252 Mai Dich community hall

Đình Mai Dịch

Lý Phật Tửquận Cầu Giấysông Nhuệ

Đình Mai Dịch có từ thời Lê. Thờ: Lý Phật Tử 李 佛 子 (?-602). Xếp hạng: Di tích quốc gia (1995). Vị trí: 2QPH+VJ, số 6 Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 8km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: 34 Hồ Tùng Mậu (xe 05, 13, 20, 26, 29, 32, 49, 57, 70, 73), phố Phạm Hùng (13, 27, 46, 60).

Lược sử

Mai Dịch vốn thuộc làng Dịch Vọng Sở, sau mới tách thành một làng riêng biệt. Từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, nơi đây từng là một dịch trạm lớn trên con đường nối Thăng Long - Hà Nội với Sơn Tây. Ngày nay chỉ còn lại địa danh và di tích ngôi đình làng toạ lạc ở góc tây bắc cầu vượt Phạm Hùng, tại số 6 phố Hồ Tùng Mậu, thuộc phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Đình Mai Dịch có ít nhất từ thế kỷ XVIII, thờ vua Lý Phật Tử 李 佛 子 (?-602). Cũng như không ít ngôi đình khác, đình từng là nơi mở các lớp tiểu học ngay sau khi quân Pháp rút đi vào năm 1954. Cũng từ đó, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đóng trụ sở ở cánh đồng phía đông Mai Dịch.

Bước sang thế kỷ XXI, đoạn đường chạy từ cầu vượt Phạm Hùng đến Cầu Diễn được mở rộng và nâng cấp, đặt tên là phố Hồ Tùng Mậu. Cổng đình ngày nay là một điểm dừng của nhiều tuyến xe bus.

Cổng đình Mai Dịch. Ảnh ©NCCong 2013

Ngọc phả trong đình chép như sau:
Xưa, Lý Bôn dấy nghiệp ở huyện Thái Bình, vốn trước làm quan cho nhà Lương, đính hôn cùng bà Nguyễn Thị Thuỳ. Vợ chồng cùng lòng tu nhân tích đức, ba năm hương hoả, đêm ngày phụng thờ Thượng Đế. Vào một ngày tháng 5 năm Quý Mão, bà mộng thấy hào quang rực rỡ đầy nhà, phút chốc thấy có con rắn đốm trắng cuộn khúc, tỉnh dậy lại là bông hoa sen. Từ đó, bà mang thai, đến ngày 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn sinh được cậu bé vẻ mặt tươi như hoa đào nở, da sáng như nước trong hồ, nên đặt tên huý là Diêm La Thiên Tư, còn gọi là Phật Tử. Cậu bé tướng mạo thuộc dòng thế phiệt, quý cách, hùng dũng kỳ tài, khi trưởng thành, thiên tư khác lạ, văn võ toàn tài.

[Sau khi Lý Bí mất] Lý Phật Tử cùng với người anh họ là Lý Thiên Bảo ngầm mưu khởi binh giao chiến với vua Triệu Quang Phục. Hai người bị thua ở cửa sông Tô Lịch và Gia Ninh nên đã rút quân về Chương Mỹ dựng đồn luỹ phòng ngự. Sau khi nhận được lời giáo huấn của Thần nhân ở động Hương Tích, Lý Phật Tử và Lý Thiên Bảo liền chỉnh đốn binh mã tiến xuống phía Đông giao chiến với Triệu Việt Vương ở huyện Thái Bình. Quân của hai vị lại thua trận, xin cầu hoà. Triệu Việt Vương không nỡ, bèn cắt đất chia ranh giới cho Phật Tử ở bãi Quân Thần.

Sân đình Mai Dịch. Ảnh ©NCCong 2013

Phật Tử cho con trai là Nhã Lang xin cầu hôn với con gái Triệu Việt Vương là Cảo Nương, Việt Vương đồng ý. Nhã Lang lừa dối Cảo Nương lấy cắp móng rồng rồi bày mưu đánh úp Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương thua trận chạy về cửa biển Đại Nha rồi tự vẫn. Phật Tử lên ngôi đổi niên hiệu là Thiên Đức. Sau đó nhà Tuỳ sai Lưu Phương dẫn binh sang xâm lược. Lý Phật Tử hội họp văn võ kéo xuống chân thành. Hai vương chia quân làm hai cánh nhưng bị đại bại, Lý Phật Tử xin hàng, theo về Bắc quốc.

Ngày 2 tháng 3 năm Ất Dậu, Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử nửa đêm cùng nằm mộng thấy một người mặc áo xanh, tay cầm cờ vàng tự xưng là Thiên sứ, quỳ trước sân nói với hai người rằng: “Hương đăng muôn thuở tại trang ấp, sống làm vương tướng, thác làm danh thần, anh em hai vương anh linh giúp nước, giúp dân ban bố phúc thần”. Tức thì hai vương lâm bệnh nóng lạnh, thân thể đau yếu bất an rồi hoá.

Đại đình Mai Dịch. Ảnh ©NCCong 2013

Đến đời vua Lý Thái Tông, bộ Lễ viết sắc phong cho Lý Phật Tử được thờ tại 147 ngôi đền. Lại quy định rằng: hàng năm, ngày 8, 9, 10 tháng Giêng dâng cỗ chay, ngũ quả bánh đường 3 màu, ca xướng. Các triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn đều ban sắc phong tặng cho Lý Phật Tử là Thượng đẳng phúc thần.

Kiến trúc và di sản

Đình trải qua nhiều lần sửa chữa, tôn tạo nên không còn giữ được dáng dấp ban đầu. Di tích hiện nay quay hướng nam và có mặt bằng hình “chữ Công”. Khách đi qua nghi môn và con ngõ ngắn đến sân đình. Sau tòa tiền tế 3 gian 2 dĩ là một phương đình nhô cao ở giữa 2 dãy hành lang 5 gian xây thấp, bộ vì làm theo kiểu quá giang. Cuối cùng là toà hậu cung.

Trong đình hiện bảo lưu cuốn thần phả và 9 đạo sắc phong của các triều Hậu Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Ngoài ra, còn có những cổ vật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII-XIX. Đáng kể là bộ hương án, long ngai, bài vị, hạc thờ, bát bửu, án văn, cuốn thư, hoành phi, câu đối...

Hậu cung đình Mai Dịch. Ảnh ©NCCong 2013

Tấm bia đá “Cung phụng bi ký”, ghi niên hiệu Cảnh Hưng 21 (Canh Thìn 1760) cho biết những quy ước của làng về việc cúng tế, chuyển giao phần việc, định lệ bán vé và phân chia “lộc thánh” trong từng kỳ Lễ, Tiết ở đây. Lễ hội chính được tổ chức vào ngày 12 tháng Hai âm lịch hàng năm tại đình Mai Dịch và đình Dịch Vọng Sở.

Ngày 13-2-1995, đình Mai Dịch được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

  • Chùa Đại An: đoạn giữa phố Trần Văn Cẩn, phường Mỹ Đình 2.
  • Chùa Thánh Chúa: số 134 phố Xuân Thuỷ, phường Dịch Vọng Hậu.
  • Đình Dịch Vọng Sở: Ngách 58/23 Trần Bình, phường Mai Dịch.
  • Đình làng Vòng: đoạn đầu phố Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu.
  • Đình Phú Mỹ: đoạn cuối ngõ 63 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2.
  • Đình Thọ Tháp: số 1 ngõ 37 Dịch Vọng, phường Dịch Vọng.

©NCCông 2013-2015, Mai Dich community hall