255 Bao Thap pagoda and Minh Tu temple

Chùa Bảo Tháp, miếu Minh Từ

thời Lê trung hưnghuyện Thanh Trìsông Nhuệ

Chùa Bảo Tháp còn gọi chùa Bồ Đề hay Bồ Tát, được lập vào thời Trần, trước đó là một am nhỏ. Tên chữ: Thượng Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: WQJX+26, thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 15km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Khu đô thị Kiến Hưng (xe 22b), KĐT Thanh Hà - Đường Cienco5 (85, 103a, 103b)

Lược sử

Vùng tả ngạn sông Nhuệ phía nam huyện Thanh Trì xưa kia có hai thôn độc lập: Nguyễn Thượng và Ngũ Phúc (tên Nôm là làng Hạ). Theo Ngô Thì Nhậm, từ đầu thời Lê Sơ nhiều tù binh Chiêm Thành đã được đưa đến đây làm ruộng. Năm Minh Mạng 2 (1821), các quan trấn Bắc Thành đề nghị cho nhập hai thôn thành một, ghép tên là Thượng Phúc, thuộc xã Hạ Thanh Oai, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng.

Đây là một làng đông đúc, đến năm 1926 dân số đạt 2092 nhân khẩu. Năm 1939, chính quyền thuộc địa Pháp đã cho nắn đoạn sông Nhuệ chảy từ địa phận làng Siêu Quần xuống làng Đan Nhiễm nhằm để nước thoát nhanh vào mùa mưa lũ, nhờ đó Thượng Phúc và 16 làng trong vùng này ít bị úng lụt đe dọa hơn. Ngoài làm ruộng, dân làng còn khai thác nguồn thủy sản và một số hộ lại có nghề buôn bán.

Tam quan chùa Bảo Tháp. Photo ©NCCong 2015

Tương truyền vào cuối thời Lý, hoàng thân Lý Thầm (em vua Lý Huệ Tông) về tu hành trong một am nhỏ ở đây, sau mở rộng thành chùa, đặt tên Thượng Phúc Tự. Điều này có thể được minh chứng qua một số câu đối ở cột đồng trụ của toà Tam bảo. Đến giữa thời Trần lại có ông Hồ Bà Lam bỏ quan tước về tu tại chùa năm 1328. Ngoài việc tụng kinh niệm Phật, Ngài còn đi thu nhận trẻ mồ côi và quả phụ về nuôi dưỡng, được nhân dân đương thời ca ngợi là một Bồ Tát sống.

Người thứ ba đến tu ở đây là Minh Từ Hoàng Thái hậu Hồ Thuận Nương, cô ruột của quyền thần Hồ Quý Ly. Bà vốn người huyện Diễn Châu, Nghệ An, lấy vua Trần Minh Tông (1314-1329), sinh ra hai con đều làm vua (Trần Hiến Tông, Trần Nghệ Tông). Ban đầu Bà về chùa để lánh nạn binh biến ở Kinh thành. Sau khi ngộ đạo, Bà được Hòa thượng Hồ Bà Lam giao chùa cho trông coi.[1]

Miếu Minh Từ nhìn từ bên hông. Photo ©NCCong 2015

Bà Minh Từ tiếp tục sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, trong hơn ba năm đã xây thêm chùa Dâu (Phúc Khê Tự). Sau có lệnh phải về Kinh đô, Bà làm lễ chia tay dân làng vào ngày 16 tháng Hai nhưng nửa chừng thì bỗng trúng gió và qua đời. Vua phong Bà làm Phúc thần, cho dân Thượng Phúc thờ Bà cùng với cố Hòa thượng tại chùa Bảo Tháp và đình làng (được lập muộn hơn). Ngôi miếu Minh Từ thờ Bà hiện vẫn toạ lạc trước cổng chùa.

Kiến trúc

Ngôi chùa nằm trong khuôn viên um tùm cây xanh trên một mảnh đất rộng rãi và cao ráo, mặt quay về hướng tây nhìn ra sông Nhuệ. Du khách bước vào khoảng sân rộng sau miếu Minh Từ sẽ thấy một bức tường dài với tam quan kiểu ngũ môn, ở giữa là nếp nhà ba gian khá đơn giản, hai bên có cửa ngách. Sau tam quan là con ngõ lát gạch dẫn khách đi thẳng qua vườn tháp mộ đến tiền đường.

Sân chùa Bảo Tháp. Photo ©NCCong 2015

Tiền đường rộng 7 gian, cửa bức bàn chen lẫn với ba cửa xây vòm. Bộ vì mái làm theo kiểu “chồng rường kẻ chuyền” với 4 hàng chân cột. Các mảng chạm khắc hoa lá và hoa văn nằm trên các xà nách và kẻ nách. Tại chỗ nối giữa thượng điện trên hai lá gió có chạm khắc một hoạt cảnh dường như mô tả Đường Tăng cùng 3 đồ đệ đi Tây Thiên lấy kinh.

Thượng điện gồm 5 gian với bộ vì kèo bào trơn đóng bén. Sau thượng điện là một sân hậu rộng với hai dãy hành lang, giữa sân có một phương đình với bộ vì làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng”. Các kết cấu gỗ trong phương đình đều được chạm nổi tỉ mỉ và chau chuốt bằng hình hoa lá, rồng lá, rồng mây, chim phượng... Trên bộ vì mái của hậu cung có chạm hổ phù, ở cốn nách chạm trùng mai hóa long... Ngoài ra trong chùa còn có nhà Tổ, trai phòng và nhà Mẫu.

Phật điện chùa Bảo Tháp

Di sản

Trong chùa vẫn bảo lưu nguyên bản 32 đạo sắc phong (chủ yếu của miếu Minh từ), cuốn ngọc phả, tấm bia đá năm Quang Thái thứ 3 thời Trần Thuận Tông (1390), bia gỗ “Mộc Bản” khắc bài ký về việc sửa chữa chùa năm Bảo Thái thứ 7 (1726). Ngoài ra còn có quả chuông đồng đúc thời Gia Long (1813) cao 115cm và khánh đồng đúc thời Thiệu Trị (1843) với kích thước 110 x 136cm...

Hệ thống tượng Phật giáo có 75 pho tượng tròn mang niên đại thế kỷ XIX và tạo tác đẹp, gồm các bộ Tam thế Phật, Quan Âm Nam hải, Di đà Tam tôn, Thập điện Diêm vương, Đức thánh Tổ... Năm 1990, chùa Bảo Tháp đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Miếu Minh Từ trước chùa Bảo Tháp. Photo ©NCCong 2015

Di tích lân cận

Chú thích
Tương truyền Hòa thượng giao chùa xong thì lập một dàn thiêu, trèo lên đó tụng kinh và sai các đệ tử châm lửa. Lửa cháy rừng rực bốn bề, Ngài điềm nhiên đọc kinh Đại Tạng rồi toàn thân hóa thành than. Hôm đó là 14 tháng Tư, sau này được lấy làm ngày giỗ Tổ chùa. Hàng năm dân làng Thượng Phúc và trong vùng vẫn tế Ngài bằng một bài thơ lục bát.

©NCCông 2014-2020, Bao Thap pagoda and Minh Tu temple