428 Nam Du Thuong community hall

Đình Nam Dư Thượng

quận Hoàng Maihuyền thoạisông Hồng

Đình Nam Dư Thượng có từ cuối thế kỷ XVIII. Thờ 2 đôi vợ chồng: Minh Hoa An Quốc đại vương - phu nhân Hoàng Phi Trân, Đương Thống đại vương - phu nhân Nguyệt Thái. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: XVMP+X4 ngõ 112 Nam Dư, P. Lĩnh Nam, Q. Hoàng Mai, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 8km (hướng 5h). Trạm bus lân cận: số 582 đường Lĩnh Nam (xe 04)

Lược sử

Làng Nam Dư có tên nôm là Kẻ Dựa, vốn là một xã thuộc tổng Thanh Trì. Khi con đường dài nối thôn Thuý Lĩnh với làng Mai Động hình thành thì đất Nam Dư được chia thành hai thôn: Thượng và Hạ; đều có đình, chùa riêng. Thôn Thượng trước đây thuộc xã Trần Phú, huyện Thanh Trì; từ năm 2004 thuộc về phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Đình Nam Dư Thượng được xây vào khoảng thế kỷ XVII. Vị trí nằm trên một mảnh đất cao ráo giữa làng, cách ngôi chùa Nghiêm Thắng Tự (được xây năm Vĩnh Tộ thứ 4 tức 1622) khoảng 400m ở phía tây và cách sông Hồng khoảng 2km ở phía đông. Ngày 31-1-1992, cả hai đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.

Thuỷ đình Nam Dư Thượng. Photo ©NCCong 2018

Đình thờ 4 vị thành hoàng gồm 2 đôi vợ chồng Minh Hoa An Quốc đại vương cùng phu nhân Hoàng Phi Trân và Đương Thống đại vương cùng phu nhân Nguyệt Thái là những người có nhiều công lao trong việc trị quốc an dân. Tương truyền, Minh Hoa An Quốc Đại vương là con trai của vua Hùng thứ 17. Còn Đương Thống đại vương hay Thống Công là em Tản Viên Sơn Thánh, sống dưới triều Hùng Vương thứ 18 và lấy công chúa Nguyệt Thái.[1]

Ngôi đình Nam Dư Thượng trải qua 4 thế kỷ đã được sửa chữa và tôn tạo nhiều lần. Sang đầu thế kỷ XXI, đình đã được đại trùng tu nhưng vẫn giữ phong cách kiến trúc theo nghệ thuật truyền thống cuối thời Nguyễn, mặc dù chủ yếu sử dụng vật liệu bê tông cốt thép.

Sân đình Nam Dư Thượng. Photo ©NCCong 2018

Kiến trúc

Cổng đình gồm 4 trụ biểu nhìn về hướng đông, nay mở ra ngõ 112 Nam Dư, thuộc tổ 5, phường Lĩnh Nam. Sau cổng là một sân gạch dài, bên tay trái có cây đa to và bên phải là các bậc thềm rồng dẫn vào cửa đình. Đại bái gồm 3 gian 2 chái kết nối với hậu cung theo hình chuôi vồ. Trước đình là một ao sen rộng khoảng 1 sào, giữa ao có tòa phương đình xây kiểu 2 tầng 8 mái 16 cột, nơi diễn ra nhiều trò vui dân gian trong dịp lễ hội.

Di sản

Trải qua mấy thế kỷ với bao biến cố, trong đình Nam Dư Thượng hiện vẫn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị nghệ thuật và lịch sử như: 1 bộ bát bửu, 1 hương án, 1 long đình, 2 bức hoành phi, 1 đỉnh đồng, 1 đôi hạc, 2 bát nhang sứ, 4 long ngai, bài vị... Đặc biệt còn có 2 cỗ kiệu lớn mang phong cách chạm khắc gỗ của cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Về tư liệu chữ Hán, ngoài các câu đối lại có 1 cuốn thần phả và 16 đạo sắc phong, đạo sớm nhất mang niên đại Cảnh Hưng thứ 44 (năm 1783), muộn nhất là Khải Định thứ 9 (năm 1924).

Đại đình Nam Dư Thượng. Photo: NCCong ©2018

Tại đình Nam Dư Thượng, theo truyền thống nông nghiệp lâu đời, nhân dân vẫn tổ chức và tham gia hội làng hàng năm từ ngày 14 đến 15 tháng Hai âm lịch. Trong dịp này, đặc sắc nhất là lễ cấp thuỷ, rước nước lấy từ sông Hồng về để cầu cho mưa thuận gió hoà và mùa màng bội thu.

Di tích lân cận

©NCCông 2017-2019, Nam Du Ha community hall
[1] Trong bản thần tích của làng Nam Dư được soạn vào năm Hồng Đức thứ nhất (1470) có chép như sau: "Vào đời Hùng Vương thứ 17, vua sinh được 28 hoàng tử, trong đó có Hoa Vi vốn thông minh tuấn tú lại có tài thao lược nên được vua phong là An Quốc Vương, vợ huý là Trân. Lúc ấy, bốn phương thanh bình, vương thường dạo chơi nơi thôn dã, đến xã Tây Trà, huyện Thanh Đàm, thấy đất đai màu mỡ, cư dân đông đúc, bèn cho lập cung điện ở đó và dạy bảo dân cách trồng dâu chăn tằm. Vương nghe nói núi Tản Viên hình tựa cái tán, đỉnh có phiến đá, dưới có đầm đá, phong cảnh u nhàn. Vương tìm đường lên chơi núi Tản và gặp Sơn Thánh ở đấy. Sơn Thánh, hiệu là Thần Vương có gậy tiên, có sách thần và nhiều thuật biến hoá, An Quốc xin được kết nghĩa anh em. Khi An Quốc mất, Sơn Thánh uỷ em là Thống Công về Tây Trà cùng dân xã tiếp tục lo việc nông tang. Cung điện xưa của con cháu vua Hùng ở Tây Trà nay không còn dấu tích."