234 Nha village hall
Đình làng Nha
Linh Langsông HồngLong BiênĐình làng Nha có từ thời Lê. Thờ: Linh Lang đại vương và 2 tướng thời Tiền Lê. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: 2VCX+H4, đường ĐT378, Long Biên, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 6 km (hướng 3 h). Trạm bus gần nhất: Điếm Thôn Nha (xe 47a), Đd Aeon Mall Long Biên (40, 47b, 52b, 98, 100, 106)
Lược sử
Tên “làng Nha“ bắt nguồn từ chữ “Nha dinh”, tức dinh thự của các quan lại cao cấp. Theo lưu truyền của dân địa phương thì vào thời Lê, quan lại các vùng phía bắc và phía đông thường tập kết ở làng Nha trước khi qua sông Hồng để vào Thăng Long yết triều; vì thế trước đây trong làng có tới 18 dinh quan nghè. Dấu tích còn được lưu qua các địa danh “đường nghè”, “dinh quan nghè” ở xóm Tây.
Làng Nha đến thời Nguyễn vẫn chỉ là một làng nhỏ của xã Cổ Linh, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, thuộc tỉnh Bắc Ninh. Dân làng chủ yếu sống bằng nghề trồng ngô và lúa lốc. Xưa kia còn có nghề trồng dâu nuôi tằm, mỗi trai đinh từ 18 tuổi trở lên được chia 5 sào đất bãi. Khi Pháp sang, làng Nha chỉ cách sông Hồng chừng 500m; dần dần cách xa đến gấp ba do phần đất bãi của làng được bồi đắp. Sau một trận lụt lớn năm 1925 làm vỡ đê, dân phải đắp đê mới, chính là đoạn tỉnh lộ TL195 hiện nay đi từ cầu Long Biên qua các làng Tư Đình, Trạm, Nha về Thổ Khối, Bát Tràng.
- Cổng đình Làng Nha. Photo NCCong ©2019
Trong kháng chiến chống Pháp, Làng Nha nằm trong xã Phi Trường, huyện Gia Lâm, tỉnh Hưng Yên (từ năm 1949 lại cắt về tỉnh Bắc Ninh). Sau hòa bình lập lại, xã Phi Trường được đổi tên thành xã Long Biên (gồm các làng cũ: Nha, Trạm, Tư Đình và Thạch Cầu – vốn là một bộ phận của làng Cầu Bây chuyển xuống), thuộc quận VIII ngoại thành Hà Nội. Tháng 5-1961, xã Long Biên chuyển về huyện Gia Lâm. Tháng 11-2003, xã này trở thành phường Long Biên, thuộc quận Long Biên mới thành lập.
Đình Làng Nha thờ 3 vị thành hoàng có công chống giặc cứu nước gồm: Đô Thống Đại vương, Xuyên Hoa công chúa giúp vua Lê Đại Hành đánh thắng quân Tống năm 981 và Linh Lang hoàng tử giúp vua Lý Thánh Tông thắng Tống năm 1076. Tục truyền, lúc đầu đình chỉ lợp lá. Sau có người làng là vợ một võ quan trong triều, đã dỡ dinh thự chuyển từ Huế ra cho dân dựng thành đình, lại cung tiến nhiều tiền của để hoàn thiện. Trên câu đầu của đình ghi rõ thời điểm hoàn thành theo âm lịch là ngày mồng một tháng Ba năm Nhâm Ngọ đời vua Minh Mạng (1822), đến năm Giáp Dần niên hiệu Duy Tân (1914) đình được trùng tu.
- Đại đình Làng Nha. Photo NCCong ©2019
Làng Nha từng có hai cử nhân thời Nguyễn: Thẩm Ổn đỗ khoa Mậu Thân niên hiệu Tự Đức (1848) và con là Thẩm Lý Thản đỗ khoa Kỷ Mão cùng thời (1879). Trong các cuộc kháng chiến từ 1946 đến 1989, làng có 65 liệt sĩ, chiếm hơn một nửa số liệt sĩ của cả phường Long Biên. Làng Nha ngày nay đang bị đô thị hóa mạnh mẽ, đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy ở ngay phía tây làng suốt ngày đêm rầm rập xe chạy. Trên đất bãi, một số cơ sở du lịch và công nghiệp cũng bắt đầu xuất hiện.
Đình Làng Nha ngày 28-9-1990 đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Đình Làng Nha quay hướng nam, nhìn ra cầu Thanh Trì. Từ bãi sông Hồng trở vào đê có một giếng lớn mới được xây bao quanh bằng đá xanh và đắp hình đôi rồng chầu rồi đến đàn tế lộ thiên. Sát chân đê bên trong là cổng nghi môn với 4 trụ biểu, trước sân đình có một bức bình phong đắp cuốn thư. Đứng trên đê nhìn rõ hết toàn cảnh.
- Sân bên đình Làng Nha. Photo NCCong ©2019
Mặt bằng đình bố trí theo kiểu chữ “Tam”, gồm 3 tòa: tiền tế, trung đường và hậu cung, được xây kiểu “tường hồi bít đốc tay ngai”. Tiền tế rộng 3 gian 2 chái; bên hữu phía ngoài có một điếm canh, bên tả là sân nhỏ. Trung đường có tính chất như một nhà thiêu hương 3 gian, nối giữa tiền tế và hậu cung. Trong hậu cung 3 gian có khám thờ và bài vị, long ngai của 3 vị thành hoàng. Các bộ vì kèo được kết cấu theo kiểu “thượng chồng giường giá chiêng, hạ kẻ chuyền”.
Phần điêu khắc trang trí trên các bộ khung nhà mang sắc thái riêng. Tại hậu cung thì bào trơn, tại trung đường được chạm khắc đơn giản các đề tài mây, lá, rồng với kỹ thuật chạm nổi, thân kẻ và bẩy chạm sâu các hình rồng lá, rồng mây. Bốn đầu dư dưới câu đầu ở hai vì giữa được trang trí hình đầu rồng với kỹ thuật chạm nổi, chạm bong nhiều lớp, mang phong cách nghệ thuật điêu khắc đầu thời Nguyễn.
Di sản
Trong đình còn giữ được một cuốn thần phả do Hàn lâm Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và một cuốn ghi sắc phong thần từ các đời Cảnh Hưng, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cùng các bài văn tế và danh sách những quan chức, khoa bảng của làng từ đời Lê Trung hưng đến cuối thế kỷ XIX.
- Trong đình Làng Nha. Photo NCCong ©2019
Trong làng còn có một ngôi chùa tên chữ là Cự Linh Tự, tục truyền do Nguyên phi Ỷ Lan cho dựng vào giữa thế kỷ XI. Dáng dấp kiến trúc hiện nay của chùa được định hình từ lần đại trùng tu vào năm Đinh Dậu niên hiệu Thành Thái (1897). Hội làng diễn ra hàng năm từ ngày mồng 10 đến 12 tháng Hai âm lịch. Sự kiện chính gồm lễ rước kiệu từ đình qua chùa trở về đình, nơi các bô lão làm lễ tế cáo 3 vị thành hoàng, sau đó là phần hội với những trò vui dân gian.
Di tích lân cận
- Chùa Cự Linh: 2WC2+HF, số 467 đường Bát Khối, phường Thạch Bàn.
- Chùa Nghiêm Quang: 2VFQ+CQ, số 205 đường Bát Khối, phường Long Biên.
- Chùa Sùng Khánh: 2VHM+FCW, ngõ 26 Tư Đình, phường Long Biên.
- Chùa Thổ Khối: 2W54+58, đường ĐT378, phường Cự Khối.
- Đền Trấn Vũ (Ngọc Trì): 2WF4+C9, ngõ 279 Thạch Bàn, phường Thạch Bàn.
- Đình làng Trạm: 2VFQ+8W, số 205 đường Bát Khối, phường Long Biên.
- Đình Thổ Khối: 2W54+87, đường ĐT378, phường Cự Khối.
©NCCông 2012-2019, Nha community hall