94 Nguyen Huu Huan Street
Phố Nguyễn Hữu Huân
Phố Nguyễn Hữu Huân dài gần 450m, đi từ cuối đường Trần Nhật Duật, cắt ngang các phố Hàng Mắm, Hàng Thùng và nối vào phố Lý Thái Tổ [1]. Nay thuộc: phường Lý Thái Tổ, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 400m (hướng 2h). Trạm bus lân cận: các phố Hàng Tre, Hàng Muối (xe 04, 08, 11, 14, 18, 23, 31, 34, 36, 86), Nguyễn Hữu Huân (04, 08, 11, 14, 18, 23, 36)
Lược sử
Phố này được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc các thôn: Trừng Thanh, Mộc Sà, Mỹ Lộc, Sơ Trang (tổng Tả Túc), Ưu Nhất, Trung Nghĩa, Đông An (tổng Hữu Túc) đều thuộc huyện Thọ Xương. Tới giữa thế kỷ XIX tổng Tả Túc đổi thành tổng Phúc Lâm. Hai thôn Trừng Thanh và Mộc Sà hợp lại thành thôn Thanh Yên. Hai thôn Sơ Trang, Tả Lâu thành thôn Trang Lâu. Còn tổng Hậu Túc đổi là tổng Đông Thọ; hai thôn Ưu Nhất và Trung Nghĩa thành thôn Ưu Nghĩa.
Phố Nguyễn Hữu Huân hiện nay có vỉa hè rộng, cây cao bóng mát và có nhiều tuyến xe bus chạy qua. Ít ai biết xưa kia nơi đây là bờ sông, con đê chắn sóng nằm ngay trên lòng đường bây giờ, vì thế lúc đầu thời Pháp thuộc, phố này từng mang tên “Rue de la Digue” (phố Đê). Về sau sông Hồng đổi dòng về phía đông đến vài trăm bước, nhường đất cho cả một khu nhà cửa khang trang mọc lên; người Pháp đặt tên “Rue du Maréchal Pétain” (phố Thống chế Pétain [2]), tên khác là phố Bắc Ninh, dân ta quen gọi phố Bè Thượng.
- Đền thờ Thủ Khoa Huân tại quê hương
Năm 1947 phố Bắc Ninh đổi tên thành Phan Thanh Giản, rồi tới năm 1964 trở thành Nguyễn Hữu Huân để tưởng nhớ một chí sĩ Nam Bộ. Ông sinh năm 1830 tại thôn Tịnh Giang, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, trấn Định Tường (nay là xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), đỗ đầu trường thi hương Gia Định năm 1852 nên còn gọi là Thủ Khoa Huân. Ông là một trong những người dấy binh chống giặc Pháp đầu tiên. Tuy bị bắt nhiều lần và đày cả sang đảo Réunion, ông vẫn không chịu khuất phục. Năm 1875, ông bị bắt lại và tuyên án tử hình, để lại tấm gương anh hùng và nhiều áng văn thơ giá trị.
Trước kia ở đầu phố từng có một quảng trường với cây cột đồng hồ công cộng khá to, nên dân gọi là “Bãi Cột Đồng Hồ”. Sau khi xây cầu Chương Dương, cây cột này đã được chuyển lên đầu cầu. Nhân dịp Đại lễ Nghìn năm Thăng Long—Hà Nội, nơi đây cũng được đánh dấu mốc bằng hình đôi rồng lớn trên tường của “Con Đường Gốm Sứ” đi dọc đê theo các phố Trần Nhật Duật và Yên Phụ.
- Phố Nguyễn Hữu Huân đầu thế kỷ XX
Từ đầu thế kỷ XX, một số hộ dân đã mở ra những xưởng nghề mộc và cửa hàng bán đồ gỗ với tên hiệu thường bao gồm chữ Lâm (nghĩa là rừng) như Quảng Lâm, Quản Nam Lâm, Thành Lâm, Mỹ Lâm v.v.. Có hộ làm hàng ngay trên vỉa hè, có hộ buôn gỗ súc chất thành đống, có hộ chỉ buôn thành phẩm. Tuy nhiên sang TK21 thì số lượng cửa hiệu đồ mộc ở đây không thể nào so với các khu vực xa hồ Hoàn Kiếm.
Dọc phố Nguyễn Hữu Huân có hai con ngõ nhỏ đặc trưng cho Hà Nội. Một là ngõ Phất Lộc dài hẹp và âm u với đền Tiên Hạ xinh xắn bên trong. Còn ngõ Nguyễn Hữu Huân tại số nhà 55 thì vốn mang tên Bạch Thái Bưởi, một nhà tư sản yêu nước hồi đầu thế kỷ XX từng đóng trụ sở hãng tàu thuỷ ở đầu phố. Lúc đó sông Hồng chưa đổi dòng, bến tàu ở ngay sát Bãi Cột Đồng Hồ.
- Ngõ Phất Lộc - Nguyễn Hữu Huân ©NCCong 2019
Số 60 phố Nguyễn Hữu Huân trong khoảng 1960-1990 là một căn nhà lụp xụp, ngoài cửa chính treo tấm mành cũ, hai bên cửa lùa đóng im ỉm, nơi nhiều văn nghệ sỹ thường lui tới. Đó là Café Lâm— một quán bình dân. Nghe nói ông chủ "Lâm Toét" có bán chịu cho những họa sĩ nghèo, thỉnh thoảng lại được họ mang trả bằng tranh đủ loại: bột màu, sơn dầu, giấy dó, lụa là... Quán dần dần trở thành một nơi sưu tập tác phẩm của những họa sỹ kỳ tài đương thời như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Lưu Công Nhân v.v...
Từ năm 1997—1998, phố chỉ còn rất ít xưởng mộc vì mấy chục hộ đã chuyển sang buôn thành phẩm từ Hà Đông, Sơn Tây chở về. Ngày nay, nếu muốn mua đồ gỗ thì khách hàng có thể đến các phố Đê La Thành, Giảng Võ, hoặc Quang Trung, Hàm Long. Phố Nguyễn Hữu Huân đã mất độc quyền đồ gỗ, nhưng kể đến xôi thì không thể không nhắc đến nơi đây. Bên góc ngã tư Hàng Mắm có quán Xôi Yến ở số 35b nổi tiếng là đông khách nhất khu vực.
- Cà phê Lâm phố Nguyễn Hữu Huân. Ảnh ©2013 NCCong
Panorama
- Nguyễn Hữu Huân—Hàng Muối—Lương Ngọc Quyến. Panorama ©NCCông 2014
- Nguyễn Hữu Huân—Hàng Mắm. Panorama ©NCCông 2014
- Nguyễn Hữu Huân—Hàng Thùng. Panorama ©NCCông 2014
- Nguyễn Hữu Huân—Lý Thái Tổ—Lò Sũ. Panorama ©NCCông 2014
Di tích trên phố
- Đình Đông An ở nhà số 94, thờ Uy Linh Lang Đại vương, bị dỡ bỏ cuối thế kỷ XX.
- Đình Thanh Yên ở nhà số 11A ngõ Nguyễn Hữu Huân, thờ hai vị tiến sĩ họ Nguyễn và họ Vũ.
- Đình Trang Lâu: số 77 phố Nguyễn Hữu Huân, thờ hai vị thần Cao Sơn và Quý Minh. Cạnh đình này là đền Trang Lâu, thờ Mẫu Liễu Hạnh.
- Đền Trang Lâu. Ảnh ©2012 NCCong
Di tích lân cận
- Đền Bà Kiệu: số 59 phố Đinh Tiên Hoàng.
- Đền Cây Si: số 158 phố Trần Quang Khải, đầu phố Hàng Mắm.
- Đền Ngọc Sơn: số 4 phố Đinh Tiên Hoàng.
- Đền Thọ Nam: số 22 phố Hàng Thùng.
- Đền Tiên Hạ: đoạn giữa ngõ Phất Lộc.
©NCCong 2011-2013, Nguyen Huu Huan Street
[1] Dân ta từng gọi phố Lý Thái Tổ là phố “Hàng Vôi trên” để phân biệt với phố Hàng Vôi nằm song song ở phía đông. Vì thế trường tiểu học Nguyễn Du (tại số 25 Nguyễn Hữu Huân) trước kia được gọi là trường Hàng Vôi.
[2] Pétain cuối đời làm tổng thống chính quyền bù nhìn Vichy khi phát xít Đức chiếm nước Pháp, cho nên bị tử hình sau ngày giải phóng.