218 Road of the Youth
Đường Cổ Ngư
hồ đầmĐường Thanh Niên xưa gọi là Cổ Ngư, dài gần 1km, nằm giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Đường kéo từ dốc Yên Phụ tới ngã ba Quán Thánh - Thụy Khuê. Nay thuộc: phường Yên Phụ, Q. Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 2,5km (hướng 12h). Trạm bus lân cận: Thanh Niên, Yên Phụ, 192a Quán Thánh, CV Bách thảo.
Lược sử
Đường Thanh Niên xưa vốn có tên là Cố Ngự (giữ cho vững). Có giả thuyết cho rằng những người vẽ bản đồ và kẻ biển tên phố Hà Nội thời thuộc Pháp thường viết chữ Việt không có dấu nên lâu dần bị đọc chệch ra thành đường Cổ Ngư. Khoảng năm 1959-1960, đường Cổ Ngư được mở rộng bởi chính các thanh niên Hà Nội và do đó mà Hồ chủ tịch trực tiếp đổi tên là đường Thanh Niên.
Hồ Tây và hồ Trúc Bạch ban đầu chỉ là một. Từ thế kỷ XVII, người dân đánh cá quanh vùng đắp con bờ nhỏ từ ô Yên Hoa (Yên Phụ) xuống Yên Ninh cho khỏi đi vòng, rồi sóng vỗ, thời gian xô lở, năm nào cũng phải đắp lại cho vững.
Góc hồ này, nguyên có một hành cung của chúa Trịnh Doanh, cung đó sau thành nơi an trí những cung nữ có tội hoặc về già. Họ trồng dâu chăn tằm và tự dệt lụa, thứ lụa trắng ngà, mềm, mỏng, cực đẹp, gọi là lụa làng Trúc, và cái tên Trúc Bạch ra đời.
Thời chúa Trịnh, hồ Trúc Bạch còn trồng sen và iàng Ngũ Xã do dân 5 tràng có nghề đúc đồng của các địa phương tụ hội về đây lập nghiệp, được ghi trong bài “Tụng Tây Hồ phú” của Nguyễn Huy Lượng làm năm 1801:
Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi oanh ghẹo hai phường dệt gấm / Sen vũng nọ nảy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò...
Bài phú chỉ có một vần “hồ”. Về sau, Phạm Thái, một nhà thơ trữ tình đã viết bài “Chiến Tụng Tây Hồ phú” cũng với vần ấy, có ý phản bác Huy Lượng và triều Tây Sơn.
Bên cạnh hồ Tây là hồ Trúc Bạch nhỏ nhắn, đứng bên bờ này vẫn thấy thấp thoáng bóng người bên bờ kia. Đi trên đường Thanh Niên thì nhìn ra phía tây là mặt hồ mênh mông, còn phía đông là hồ Trúc Bạch lộng gió....
Dấu tích
Xung quanh hồ Trúc Bạch có một số công trình kiến trúc và di tích lịch sử, văn hoá nổi tiếng. Góc hồ phía tây có đền Quán Thánh, nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, tương truyền là một vị Thánh đã giúp An Dương Vương trừ ma quấy phá khi xây thành Cổ Loa... Đền được xây dựng từ đời vua Lý Thái Tổ (1010-1028). Bên trong có pho tượng Trấn Vũ bằng đồng đen cao 396cm, nặng 3.600kg, chu vi 350cm do những người thợ làng Ngũ Xã đúc năm 1677.
- Tượng thần Trấn Vũ
Làng Ngũ Xã còn nổi tiếng với pho tượng Phật A di đà khổng lồ đặt trong chùa Thần Quang, khởi đúc năm 1949 đến năm 1952 mới hoàn thành. Tượng làm bằng đồng đúc liền khối lớn nhất thời đó, cao 3m9, chu vi 11m, nặng 14 tấn, là một công trình nghệ thuật vô cùng quý giá không chỉ ở Việt Nam.
Phía đông hồ Trúc Bạch có một ngôi chùa, do toạ lạc trên gò đất có hình dáng con rồng nằm nhả ngọc nên mang tên Châu Long. Chùa được khởi dựng từ thời Trần, bên trong thờ Linh Thông công chúa, con gái vua Trần Nhân Tông đã từng tu ở đây, tên là Khiết Cô. Đây là một công trình kiến trúc Phật giáo đã xây lại vào thế kỷ XIX và nay cũng được xếp hạng Di tích văn hoá quốc gia.
Nằm ven đường Thanh Niên, trên bán đảo Cá Vàng ở phía đông bắc hồ Tây có Trấn Quốc Tự, ngôi chùa cổ nhất Hà Nội. Chùa được lập từ thời Lý Nam Đế (541-547), ban đầu ở ngoài bãi sông Hồng, đến năm 1615 mới dời vào vị trí trong đê như ngày nay. Trong chùa có khu vườn tháp cổ u tịch và nhiều pho tượng Phật giá trị.
Ngoài những địa điểm đã kể ở trên, đối diện chùa Trấn Quốc từ khoảng giữa thế kỷ XX có quán Gió Hồ Tây với đặc sản bánh tôm nổi tiếng. Chếch một chút về mé đông bắc còn có ngôi đền Cẩu Nhi nằm trên một hòn đảo bé xíu.
Nhìn từ trên cao, đường Thanh Niên giống như một cây cầu phủ đầy cây xanh, bốn mùa hoa nở, hoa ban và hoa phượng vĩ nổi bật hơn cả. Ngày nay đây là một trong những con đường đẹp nhất thủ đô.
Di tích lân cận
- Chùa Châu Long: số 112 phố Trấn Vũ.
- Chùa Thần Quang: số 44 phố Ngũ Xã.
- Chùa Trấn Quốc: số 30 đường Thanh Niên.
- Đền Cẩu Nhi (Thủy Trung Tiên): đầu đường Thanh Niên.
- Đền Quán Thánh: góc phố Quán Thánh—Thanh Niên.
- Đình Yên Phụ: phố Yên Hoa.
218 Thanh Nien road ©NCCong 2012-2021