385 Khuong Trung community hall

Đình Khương Trung

quận Thanh Xuânhuyền thoạisông Tô Lịch

Đình Khương Trung có từ đầu thế kỷ XVII. Thờ: 2 vị tướng của vua Hùng thứ 18. Lễ hội: mồng 5 tháng Giêng âm lịch. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: số 245 phố Khương Trung, XRW9+53, Thanh Xuân, Hanoi, Vietnam. Cách Ga Hà Nội: 4,6km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: 283 Vũ Tông Phan (xe 104), 254 Khương Đình (xe 05, 60b).

Địa lý

Ba thôn Khương Trung, Khương Thượng, Khương Hạ từ xưa đã nổi tiếng là vùng "Tam Khương". Năm 1915, mỗi thôn trở thành một xã. Khương Thượng thuộc tổng Yên Hạ, xã Khương Trung thuộc tổng Hoàng Mai cùng nằm trong huyện Hoàn Long, còn xã Khương Hạ vẫn nằm trong tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông cũ.

Đất làng Khương Trung xưa kia khá rộng: phía đông giáp đồng làng Phương Liệt, phía nam giáp hai làng Khương Hạ và Định Công, phía tây giáp sông Tô Lịch, phía bắc và tây bắc giáp các làng Láng Hạ, Thịnh Quang, Khương Thượng, Vĩnh Hồ. Năm 1919, quân Pháp khi xây sân bay Bạch Mai đã sung công một số đất đai của Phương Liệt, Khương Thượng và nửa phía đông của thôn Khương Trung, làm mất hẳn xóm Hồng, xóm Đầm. Nay chỉ còn lại đầm Hồng.

Bia đình Khương Trung. Photo by NCCong ©2015

Lược sử

Theo thần tích, xưa có hai vị tướng là Trần Minh và Trần Quang đã phò tá Hùng Vương thứ 18 đánh giặc và giúp đỡ dân Khương Trung sinh sống. Sau khi mất, hai ngài được thờ làm thành hoàng làng. Tại đây còn có một ban thờ riêng cho mẹ con bà Trịnh Thị Quý. Bà quê ở Nam Định, sống trong thời Lê trung hưng, do không có con trai nên đã cúng hết ruộng vào chùa và được thờ hậu ở đình làng.

Theo sử sách, tháng 10 năm 1426, tướng nhà Minh là Viên Lượng mang quân đến giải vây cho Vương Thông đang cầm cự trong thành Đông Quan. Nghĩa quân Lam Sơn phục kích ở làng Nhân Mục đã bắt sống Viên Lượng và tiêu diệt hơn nghìn tên giặc. Tháng sau, quân Minh phản công đánh ra vùng Bình Đà, nghĩa quân đã nhử giặc về phía sông Đáy và diệt được một phần lớn, góp công tiến gần đến chiến thắng cuối cùng của Lê Lợi vào năm sau. Trong dịp Tết Kỷ Dậu năm 1789, cánh quân Tây Sơn của Đô đốc Long đã bí mật di chuyển thần tốc đến Khương Thượng rồi phá tan đồn giặc Thanh ở Đống Đa.

Đình Khương Trung. Photo ©NCCong 2015

Căn cứ theo hai đạo sắc phong thành hoàng làng vào năm Khánh Đức thứ 4 (1652) và Quang Trung thứ 3 (1790), có thể suy luận rằng đình Khương Trung đã được xây dựng từ nửa trước thế kỷ XVII.

Trong kháng chiến chống Pháp, sau khi đặc công Việt Nam đánh vào sân bay Bạch Mai, giặc Pháp đã phá huỷ đình và chùa Khương Trung nhưng dân làng nhanh chóng đóng góp công sức xây lại. Ngày 16-12-1993, cả hai đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc và di vật

Đình tọa lạc trên nền đất cao, bên tả là ngôi chùa làng. Khuôn viên còn lại hiện nay tuy khá nhỏ hẹp nhưng cũng có đủ các hạng mục nghi môn, đại bái và hậu cung, ngoài sân lại có một nhà bia nhỏ. Đại bái rộng 5 gian có hàng hiên, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, gian giữa kết nối theo hình chuôi vồ với hậu cung 3 gian.

Cổng đình Khương Trung. Photo ©NCCong 2015

Di vật gồm có: hoành phi, câu đối, 2 đạo sắc phong, 1 bản thần phả, 2 pho tượng, 2 bộ long ngai bài vị, 1 cỗ long đình, 1 bộ bát bửu. Lại có một quả chuông đồng, một chiếc trống, một bia đá cổ và một cỗ kiệu bát cống sơn son thếp vàng chạm trổ tinh xảo.

Hàng năm dân làng mở hội đình vào ngày mồng 5 tháng Giêng âm lịch, có lễ rước thần và cúng tế bằng cỗ chay vào ban đêm. Nhân dịp này còn có tổ chức hát chèo, đánh vật, chọi gà...

Di tích lân cận

©NCCông 2015-2021, Khuong Trung community hall