141 Ba Da pagoda

Chùa Bà Đá (Linh Quang Tự)

quận Hoàn Kiếmthời Lê trung hưnghồ đầm

Chùa Bà Đá có từ thời Lê sơ, trong thế kỷ XVII-XVIII là một tổ đình Lâm Tế. Tên chữ: Linh Quang Tự. Xếp hạng: Di tích thành phố (2006). Vị trí: số 3 phố Nhà Thờ, 2VH2+G4 Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 1,5 km (hướng 2 h). Trạm bus lân cận: Ngã 3 Lê Thái Tổ - Hàng Trống (xe 09a, 09b)

Lược sử

Sách “Thăng Long cổ tích khảo” (không rõ tác giả và năm soạn) viết như sau: “...Chùa xây vào triều Lý, đến binh biến thời Tây Sơn chùa bị huỷ hoại. Bấy giờ quan sức cho diệt trừ cỏ dại, người trong thôn thu dọn đất đá lại thấy pho tượng đá, dân làng bèn dựng tạm một gian chùa để thờ phụng. Năm Canh Tuất triều Tự Đức thứ 3 (1850) một vị tăng tự là Giác Vượng đến trụ trì chùa này, xây dựng và mở mang thêm cảnh chùa”...

Nhiều tư liệu cho biết vào đời vua Lê Thánh Tông (1460–1497) khi tu sửa thành Thăng Long cánh phu thợ đã đào được ở làng Báo Thiên Tự Tháp thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, một pho tượng phụ nữ bằng đá. Dân làng coi đó như tượng thánh Mẫu nên đã lập đền thờ ngay tại nơi phát lộ và gọi là đền Bà Đá. Sau này thấy thiêng, họ bèn góp công góp của xây thành chùa lớn, đón sư về trụ trì và thờ Phật, vì vậy mới gọi là chùa Bà Đá và đặt tên chữ “Linh Quang Tự” (chùa ánh sáng linh thiêng).

Cổng chùa Bà Đá. Photo ©NCCong 2020

Trong gần hai thế kỷ XVII–XVIII chùa Bà Đá từng là tổ đình của Lâm Tế tông, một trong hai thiền phái lớn nhất của Phật giáo ở Bắc Bộ.

Một trong những tấm bia trong chùa cho biết tòa chính điện, dãy nhà Tổ và tăng xá ở đây đã được trùng tu năm Mậu Tuất niên hiệu Thành Thái 10 (1898).

Sau khi chiếm Hà Nội, thực dân Pháp đã quy hoạch lại thành phố. Tam quan bị mất, chùa phải mở cổng nhỏ ra phố Nhà Thờ. Cạnh đó là Nhà thờ Lớn, Tòa Tổng Giám mục và Đại Chủng Viện,đều xây dựng trên khuôn viên đổ nát của chùa Báo Thiên xưa kia rất nổi tiếng với ngọn tháp từng là một trong “tứ khí” của nước Đại Việt. Chùa Bà Đá ít suy suyển, có lẽ cũng nhờ lòng từ bi của sư cụ đương thời đã từng cưu mang các cố đạo Pháp bị săn lùng sau trận quân Cờ Đen giết chết viên chỉ huy trưởng Henri Rivière ở Cầu Giấy ngày 19-5-1883.

Sân chùa Bà Đá. Photo ©NCCong 2020

Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm chùa và dự buổi tuyên thệ đoàn kết giữa các đảng phái chính trị trước ngày bầu cử Quốc hội VNDCCH khoá I. Trong cuộc gặp các thượng toạ, tăng ni, phật tử, Hồ Chủ tịch nói: “Việc Phật không xa rời việc thế gian, phải tham gia vào các công việc cách mạng, cứu đói, diệt dốt”.

Kiến trúc

Khách thăm chùa ngày nay đi qua một cổng nhỏ xây đơn giản với đôi câu đối chữ Hán và tên chùa bằng chữ quốc ngữ đắp nổi phía trên. Con ngõ hẹp và ngắn chỉ chục bước dẫn thẳng vào sân chùa phủ bóng bồ đề và hoàng lan tươi tốt. Trước thềm rồng của tiền đường có lư hương và đôi đèn đá đặt giữa hai tháp mộ cổ đứng sừng sững. Ngôi nhà tầng ở phía tay phải là trụ sở trường Trung cấp Phật học Hà Nội. Cuối hành lang tả hữu còn có 4 ngôi tháp mộ nữa đứng đối xứng qua trục chính và áp sát tường ngoài hậu cung thượng điện.

Ngõ vào chùa Bà Đá. Photo ©NCCong 2020

Mặt chùa Bà Đá nhìn về hướng bắc qua một con ngõ hẹp áp tường nhà dân, bởi vì mảnh đất ở hai bên đã bị mất từ khi người Pháp xây phố Nhà Thờ vào cuối thế kỷ XIX. Khuôn viên chùa cũng bị thu hẹp và không còn cổ thụ.

Sau đợt trùng tu năm 2011–2013, chùa đã định hình với mặt bằng xây dựng kiểu “nội Công ngoại Quốc” và vẫn giữ phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Chùa có quy mô khá lớn với 5 gian tiền đường và 4 gian thượng điện thờ Phật, cùng 5 gian nhà thờ Tổ, thờ Mẫu ở phía sau. Sau khi chùa được dựng lại, các gian đều rộng hơn xưa, các tháp mộ cũng sửa sang như mới; nhưng khu vực sân, vườn vốn không còn nhiều sau khi xây trường Phật học và trụ sở Thành hội Phật giáo nay lại càng hẹp do có thêm hai nhà tả hữu mạc.

Tượng Ca-diếp, A-nan chùa Bà Đá. Photo ©NCCong 2015

Đợt trùng tu này đã mở rộng và tôn cao nền các tòa nhà, số cột gỗ lim cũng tăng lên nhiều. Tiền đường thông hoàn toàn với thiêu hương, tạo thành một Phật đường lớn để giảng kinh và hành lễ, mặc dù thượng điện vẫn kết nối với hậu cung theo kiểu truyền thống. Ở bên ngoài, hai dãy hành lang kéo xuống giáp tòa hậu đường thờ Tổ và thờ Mẫu, làm nên một khối kiến trúc tổng thể khá vuông vắn.

Di vật

Chùa Bà Đá đã trải qua mấy trăm năm và nhiều lần sửa chữa nên hiện nay chỉ còn giữ được một số cổ vật. Pho tượng Phát Lâm (tượng có nụ cười yêu đời) từng được coi là một trong “tứ khí” của Hà Nội đã bị mất từ lâu. Rất may rằng vẫn còn nguyên vẹn một khánh đồng đúc năm 1842, hai chuông đồng đúc năm 1873 và 1881, tất cả đều thuộc phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Tượng Thích Ca và A-di-đà. Photo ©NCCong 2015

Đặc biệt trong chính điện có hai bộ tượng lớn bằng gỗ mít phủ sơn rất đẹp, tạc hình đức Phật Thích Ca niêm hoa với các tôn giả A-nan, Ca-diếp đứng hai bên, rồi đến Phật A-di-đà tọa sen với hai bồ tát Quan Âm và Đại Thế Chí cũng đứng tương tự.

Di tích lân cận

©NCCông 2014-2020, Ba Da pagoda