459 Yen Truong community hall

Đình Yên Trường

huyện Ứng Hoàthời Hai Bà Trưngsông Đáy

Đình Yên Trường có từ lâu đời. Thờ 2 thành hoàng: Chiêu Trung, Đỗ Lỵ (tướng của Hai Bà Trưng). Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: QQ77+86, thôn Yên Trường, xã Trường Thịnh, H. Ứng Hòa, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 38km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Đình làng Bặt Ngõ trên QL21B (xe 78, 102, 103a, 13b).

Địa lý

Xã Trường Thịnh có diện tích 584 ha, dân số năm 2012 là 6.436 người. Xã thuộc huyện Ứng Hòa, nguyên là phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam thời nhà Lê. Dưới thời Nguyễn, năm Gia Long thứ 13 (1814) phủ Ứng Thiên đổi tên là phủ Ứng Hòa. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), Ứng Hòa là một trong bốn phủ của tỉnh Hà Nội vừa được thành lập. Phủ Ứng Hòa gồm 4 huyện Sơn Minh (sau đổi thành Sơn Lãng), Chương Đức (sau đổi thành Chương Mỹ), Thanh Oai, Hoài An. Năm 1888, phủ Ứng Hòa thuộc về tỉnh Hà Đông mới được thành lập.[1]

Ao đình Yên Trường. Photo ©NCCong 2018

Ngày 23-9-2003, Chính phủ ra Nghị định số 107/2003/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị trấn Vân Đình thuộc huyện Ứng Hòa. Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Tân Phương và một phần diện tích và dân số các xã Liên Bạt, Phương Tú, Vạn Thái vào thị trấn Vân Đình. Sau khi điều chỉnh, huyện Ứng Hòa gồm thị trấn Vân Đình và 28 xã. Từ ngày 01-8-2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào TP Hà Nội.

Xã Trường Thịnh gồm sáu thôn là Hoa Đường, Trung Thịnh, Yên Trường, Thanh Sam, Đống Vũ và Họa Đống. Thời thuộc Pháp, làng Hoa Đường bị cắt về tổng Xà Cầu (Xà Kiều), các làng còn lại thuộc tổng Bạch Sam. Trải qua nhiều lần sáp nhập và chia tách, đến năm 1956 từ xã Hoa Sơn, sáu thôn kể trên đã tách ra thành xã Hoa Lư. Tháng 6-1965, xã Hoa Lư đổi tên là xã Trường Thịnh.

Bình phong đình Yên Trường. Photo ©NCCong 2018

Xã Trường Thịnh phía bắc giáp với xã Hoa Sơn và Quảng Phú Cầu; phía nam giáp xã Liên Bạt; phía tây giáp xã Đồng Tiến và Cao Thành; phía đông giáp xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên). Nơi đây có sông Đáy, sông Bùi và quốc lộ 21B, tỉnh lộ 429B chạy qua.

Lược sử

Trường Thịnh là một vùng đất được dân Việt đến tụ cư và mở mang từ hơn 2000 năm trước. Những địa danh còn lại như Kẻ Lau (Họa Đống), Kẻ Lò (Đống Vũ), Kẻ Ngẩy (Thanh Sam) đều có nguồn gốc tên nôm thời cổ. Theo thần phả các thôn, dưới thời Hùng Vương đã có các tướng lĩnh về đóng quân ở vùng đất này và được dân thờ cúng cho đến nay; dưới thời Hai Bà Trưng cũng có các nhân tài người địa phương làm tướng và về sau trở thành thần hoàng. Một trong nhiều dấu vết lịch sử là đình Yên Trường đã được Bộ Văn hóa—Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia tại quyết định số 138-QĐ-1992.

Cổng đình Yên Trường. Photo ©NCCong 2018

Đình làng Yên Trường thờ Chiêu Trung và Đỗ Lỵ là người sở tại đã chiêu binh rồi chèo thuyền trên sông Đáy đến Hát Môn theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa giành độc lập. Theo truyền thuyết địa phương và bản thần tích do Hàn lâm Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1572, họ đã đóng doanh trại tại thôn Yên Trường và thôn Trung Thịnh. Rồi hai Ngài đã dẫn quân sĩ đi đánh giặc Hán do tướng Mã Viện cầm đầu sang xâm lược nước ta. Thua trận cuối cùng, họ đã tự vẫn, không chịu đầu hàng. Các triều đại sau này ban sắc phong Nhị vị làm thành hoàng và dân làng vẫn tổ chức lễ hội vào mùng 8 tháng giêng hằng năm để tưởng nhớ.

Kiến trúc

Đình Yên Trường đã trải qua nhiều lần trùng tu, dáng dấp ngày nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Năm 2011, đình được tu bổ các hạng mục đại bái, hậu cung, tả hữu mạc. Phải tạm dừng một thời gian nên đầu năm 2012 công việc sửa đình mới tiếp tục được tiến hành và cuối cùng cũng hoàn thành. Cổng cũ xây kiểu trụ biểu với bình phong ở giữa và hai cửa nhỏ ở hai bên, các mặt có đắp nhiều câu đối chữ Hán. Đình nhìn ra cánh đồng ở hướng nam qua một giếng tròn thả sen.

Cổng mới xây ở bên trái giếng và mở ra đường làng để ô tô ra vào. Sau cổng là một sân gạch khá rộng. Đại bái gồm 5 gian cửa bức bàn, hiên rất hẹp, trốn cột, đầu hồi bít đốc. Hai gian đốc có 2 bục bên Tước và bên Sỉ. Bên Tước dành chỗ cho các vị có chức tước trong làng hoặc thành danh ngoài xã hội được mời ngồi dự để làm gương cho lớp trẻ trông vào học tập, phấn đấu. Bên Sỉ là nơi tôn trọng người cao tuổi trong làng. Mái đình lợp ngói ta, trên bờ nóc có đắp tượng lưỡng long triều nguyệt. Đại đình kết nối với hậu cung thành hình chuôi vồ.

Sân đình Yên Trường. Photo ©NCCong 2018

Di tích lân cận

Chú thích
[1] Năm 1891, thành lập phủ Mỹ Đức thuộc tỉnh Hà Đông, bao gồm 3 huyện: Yên Đức, Chương Mỹ, Sơn Lãng. Sau 8-1945, Sơn Lãng đổi là huyện Ứng Hòa, Yên Đức đổi là Mỹ Đức. Ngày 21-4-1965, tỉnh Hà Tây được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông. Ngày 12-8-1991, chia tỉnh Hà Sơn Bình thành 2 tỉnh Hòa Bình, Hà Tây, theo đó huyện Ứng Hòa thuộc tỉnh Hà Tây.

©NCCong 2015-2018, Yen Truong community hall