246 Dich Vong Hau community hall

Đình Dịch Vọng Hậu

sông Tô Lịchthời Lê trung hưngquận Cầu Giấy

Đình thôn [Dịch Vọng] Hậu, tức đình làng Vòng, có từ thế kỷ XVII. Thờ: -vua Lý Phật Tử. Xếp hạng: Di tích thành phố (2009). Vị trí: số 7 phố Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, 2QPQ+9V, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 7,6km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Đầu phố Xuân Thuỷ (xe 20, 26, 27, 32, 34, 49).

Làng Vòng

Cuối năm, khi gió thu mát mẻ dần thì cốm Vòng lại được rao bán nhiều trên khắp phố phường Hà thành. Làng Dịch Vọng Hậu tên nôm là làng Vòng, tương truyền đã có từ thời nhà Lý. Quê hương của món ăn ý vị và thơm dìu dịu kia cũng chính là nơi tọa lạc một ngôi đình xinh xắn từng có những cột gỗ vàng tâm sứt sẹo loang lổ mực tím và chi chít nét chữ nguệch ngoạc của lũ học trò chúng tôi.

Gần 60 năm sau, duyên số dẫn tôi quay lại đây. Bước qua cổng tam quan mới xây to vật, một nỗi nhớ ập về: còn đâu rặng sồi lá đỏ ven con đường gạch nhỏ ngoằn ngoèo và những ao nước trong xanh nhô lên mấy cái vó te bắt tép. Mất đến nửa giờ đồng hồ loanh quanh trong các con ngõ hun hút đầy lều quán tối tăm, tôi cũng chưa gặp được chút gì thân quen từ ký ức xa xăm. Phải hỏi thăm rồi rẽ vào một cái ngách sâu mới nghe thấy những tiếng chày nhẹ tênh và chầm chậm vọng lại buồn bã.

Cổng làng cốm Vòng. Photo ©NCCong 2015

Hóa ra bây giờ gần hết mọi nhà đã cơ giới hóa việc tuốt lúa, rang, xay và giã, chỉ còn các khâu sàng sẩy, phân loại và hồ cốm là thủ công. Nhưng những hộ làm ăn nghiêm túc cũng đang tính bỏ nghề vì cố mấy thì cũng sẽ không thể sinh lãi được nữa. Toàn bộ 80ha đất ruộng đã xây thành nhà hết rồi, nguồn cung lúa nếp non ngày một xa dần, xăng dầu và điện đều tăng giá, lũ trẻ thì thích các món thực phẩm công nghiệp dễ bảo quản như bánh hộp, bim bim, kẹo mút, trân châu, v.v..

Lặng lẽ suy nghĩ, tôi chợt tự hỏi: nay mai liệu có thất truyền thứ đặc sản làng Vòng từng được tiến vua này? Rồi cũng mò được lối ra phía Học viện Báo chí tuyên truyền bằng một con ngõ khác. Đoạn đường cái ở đây đang luôn luôn bị đe dọa tắc nghẽn vì công trường xây đường sắt đô thị trên cao vẫn ngổn ngang và bề bộn dường như mới chỉ bắt đầu. Tiếng còi xe inh ỏi lôi tôi ra khỏi cơn nửa tỉnh nửa mê, tìm nốt đến ngôi đình từng là trường cấp 1 của mình ngày nào.

Tam quan đình làng Hậu. Photo ©NCCong 2015

Đình làng Hậu

Bên dãy số lẻ của phố Trần Thái Tông, ngay gần giao điểm với phố Xuân Thủy là một chiếc cổng xây, ở trên đắp nổi 3 chữ Quốc ngữ “Đình làng Hậu”. Đầu hai trụ biểu có đắp hình những con chim phượng chụm đuôi, dọc cột có đôi câu đối chữ Hán. Phía dưới là một tấm biển to gắn ở tường bên trái, ghi nhận “Di tích kiến trúc nghệ thuật và cách mạng kháng chiến” theo xếp hạng của UBND TP Hà Nội.

Cách hè phố chừng 30m có một sân gạch rộng dưới bóng cổ thụ râm mát, mặt bắc giáp với tam quan của đình làng Hậu. Tam quan kiểu 2 tầng 8 mái, xây lại nom hơi khác xưa, hai bên có cửa phụ. Cả ngôi đình đều đã trùng tu nhưng kiến trúc bên trong giữ gần y nguyên như cũ. Đứng giữa sân, tôi bồi hồi nhận ra ngay lớp 4c của mình nằm ở bên nhà hữu vu, rộng 2 gian 2 chái. Đại đình gồm 3 gian 2 chái, kết nối với hậu cung theo kiểu hình chuôi vồ, thềm cao.

Sân đình làng Hậu. Photo ©PTHuong 2020

Hè năm 2020 tôi dẫn một đoàn khách về thăm lại ngôi đình này. Hai cây đại lâu năm vẫn xanh tươi. Chỉ có bãi đất đầu hồi nay đã lát gạch kín, đó cũng chính là nơi từng chơi quay, đánh đáo... của chúng tôi. Và thật bất ngờ, sau vài phút giao lưu mới biết rằng cụ thủ từ chính là một học sinh cũ của trường cấp I Dịch Vọng, học trên tôi một lớp. Cụ rất khoẻ và minh mẫn, còn nhớ rõ về các thầy giáo ngày xưa của chúng tôi.

Đình được xây dựng từ thế kỷ XVII, thờ Hậu Nam Đế Lý Phật Tử. Trong đình còn lưu giữ những bản thần tích, sắc phong, hoành phi, câu đối… gắn với truyền thuyết dân gian về nơi phát tích cuộc khởi nghĩa giành độc lập dân tộc của Lý Bí vào thế kỷ thứ VI và ra đời nhà nước Vạn Xuân.

Trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, đình là một cơ sở bí mật, nơi hội họp của cán bộ Việt Minh. Ngày 17-11-2009, đình Dịch Vọng Hậu đã được UBND thành phố công nhận, gắn biển Di tích lịch sử cách mạng – kháng chiến. Đến ngày 5-11-2010, UBND thành phố lại có quyết định xếp hạng Di tích lịch sử – kiến trúc.

Di tích lân cận

©NCCông 2015-2020, Dich Vong Hau community hall