243 Dao Xuyen pagoda
Chùa Đào Xuyên (Thánh Ân Tự)
Lê trung hưngh.Gia Lâmsông HồngChùa Đào Xuyên là một tổ đình Lâm Tế vào thế kỷ XVII. Tên chữ: Thánh Ân Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: XWVJ+5Q, thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn, H. Gia Lâm, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 15 km (hướng 4 h). Trạm bus lân cận: Đd CS Đa Tốn (xe 47A, 47B), Đại Học Nông Nghiệp (11, 59).
Lược sử
Trong bài minh khắc trên tấm bia dựng tại chùa Đào Xuyên vào năm Đức Long thứ 7 triều Lê Thần Tông (1635), nhân dịp chùa được tu tạo với công đức của nhiều quý tộc nhà Trịnh, sư trụ trì Huệ Trung có viết: "Đất Bắc nước Việt / có chùa Thánh Ân / nhân bồi nền cũ / xưa có hình Kim"... Như vậy chùa đã được xây khá lâu trước đó dưới triều Mạc với quy mô hình “chữ Kim”, tức không lớn. Lúc đầu chùa chỉ thờ tượng Quan Âm, đến nay tác phẩm này vẫn còn và cho thấy phong cách nghệ thuật điêu khắc của thời Mạc.
Dòng thiền Lâm Tế Việt Nam xuất hiện do vị sơ Tổ là thiền sư Chuyết Chuyết cập bến ở miền Trung Đại Việt năm 1630. Ngài vào Đàng Trong trước, rồi năm 1633 ra Thăng Long lưu lại ở chùa Khán Sơn để hoằng pháp. Sau đó Ngài dời về chùa Phật Tích ở Tiên Du (Bắc Ninh) và cuối cùng, khi chúa Trịnh cho trùng tu xong chùa Ninh Phúc (Bút Tháp) thì về chùa đó trụ trì cho đến năm 1644 mới viên tịch.
- Tam quan chùa Đào Xuyên. Photo NCCong ©2015
Hiện nay vẫn chưa tìm được tư liệu hoặc hiện vật nào minh chứng cho hoạt động của chùa Đào Xuyên trong thế kỷ XVIII. Đến thế kỷ XIX tư tưởng của dòng Lâm Tế mới được truyền từ chùa Bà Đá về đây. Trong văn bia lập năm 1942 có nói đến hai vị tổ Phổ Văn và Thông Mệnh liên tục truyền pháp suốt 80 năm ở vùng nam Bắc Ninh. Hàng năm đến ngày 24 tháng Hai âm lịch là giỗ tổ Đào Xuyên thì các chùa cùng dòng Lâm Tế trong vùng đều về đây để cúng lễ.
Chùa Đào Xuyên đã qua sửa chữa và trùng tu nhiều lần. Ngoài các văn bia nói trên lại còn một số tư liệu khác như trong bia hậu năm 1846 đời vua Thiệu Trị có ghi công đức giúp làng của bà Đỗ Thị Y, văn bia năm 1863 nói về việc tô lại tượng Phật, hoặc bài minh trên quả chuông đồng đúc năm Tân Mùi 1871, v.v.. Năm Duy Tân thứ 10 (1910) chùa đã được xây lại hoàn toàn và in đậm dấu ấn nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn.
- Tiền đường chùa Đào Xuyên. Photo NCCong ©2015
Ngày 09-01-1990, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng chùa Đào Xuyên là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Đến đầu thế kỷ XXI, chùa đã được trùng tu với quy mô lớn. Từ đoạn đường đầu thôn Đào Xuyên đi qua cây cầu nhỏ bắc ngang sông Nghĩa Trụ, du khách đã có thể nhìn thấy cổng tam quan mới xây hai tầng bằng đá đồ sộ và bức tường dài. Trước cổng chùa có đôi câu đối, tạm dịch như sau: Đất xanh cỏ biếc lan thơm ngát / Vườn mát gió đưa tâm nhẹ thanh.
Sau tam quan có một lối rộng lát gạch dẫn đến sân trước và sân sau. Trong sân trước nhô lên 5 ngọn tháp mộ của các vị sư trụ trì đã khuất. Tòa tam bảo quay về phía đông nam, gồm tiền đường và thiêu hương kết nối với thượng điện theo hình "chữ Công". Giữa hồ nước phía bên trái tam bảo có dựng một đài hoa sen được sao chép theo kiểu dáng và kích thước như Liên Hoa Đài của chùa Một Cột ở Hà Nội.
- Hậu đường chùa Đào Xuyên. Photo NCCong ©2015
Chùa Đào Xuyên được xây theo kiểu “nội Công ngoại Quốc” trong một khuôn viên khá lớn và khép kín. Tiền đường rộng 7 gian 2 dĩ, bên trong có những mảng trang trí trên kết cấu gỗ được chạm khắc tinh tế. Nhà bia là một phương đình nhìn vào lưng thượng điện. Hai bên sân sau có hai hành lang dài, tạo thế bao quanh cùng với nhà Tăng, nhà Mẫu, nhà Tổ. Những diện tích đất còn lại phần nhiều là để trồng cây.
Di vật
Ngoài các tượng Phật hầu hết được tạo tác vào thế kỷ XVIII và XIX, trong chùa còn giữ được tác phẩm điêu khắc nổi tiếng có từ thế kỷ XVI, một trong những pho tượng Quan Âm cổ nhất của Việt Nam. Tượng này làm bằng gỗ mít và cao 132cm, tạc vị Bồ tát với 652 cánh tay. Trong đó, 42 cánh tay lớn thể hiện nhiều động tác và hình dáng khác nhau như cầm linh khí hoặc bắt quyết, v.v.. Hai đôi tay chính chắp trước ngực và đặt trong lòng. Phía sau có 610 cánh tay nhỏ xếp thành 5 lớp như nan quạt ở 2 bên sườn, xòe rộng tới 155cm và tạo nên một vòng hào quang tỏa sáng quanh người ngồi thiền.
- Tượng Quan Âm, chùa Đào Xuyên. Photo NCCong ©2022
Đầu tượng đội mũ, có trang trí bằng những hạt tròn sơn son thếp vàng. Dáng tượng đầy đặn cân đối, khuôn mặt tròn, mắt lim dim nhìn xuống, mũi thon thẳng, má bầu, miệng nhỏ, tai dài đeo hoa, cổ cao một ngấn, tóc buông sau lưng. Ngang bụng thắt đai rủ xuống hai bên, cà sa khoác trên vai tạo thành nhiều nếp áo mềm mại chảy dài phủ tới tận toà sen đặt trên đầu một con quỷ nổi lên từ sóng biển. Tòa này cao 50cm, bao gồm 13 cánh sen chính, 13 cánh phụ và 20 cánh đệm, bố trí xen kẽ thành 2 lớp trên, dưới. Đầu và tay quỷ cao 23cm, mỗi cánh tay gân guốc đều có vảy và 3 chiếc móng sắc nhọn. Mặt quỷ dữ tợn, mắt lồi nhìn thao láo ra phía trước, mồm rộng, mũi to căng phồng.
Bệ tượng có mặt cắt ngang rộng 88cm, dài 125cm, hình lục giác không đều nhưng cân xứng. Chiều dọc cao 50cm chia làm 3 phần, phần giữa thu hẹp. Cả ba bộ phận gồm tượng, tòa sen và bệ như vậy tổng cộng cao 255cm. Trang trí trên bệ gồm các hình hoa văn cánh sen nổi, cúc dây, sống lá cách điệu, mây lửa, sóng nước,… do đó có thể đoán tượng được dựng vào cuối thế kỷ XVI, cùng thời với pho tượng Quan Âm đặt tại chùa Nga My ở Hoàng Mai, Hà Nội.
Di tích lân cận
- Chùa Khoan Tế (Cự Đà Tự): thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn.
- Chùa Thuận Tốn (Linh Ứng Tự): thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn.
- Đình Đông Dư Hạ: thôn Đông Dư Hạ, xã Đông Dư.
- Đình Khoan Tế: thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn.
- Đình Kiêu Kị: thôn Kiêu Kị, xã Kiêu Kị.
- Đình Ngọc Động: thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn.
243 Dao Xuyen pagoda ©NCCông 2015