134 Dong Quang pagoda

Chùa Đồng Quang

quận Đống Đasông Lừthời Nguyễn

Chùa Đồng Quang có từ giữa thế kỷ XIX. Tên chữ: Đồng Quang Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: số 119 phố Tây Sơn, 2R6G+GC, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 2,7 km (hướng 7 h). Trạm bus lân cận: Đd 145 Tây Sơn (xe 01, 02, 09, 23, 30), số 2 Thái Hà (12, 26, 35a, 84)

Lược sử

Dưới thời Lê Trung Hưng, khu vực cánh đồng phía nam Xã Đàn này vốn là trường thi Bác cử, tức thi võ để chọn tướng sĩ. Đến Tết năm Kỷ Dậu 1789, tại đây nghĩa quân Tây Sơn do Đô đốc Long thống lãnh đã tiêu diệt đại bộ phận quân Thanh đồn trú do Thái thú Sầm Nghi Đống chỉ huy. Đồn Khương Thượng bị phá huỷ, còn tướng giặc thắt cổ tự tử.

Thời Nguyễn, theo tấm bia mang niên hiệu Tự Đức thứ 8 (1856) thì vào năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), Tổng đốc Hà Nội là Đặng Văn Hoà xin cấp 15 mẫu đất và nhân công, tiền của từ 2 trại Thịnh Quang, Nam Đồng để làm tự đàn và nghĩa địa chôn hài cốt quân Thanh. Năm 1851, Kinh lược sứ Nguyễn Đăng Giai khi mở đường, mở chợ mới ở vùng này lại thấy nhiều xương khô xuất lộ nên kêu gọi các nhà hảo tâm dựng ở cạnh tự đàn thêm mấy gian nhà nữa để làm chùa cúng cô hồn, rồi ghép hai tên trại Nam Đồng và Thịnh Quang thành tên chùa Đồng Quang.

Cổng chùa Đồng Quang. Ảnh ©2013 NCCong

Năm Bính Tuất niên hiệu Đồng Khánh (1886), Tri huyện Thọ Xương lại cho cải tạo ngôi chùa và mở toà tả vu. Chùa đến năm 1915 mới hoàn chỉnh, khi đó sư trụ trì làm thêm nhà thờ Tổ và xây cổng. Sau này trong quá trình đô thị hoá Hà Nội dưới thời Pháp thuộc, không dấu tích cũ gì còn lại trừ chùa Đồng Quang và chùa Bộc.

Cho đến năm 1975 nơi đây nhà cửa thưa thớt, từ chùa có thể nhìn rõ miếu Trung Liệt nằm đối diện ở bên kia phố trên quả gò Đống Đa. Chùa và miếu vốn là hai công trình kiến trúc tâm linh được xây vào giữa thế kỷ XIX, nằm trong quần thể di tích trên chiến trường cũ. Sau khi mở con đường lớn từ Hà Nội đi Hà Đông rồi lấp hồ nước giữa hai công trình này thì cụm di tích mới bị chia cắt.

Ngày 27-12-1990, chùa Đồng Quang được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Nhà thờ Mẫu chùa Đồng Quang. Ảnh ©2015 NCCong

Kiến trúc

Sau cổng tam quan ở số 119 phố Tây Sơn, có một đoạn ngõ hẹp chừng năm chục bước dẫn đến tự đàn ở bên trái và chùa ở trước mặt. Tự đàn nhìn về phía đông nam, gồm hai nếp nhà ba gian song song như hình chữ “Nhị”, dùng để cúng tế vong hồn giặc Thanh chết trận Đống Đa.

Chùa được xây muộn hơn, mặt quay về phía tây nam. Kiến trúc ban đầu vốn chỉ có một ngôi nhà thờ Phật được xây theo hình chữ “Đinh”, bao gồm tiền đường và thượng điện tọa lạc trên nền cao. Về sau mở rộng dần dần mới có thêm nhà thờ Tổ ở phía sau và vườn tháp mộ bên trái thượng điện. Nay cổng nghi môn đã bị nhà dân lấn chiếm và xây bít kín hoàn toàn sân trước, chỉ sót lại dấu tích mấy trụ biểu và bình phong; muốn ra vào chùa phải đi bằng cửa ngách nối thông ngõ với sân sau.

Trong chùa Đồng Quang. Ảnh ©2015 NCCong

Đầu thế kỷ XXI toàn bộ ngôi chùa Đồng Quang liên tục được đại tu và nâng cao cột, mái. Vườn tháp mộ cũng đã xây lại, chủ yếu dùng vật liệu đá xám. Cả ba sân trước, giữa và sau đều lát gạch nhưng diện tích bị thu hẹp hơn. Sân trước có nhiều cây xanh làm nổi bật pho tượng Quán thế âm Bồ tát bằng đá trắng.

Nhà tiền đường rộng 5 gian, bờ nóc đắp hổ phù đội toà sen, thềm đá có rồng chầu hai bên. Thượng điện gồm 3 gian chạy dọc, vì kèo chồng rường, giá chiêng, giật bệ cao dần để bài trí các tượng Phật. Nền chùa lát gạch vuông và được tôn lên khá cao so với mặt sân. Lại sửa sang toàn bộ hai nhà thờ song song ở phía bắc vườn tháp mộ, làm mới nếp nhà trước của tự đàn và tu bổ nhà Tổ, nhà Ni. Còn nếp nhà sau của tự đàn thì từ lâu đã chuyển thành nhà thờ Mẫu, nay có rất đông các thiện nam tín nữ.

Trung đường chùa Đồng Quang. Ảnh ©2015 NCCong

Di vật

Chùa Đồng Quang trước kia có 37 pho tượng Phật, sau này mới thêm 14 tượng ở nhà thờ Mẫu và 4 tượng ở gian thờ vua Quang Trung. Ngoài ra còn có 7 cửa võng sơn son thiếp vàng, 5 khám thờ, 14 bia đá và 2 quả chuông đồng. Gần đây lại đặt thêm bộ tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ khá lớn tại nếp nhà trước của tự đàn và những pho tượng đá tại khoảng giữa các gian ở phía bắc vườn tháp mộ rồi bổ sung phần trang trí cho mọi ban thờ.

Không kể những pho tượng và đồ tế khí mới đưa về, phần lớn các cổ vật trong chùa đều có niên đại của thời Nguyễn. Nghệ thuật trang trí thể hiện ở các cốn rường, kẻ, câu đầu theo các đề tài hổ phù, rồng lá, mây lá, vân mây, riềm mái có hoa giấy, mai lão, trúc lão. Hai cốn nách vì giữa chạm nổi rồng ẩn trong mây, thuộc phong cách nghệ thuật điêu khắc gỗ của thế kỷ XX.

Vườn tháp chùa Đồng Quang. Ảnh ©2013 NCCong

Di tích lân cận

©NCCông 2012-2015, Dong Quang pagoda