457 Ho Khau community hall

Đình Hồ Khẩu

quận Tây Hồhuyền thoạiGiấy dó

Đình Hồ Khẩu được dựng năm 1619. Thờ: anh em tướng quân Dực Thánh và Vệ Quốc. Xếp hạng: Di tích thành phố (2006). Vị trí: ngõ 378 Thụy Khuê, 2RW7+Q4 Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 4,7 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: 324 Thụy Khuê, Đối diện 580-582 Hoàng Hoa Thám (xe 14, 14ct, 45)

Địa lý

Làng Hồ Khẩu gồm cụm dân cư số 1 và số 2 phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, nằm ở mạn bắc đường Hoàng Hoa Thám (vốn là bức tường đất che chắn kinh thành Thăng Long), xưa thuộc phủ Phụng Thiên. Theo truyền thuyết, ngay thời Hùng Vương đã có một số dân đến đây lập ấp, đánh cá, trồng lúa. Hồ Khẩu là nơi sông Tô Lịch thông ra Hồ Tây. Dân làng có nghề làm giấy dó; lúc đầu sản xuất giấy bản, giấy moi; đến đầu thế kỷ XVII thì làm được cả giấy sắc để dùng vào việc viết sắc phong và chiếu, chỉ của vua, chúa.

Trong làng có 5 dòng tộc đến nay vẫn giữ được từ đường. Nổi danh là hai anh em Lý Văn Phức, Lý Văn Hảo cùng đỗ Hương cống khoa Kỷ Mão đời Gia Long rồi em là Lý Văn Loát đỗ khoa Tân Tỵ đời Minh Mạng. Lý Văn Phức nhiều phen chìm nổi quan lộ, từng làm đến chức Tả Tham tri Bộ Hộ và được cử đi sứ sang Trung Quốc. Ông mất khi tại chức, để lại nhiều ký sự và thơ văn Hán, Nôm. Tên của ông được đặt cho một con phố cụt ở cạnh số nhà 161 đường Nguyễn Thái Học.

Cổng làng Hồ Khẩu. Photo ©NCCong 2018

Hồ Khẩu cũng là quê của nhà thơ Nguyễn Văn Giai, tác giả Hà Thành chính khí ca được lưu truyền rộng rãi ngay sau khi thành Hà Nội bị quân Pháp đánh chiếm lần thứ 2 (1882). Bài vè này vừa ca ngợi Tổng đốc Hoàng Diệu tự vẫn không đầu hàng giặc, vừa chỉ trích những kẻ phản bội và chạy trốn hèn nhát. Ngoài đình, tại làng còn có ba ngôi đền và hai cổ tự, trong đó chùa Sãi tức chùa Tĩnh Lâu rộng lớn hơn và là một di tích nổi tiếng ở ven Hồ Tây.

Lược sử

Đình Hồ Khẩu được dựng năm Kỷ Mùi niên hiệu Hoằng Định (1619), thờ hai thành hoàng là anh em ngài Cống Lễ, Cá Lễ cùng sinh ngày 13 tháng Hai âm lịch. Tương truyền hai ngài là tướng của Hùng Vương, có công đánh giặc giữ nước. Một thuyết khác kể rằng họ sinh vào thời Lý, từng phá tan giặc Chiêm Thành đến xâm lược nước ta, sau được vua phong tước Dực Thánh tướng quân và Vệ Quốc tướng quân. Hai vị cùng mất ngày mùng Hai tháng Bảy âm lịch, sau được thờ chung tại đình Hồ Khẩu rồi còn được thờ riêng cũng ở trên đất làng tại đền Dực Thánhđền Vệ Quốc, cách nhau chỉ khoảng 300m.

Trước đình Hồ Khẩu. Photo NCCong ©2018

Trải qua 4 thế kỷ với bao mưa gió và chiến tranh, dáng vẻ đình Hồ Khẩu chủ yếu định hình sau đợt xây lại ngôi đình bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp (1947-1954). Cuối thập niên 1950 đình từng là hội trường của hợp tác xã giấy, năm 1990 mới trở lại làm nơi thờ cúng nhưng hồi đó đã có sự lấn chiếm đất xung quanh. Cạnh đình không còn thấy dấu vết của Văn Chỉ thờ Khổng Tử và những người làng đã đỗ đạt. Phía sau đình là chùa Chúc Thánh chật hẹp cũng vì mất đất, nay xây lên tầng cao át cả di tích.

Kiến trúc

Đình Hồ Khẩu mới đại trùng tu năm 2014 nhưng không còn cả cổng lẫn sân và bậc thềm tiền tế phải xây giáp ngay ngõ 378 Thuỵ Khuê, đối diện với một chợ cóc. Tòa tiền tế rộng 3 gian 2 chái, mặt nhìn về hướng tây-bắc, xếp hàng song song thành hình chữ Tam với trung cung cũng 3 gian 2 chái và hậu cung 3 gian. Trong hậu cung có đặt sắc phong, sắc phục, long ngai và bài vị của các thành hoàng. Đáng tiếc hiện còn để ngoài trời tới 7 tấm bia đá, cái thì vỡ, cái thì mòn vì phơi nắng phơi mưa.

Trong đình Hồ Khẩu. Photo NCCong ©2018

Lễ hội

Hàng năm dân làng Hồ Khẩu gồm 8 xóm vẫn cùng tổ chức lễ hội chính vào dịp tháng Hai âm lịch và lễ hội cầu mát vào dịp tháng Tư âm lịch. Làng chọn ra 32 trai tân, từ ngày mồng Một tháng Hai đã phải ăn chay để đến tối ngày 13 chia làm 2 đội chèo đò tại sân đền Vệ Quốc. Dịp hội tháng Tư vào ngày Rằm có lễ rước sư cầu an và rước nước ngoài hồ Tây, đi từ chùa Sải về đình làng.

Di tích lân cận

©NCCong 2014-2018, Ho Khau community hall