83 Kim Lien temple and community hall

Đền, đình Kim Liên

q.Đống ĐaCao Sơn Vũ Lâmhồ đầm

Đền, đình Kim Liên có từ năm 1509. Thờ: thần Cao Sơn Vũ Lâm và 2 vị nữ thần. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: 148 phố Kim Hoa, 2R6Q+77, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 2km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: 242 Xã Đàn, hoặc số 358 Lê Duẩn.

Lược sử

Đền thờ thần Cao Sơn được Tương Dực đế cho xây vào năm 1509 trên một gò đất tại làng Kim Liên, thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, Đông Đô, nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Tiếp theo, đã dựng thêm một nghi môn ngoại kiểu tứ trụ ở dưới chân gò phía trước sân đền và bổ sung các nếp nhà tả hữu mạc, tạo thành ngôi đình hoàn chỉnh.

Với việc đền xây trước, đình xây sau như thế, khu đình, đền Kim Liên gồm hai phần chính chia tách nhau rõ rệt về cao độ. Cổng ngoài và cổng trong nằm trên cùng một trục thần đạo, mặt quay về phía tây nam, xưa kia trông ra con đường đê La Thành và một cái đầm kéo dài từ cuối làng Trung Tự đến gần ô Kim Hoa (tức ô Đồng Lầm).

Trước đình Kim Liên. Ảnh ©NCCong 2016

Trong sân đình từng có một cổ thụ to cao, đứng từ phía chùa Bộc nhìn qua cánh đồng còn thấy ngọn cây. Đáng tiếc đến cuối thế kỷ XX thì cây bị chết. Đầm nước cũng bị lấp và thay bằng một cái ao nhỏ hình bán nguyệt giáp với con phố Xã Đàn đi ngang qua phía trước cũng mới được mở thêm. Nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, UBND TP Hà Nội đã cấp kinh phí đại tu di tích.

Ao bán nguyệt và cái giếng tròn bên cạnh được xây tường bao bằng đá. Lại xây thêm bức bình phong ngăn ao với chiếc cổng trước đây là một nghi môn ngoại, sang thế kỷ XXI mới thay bằng tam quan và còn thêm hai cửa phụ bên cạnh thành ngũ môn quan kín cổng cao tường. Sau cổng là sân đình với hai dãy giải vũ 5 gian ở hai bên. Phía cuối sân có thềm 9 bậc với 2 thành bậc hình con sấu đá được làm từ thời Lê trung hưng, thêm hai lối phụ bên cạnh, dẫn lên gò đất.

Sân đình Kim Liên. Ảnh ©NCCong 2016

Đền Cao Sơn được dân sở tại cho là ngôi trấn nam trong “Thăng Long tứ trấn” của kinh thành xưa. So với ba ngôi kia (Quán Thánh, Bạch Mã, Voi Phục) thì đền này ra đời muộn nhất, mới 500 tuổi. Tương truyền thần Cao Sơn là Lạc tướng Vũ Lâm, một trong 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi. Đền thờ chính gốc được lập từ xa xưa ở huyện Phụng Hóa, còn gọi là đền Láo, nay ở xã Văn Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Kiến trúc

Ngôi đền Kim Liên may mắn vẫn được nguyên vẹn trong thế kỷ XX, gồm có nghi môn, đại bái và hậu cung. Nghi môn là một tam quan nội kiểu 3 gian tường hồi bít đốc tay ngai. Bốn bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, cột trốn. Nhà đại bái 3 gian 2 dĩ, được kết nối với hậu cung sâu 3 gian theo hình “chữ Đinh", bên trong xây vòm cuốn, đều có bệ gạch cao. Gian ngoài hậu cung đặt hương án. Gian thứ hai đặt 2 long ngai và các đồ tế khí. Gian cuối cùng thờ Cao Sơn Đại Vương và hai nữ thần phối hưởng là Thuỷ Tinh Đệ Tam Tôn Nữ Đông Hồ Trưng Vương Mẫu và Huệ Minh Công Chúa.

Cổng đền Cao Sơn. Ảnh ©NCCông 2023

Di sản

Bên phía tả đại bái có một tấm bia đá cao 234cm, rộng 157cm, dầy 22cm, đề là “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh” do thượng thư Lê Tung soạn năm 1510, gồm 47 dòng với khoảng 1000 chữ Hán, được khắc lại vào năm Nhâm Thìn đời Cảnh Hưng (1772).[1]

Trong cung cấm còn lưu giữ được 39 đạo sắc phong cho Cao Sơn Đại Vương, trong đó có 26 đạo thời Lê Trung Hưng và 13 đạo thời nhà Nguyễn, sớm nhất là sắc phong mang niên hiệu Vĩnh Tộ 2 (1620). Ngoài thờ Cao Sơn Đại Vương và Tam toà thánh Mẫu, về sau trong đền còn có thêm ban thờ Hồ Chủ tịch. Lễ hội đình làng được tổ chức vào ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm, có ba nơi rước kiệu tới là Bạch Mai, Phương Liệt, và Quỳnh Lôi.

Năm 1990, đền và đình Kim Liên được xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Sân đền Cao Sơn. Ảnh ©NCCong 2016

Di tích lân cận

83 dinh, den Kim Lien ©NCCông 2011-2023


[1] Theo văn bia, khi hoàng thân Lê Oanh khởi binh đi dẹp Lê Uy Mục, có 3 tướng Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoằng Dụ và Nguyễn Văn Lữ cùng theo. Giữa núi rừng rậm rạp ở huyện Phụng Hoá họ thấy một ngôi đền cổ ghi 4 chữ "Cao Sơn đại vương", bèn vào cầu khấn. Quả nhiên chỉ mười ngày đã thành công. Khi Lê Oanh trở thành Tương Dực đế đã cho sửa sang đền ở Phụng Hoá, đến năm 1509 lại cho xây dựng ở Đông Đô một ngôi đền mới tại thôn Kim Hoa, sau đổi là Kim Liên.