398 Huynh Cung community hall

Đình Huỳnh Cung

huyện Thanh TrìChu Văn Ansông Tô Lịch

Đình Huỳnh Cung có từ trước 1717. Thờ: Hồng Bác đại vương, phối thờ Chu Văn An. Lễ hội: 18-21 tháng Giêng âm lịch. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: Bưu cục Tam Hiệp, XR2J+PQ5, Thanh Trì, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 9 km (hướng 6 h). Trạm bus lân cận: Đd 171 Ngọc Hồi (xe 06, 08, 12, 94, 101), Điểm Đỗ Xe Buýt Xã Tam Hiệp (xe 161).

Du khách có thể lên xe bus chạy từ trung tâm Hà Nội về hướng nam theo quốc lộ QL1A và xuống điểm dừng đối diện 171 Ngọc Hồi (trước cầu Văn Điển một chặng), rồi rẽ phải vượt đường sắt vào phố Tựu Liệt đi tiếp 1km thì đến giếng đình Tựu Liệt. Sau đó rẽ trái qua cầu Huỳnh Cung sẽ thấy một ngôi đình khá to ngay cạnh trụ sở UBND xã Tam Hiệp.

Lược sử

Đình nằm bên bờ nam sông Tô Lịch, trên đất thôn Huỳnh Cung, thuộc xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Trong hậu cung thờ Hồng Bác đại vương; theo thần phả ngài và Uy Mang đại vương là hai hoàng tử của vua Hùng thứ 17 đã có công giúp nước nên được phong làm thành hoàng ở nhiều nơi. Lễ hội đình làng được tổ chức hàng năm từ ngày 18 đến 21 tháng Giêng âm lịch.

Giếng đình Huỳnh Cung. Photo ©NCCong 2023

Trong đình còn phối thờ Chu Văn An là người thày có công lớn đào tạo được nhiều trò giỏi cuối thời Trần, khi ngài rời triều đình về làng dạy học. Sau khi ngài mất, nơi đây đã được ban sắc và lập làm văn chỉ để thờ những vị đỗ đại khoa trong huyện Thanh Trì.

Không ai biết đích xác đình và văn chỉ được xây dựng từ khi nào nhưng căn cứ vào niên đại ghi trên hai tấm bia cổ thì chắc chắn là trước năm 1717. Trải qua 3 thế kỷ, các nếp nhà quanh sân đình bị đổ nát và một trong hai cổ thụ đã chết, chỉ còn lại tòa đại bái. Đến giai đoạn 2009-2010, toàn bộ khu di tích đã được trùng tu nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Cổng đình Huỳnh Cung. Photo ©NCCong 2017

Một nhà giải vũ nhỏ đã được xây ở bên tả đình, gần cây muỗm mới trồng thay cho cây bị chết. Cái vực sâu nổi tiếng trước cổng vốn bị lấp, nay được thay thế bằng một giếng đào có xây tường bao.

Kiến trúc và di vật

Nghi môn nhìn về hướng đông, gồm 4 trụ biểu đắp các câu đối chữ Hán và 4 bức tường đắp phù điêu hình rồng, ngựa với 2 cửa tả hữu xây kiểu 2 tầng 8 mái lợp ngói giả. Sau cổng là sân gạch dẫn thẳng đến thềm đình cao 5 bậc.

Tòa đại bái gồm 3 gian rộng với cửa bức bàn và 2 chái có cửa sổ hình chữ nhật. Bốn mái to lợp ngói mũi hài, các đầu đao uốn cong nhẹ. Trên bờ nóc có gắn tượng các linh thú chầu mặt nguyệt ở giữa. Gian giữa kết nối với hậu cung theo hình chuôi vồ. Bộ vì kèo có kết cấu kiểu giá chiêng chồng rường bẩy hiên.

Sân đình Huỳnh Cung. Photo ©NCCong 2023

Các con rường, xà được làm tròn và chạm ở đầu với các họa tiết vân xoắn, nét mác khỏe. Đầu dư tuy nhìn chung giống nhau và cân đối nhưng mỗi cái có một vẻ riêng. Trong đình có các hiện vật quý như thần phả, sắc phong, long ngai, kiệu bát cống và chiêng, trống, lư hương... Trong văn chỉ thì còn lưu giữ được 3 tấm bia đá và 11 đạo sắc phong, v.v..

Ngày 29-01-1993 đình và văn chỉ Huỳnh Cung đã được xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCông 2017-2023, Huynh Cung community hall