143 Boc pagoda

Chùa Bộc (Sùng Phúc Tự)

quận Đống Đathời Lê trung hưngsông Lừ

Chùa Bộc có trước năm 1676. Tên chữ: Sùng Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1962). Vị trí: số 14 phố Chùa Bộc, 2R5H+C2, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 2,9 km (hướng 7 h). Trạm bus lân cận: phố Chùa Bộc (xe 12, 18, 21, 23, 26, 35, 44, 51)

Lược sử

Chùa Bộc có từ thời Lê trung hưng, tên chữ ban đầu là Sùng Phúc Tự. Hiện nay tấm bia cổ nhất còn lưu giữ được trong chùa có ghi nhận sự việc vị Tăng lục Trương Trung Bá cùng nhân dân làng Khương Thượng sở tại đã xây dựng lại chùa vào năm Vĩnh Trị nguyên niên (1676) dưới đời vua Lê Hy Tông.

Năm 1792 dưới đời vua Quang Trung, dân sở tại xây lại chùa một lần nữa trên nền cũ bị cháy trụi ba năm trước đó trong chiến dịch giải phóng thành Thăng Long. Chùa được đổi tên là Thiên Phúc Tự và trong vườn có làm thêm Bộc Am để quy y cho vong hồn các binh sĩ tử trận. Chính vua Quang Trung đã ra lệnh xây dựng một ngôi Thanh Miếu riêng cho vong hồn quân quan nhà Thanh bị chết ở vùng gò này.

Tam quan chùa Bộc. Ảnh ©2015 NCCong

Cạnh sân chùa Bộc nay vẫn còn dấu tích hồ Tắm Voi, gò Kéo Cờ, gò Đánh Cồng... liên quan đến cuộc chiến đấu của quân Tây Sơn ở vùng này vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789. Xa hơn vài trăm bước còn có gò Đống Thiêng, gò Đầu Lâu, núi Ốc, núi Cây Cờ, nghĩa địa Khâm Tử, miếu Trung Liệt, chùa Đồng Quang và những địa danh khác gợi nhớ trận Đống Đa oanh liệt và một số sự kiện lịch sử bi hùng sau đó.

Kiến trúc

Chùa được làm theo kiến trúc hình “chữ Đinh” trong một khuôn viên rộng. Tam quan nội là một gác chuông xây như kiểu ở chùa Láng, mặt nhìn ra hồ ở hướng đông-nam, xa xa là đồng ruộng của các làng Đông Tác (Trung Tự), Kim Liên và Khương Thượng. Du khách đi qua cổng tam quan nội là có thể vào sân trước và lên thẳng tiền đường thăm chính điện thờ Phật, hoặc vòng qua cửa ngách thăm nhà Tổ, nhà Mẫu.

Bia cổ và sân chùa Bộc. Ảnh ©2015 NCCong

Trên quá trình đô thị hoá, con đường Chùa Bộc hình thành rồi tụ cư dần dần. Nhà chùa xây một cổng tam quan ngoại theo kiểu khác và to hơn, mở ở hướng nam ra mặt phố để tiện đi lại như ta thấy bây giờ. Trong chùa Bộc có một cái giếng to xây giữa hai tam quan nội, ngoại; lại có các tháp mộ ở bên trái sân và trước nhà Tăng. Đến nửa cuối thế kỷ XX, khuôn viên chùa bị nắn lại và thu hẹp do sự ra đời của HTX thuốc dân tộc và việc mở con đường vào Học viện Ngân hàng.

Di vật

Chùa bảo tồn được nhiều di vật quý, gồm các pho tượng Phật, một quả chuông đời Cảnh Thịnh và 3 tấm bia cổ. Ngoài 2 bia ghi niên hiệu Vĩnh Trị thứ nhất (1676) và Chính Hòa Bính Dần (1686) là bia “Tái tạo Sùng Phúc Tự Phật tượng các tòa bi ký” khắc năm Quang Trung thứ tư (Nhâm Tý 1792) ghi việc xây lại chùa và làm lại tượng Phật do Thiền sư trụ trì là Tăng thống Lê Đình Lượng cùng dân trại Khương Thượng phát tâm công đức.

Tiền đường chùa Bộc. Ảnh ©2015 NCCong

Trong chùa còn có tượng Đức Ông ở gian bên phải Tam bảo, một chân để trần, ngồi dưới chữ “Tâm” đại tự, trên treo bức hoành phi đề “Uy phong lẫm liệt”. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đây chính là pho tượng người anh hùng Tây Sơn mà nhân dân đã bí mật dựng năm Bính Ngọ 1846 để thờ cúng tưởng nhớ, bất chấp nhà Nguyễn đang tìm mọi cách xóa bỏ dấu vết chiến thắng và công lao vẻ vang của Nguyễn Huệ.

Phía sau bệ tượng có khắc dòng chữ “Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng” (năm Bính Ngọ tạc tượng Quang Trung) và đôi câu đối chữ Hán:
洞 裡 無 塵 大 地 山 河 留 棟 宇
光 中 化 佛 小 天 世 界 轉 風 雲

Động lý vô trần đại địa sơn hà lưu đống vũ
Quang Trung hóa Phật tiểu thiên thế giới chuyển phong vân

Sạch bụi vùng gò, sông núi mênh mang lưu rường cột
Quang Trung thành Phật, vũ trụ vô biên nổi gió mây.
[1]

Tượng Đức Ông. Ảnh ©2015 NCCong

Chùa Bộc đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử quốc gia trong đợt xếp hạng đầu tiên vào năm 1962.

Di tích lân cận

Chú thích
[1] Đất nước sạch bóng thù, giữ lại hình ảnh bậc trụ cột. Quang Trung là tên một vị Phật. Theo kinh sách, bốn đại châu và nhật nguyệt... hợp thành thế giới hay cõi Sơ thiền; một ngàn thế giới hợp thành tiểu thiên thế giới v.v., vũ trụ là Phật độ vô biên.

©NCCông 2013-2018, Boc pagoda