238 Phung Khoang Community Hall
Đình Phùng Khoang
nhà Lýsông Nhuệq.Nam Từ LiêmĐình Phùng Khoang có từ cuối thế kỷ XVII. Thờ thành hoàng: Đoàn Thượng (1181-1228). Lễ hội: 8 tháng Giêng âm lịch. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí: XQQV+R4, phố Phùng Khoang, P. Trung Văn, Q. Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 10 km (hướng 7 h). Trạm bus lân cận: Km9 đường Nguyễn Trãi (xe 01, 02, 19, 21, 22, 27, 39)
Lược sử
Thôn Phùng Khoang, tên Nôm là làng Khoang, nay thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Thời Lê gọi là thôn Phùng Quang, thuộc xã Nhân Mục Môn, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng. Năm 1723 cắt về huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Đến thời Nguyễn đổi là xã Ngọc Trục, tổng Đại Mỗ, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Từ năm 1964 nhập vào xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Đình Phùng Khoang xây dựng vào đầu thời Lê Trung Hưng. Bên trong đình có điện thờ thành hoàng làng là Đức thánh Đoàn Thượng (1181-1228, tên chữ Hán: 段尚), một vị tướng tài sống vào giai đoạn loạn lạc cuối thời Lý. Ngài đã từng làm đến chức thái úy, đứng thứ hai trong triều vua Lý Huệ Tông, nhiều lần giúp vua chống các thế lực phản nghịch nổi dậy khắp nơi hoặc rình rập cướp ngôi ngay trong triều.
- Mái đình Phùng Khoang. Ảnh ©NCCong 2014
Sau khi nhà Lý mất, Đoàn Thượng về quê hương Hồng Châu xứ Hải Dương dấy quân trung thành với triều cũ tiếp tục chống lại Trần Thủ Độ. Cuối cùng, Ngài bị hại chết ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch năm Bính Thân (1228). Dân làng Phùng Khoang lấy ngày kỵ của Ngài làm chính hội và cùng hơn 70 làng khác lập điện thờ Ngài. Các vị vua đời sau cũng mến phục tiết nghĩa của Ngài và ban cho sắc phong là Đông Hải đại vương, Thượng đẳng Phúc thần.
Đình Phùng Khoang đã được trùng tu lớn hai lần vào thời Lê và một lần thời Nguyễn. Sau kháng chiến chống Pháp, làng đã thành lập khu nhà trẻ, mẫu giáo bé và mẫu giáo lớn, tất cả đều đặt tạm trong khuôn viên của đình làng. Khoảng năm 1986 đình được giải phóng mặt bằng và trùng tu khang trang, gần đây lại có cuộc sửa sang tôn tạo lớn.
- Trong đình Phùng Khoang. Ảnh NCCông ©2015
Kiến trúc
Đình làng Phùng Khoang tọa lạc trong một khuôn viên rộng rãi có tường bao. Mặt đình nhìn về hướng đông-bắc qua tam quan nội xây tượng trưng kiểu trụ nghi môn thẳng tới tấm bình phong cuốn thư bằng đá nằm giữa một hồ nước nhỏ hình vuông. Tam quan ngoại khá đồ sộ, có gác chuông xoay về hướng đông-nam, bên dưới mở cổng ra con đường làng dẫn đến ngôi chùa cổ Thanh Xuân Tự.
Sau hai trụ biểu nghi môn xây giữa sân gạch lớn là một tòa phương đình hai tầng tám mái với các đầu đao và nhiều mảng trang trí cầu kỳ nhưng rất đẹp. Ngược lại bên tả và bên hữu phương đình là hai dãy nhà giải vũ xây khá đơn giản, có lối đi từ đó qua hai cửa ngách nhỏ để vào phía hông và lưng đại đình.
- Sân đình Phùng Khoang. Ảnh NCCông ©2015
Đại đình có kiến trúc theo kiểu liên hoàn với nhà tiền tế 5 gian và thiêu hương, hậu cung kết nối thành hình “chữ Đinh”. Giữa lối vào thềm đình hiện vẫn còn hai con rồng đá mang đậm phong cách thời Lê trung hưng. Tại đầu hiên tiền tế là tượng đắp nổi hai ông Hộ pháp Ác-Thiện đứng đối diện nhìn nhau.
Di sản
Hiện nay trong đình Phùng Khoang lưu giữ được 9 đạo sắc phong từ triều Lê đến triều Nguyễn, sớm nhất là vào năm Chính Hòa thứ 19 (1698) và trong đó có đạo sắc phong ban dưới đời vua Lê Hiển Tông năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) vẫn còn nguyên vẹn.
- Phương đình Phùng Khoang. Ảnh NCCông ©2015
Trong đình có nhiều mảng điêu khắc và chạm trổ rất tinh xảo, độc đáo, bên cạnh các hoành phi, câu đối ca ngợi công tích của Đức thành hoàng. Ngoài ra lại có các tấm bia đá với nội dung ghi lại những lần trùng tu lớn trước đây vào các năm 1721, 1758, 1805.
Lễ hội đình làng được tổ chức hàng năm vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch như đã nói. Mở đầu là đám rước long ngai Ngài thành hoàng từ đình vòng quanh làng rồi lên chùa Thanh Xuân Tự để làm lễ, đến chiều cùng ngày lại rước về đình. Vì làng Phùng Khoang còn kết nghĩa với mấy làng thuộc xã Nhân Mục Môn cũ nên cứ 5 năm lại tổ chức một cuộc đại lễ hội với đám rước đổ về làng Mọc Giáp Nhất, làm nghẽn tắc cả mấy cây số trên con đường Nguyễn Trãi.
- Thiêu hương và hậu cung đình Phùng Khoang. Ảnh NCCông ©2015
Năm 1991 đình Phùng Khoang đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Hương Vân: phố Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì.
- Chùa Phùng Khoang: phố Phùng Khoang, phường Trung Văn, Q. Nam Từ Liêm.
- Chùa Thanh An: thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì.
- Đền Yên Xá: thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì.
- Đình Triều Khúc: phố Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì.
- Đình Trung Văn: ngõ 28 Đại Linh, phường Trung Văn, Q. Nam Từ Liêm.
©NCCông 2015-2016, Phung Khoang community hall