay chỉ cách bức bình phong có mỗi một vỉa hè. Bình phong này xây liền với bức tường bịt kín mặt đền, bên phải tường là dòng sông Lừ. Cổng mới mở ở bên trái, du khách đi qua cổng và nhà bia sẽ vào sân tiền tế.

Sau nhiều lần trùng tu, đền hiện gồm nhiều nếp nhà nhỏ kế tiếp nhau ở dưới bóng cây cổ thụ xanh mát nhưng có lẽ chỉ toà điện chính là còn giữ được nét kiến trúc xưa. Mặt đền Lừ nhìn về phía đông nam ra hồ bán nguyệt và bức bình phong cũ. Tòa tiền tế gồm 3 gian 2 chái với các góc đao cong. Bờ nóc được trang trí đôi rồng chầu mặt trời và hai đầu kìm hướng vào giữa, đầu trắng hoa lam trên toàn bộ thân. Phần khung gỗ của tòa tiền tế có 3 vì đều làm theo dạng cột trốn quá giang. Tiếp sau tòa tiền tế là một lớp nhà ngang gồm ba gian hai chái với các bộ vì kết cấu “chồng rường giá chiêng,” tường hồi bít đốc trơn soi chỉ.

Điện Mẫu đền Lừ. Photo NCCong ©2019

Di sản

Tại đền Lư Giang hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị: 3 đạo sắc do các vua Nguyễn phong cho Mẫu Liễu; hai quả chuông đồng đúc thời Nguyễn; 3 bộ long ngai bài vị; 8 khám thờ gỗ sơn son thiếp vàng; 7 bức hoành phi; 8 đôi câu đối gỗ sơn thiếp; 4 tấm bia đá thời Lê và thời Nguyễn.

Hàng năm, hội đền Lư Giang được mở hai lần vào tháng tám và tháng ba. Hội tháng tám là hội chính, được tổ chức trong ngày húy kỵ của Quốc công tiết chế Hưng đạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn (20 tháng 8 âm lịch). Năm 1994 đền được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

Chú thích
[1] Ngày 23-1-1390, tướng Trần Khát Chân cho bắn tập trung vào soái thuyền giết chết Chế Bồng Nga, quân Chiêm Thành phải bỏ cuộc tấn công Thăng Long và quay về nước. Vua Trần phong đất ở Cổ Mai (nay là vùng Tương Mai, Mai Động, Hoàng Mai) cho ngài làm thái ấp. Đến năm 1399, sau vụ mưu sát Hồ Quý Ly ở Đông Sơn (Thanh Hóa) không thành, ngài bị sát hại, thái ấp cũng bị triệt phá.

©NCCông 2013-2019, Lu Giang temple