269 Lai Da pagoda

Chùa Lại Đà (Cảnh Phúc Tự)

sông Đuốnghuyện Đông Anhthời Lê trung hưng

Chùa Lại Đà có từ thế kỷ XVIII. Tên chữ: Cảnh Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1989). Vị trí: Đông Hội, 3VH8+2M, Đông Anh, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 11 km (hướng 1 h). Trạm bus lân cận: Cầu chui Gia Lâm (xe 10, 11, 15, 17, 40, 42, 43, 54, 59), Km5 quốc lộ 3 (15, 17, 43, 46, 59)

Lược sử

Chùa Cảnh Phúc tọa lạc trên một khoảng đất rộng và được xây dựng sát ngay bên tả đình làng Lại Đà. Làng này theo đường chim bay cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 6km và chỉ cách Cổ Loa chừng 3 km. Vị trí ở giữa xã Đông Hội, phía bắc giáp làng Trung Thôn, phía đông bắc giáp làng Hội Phụ, phía đông giáp làng Đông Trù, phía nam giáp làng Đông Ngàn, phía tây giáp làng Xuân Trạch; tất cả nằm trong vùng đất màu mỡ nơi huyện Đông Anh giáp với sông Đuống. Từ ngày 12-5-1961, huyện này thuộc về TP Hà Nội.

Cảnh Phúc Tự được dựng từ xa xưa, song không rõ chính xác năm nào. Dựa vào dấu tích và một số công trình còn lại ta có thể đoán rằng chùa được làm vào thời Hậu Lê. Cụ Ngô Quý Hương (1657-1724) viết tờ trình làng và tự nguyện làm hội chủ đứng ra quyên góp đúc quả chuông đầu tiên trong khoảng từ năm 1690 đến 1724, sau này không rõ chuông bị thất lạc về đâu.

Cổng làng Lại Đà. Photo ©NCCong 2022

Nằm ngay đầu con đường rẽ vào đình làng, tam quan chùa được dựng vào năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800), tức cuối triều vua Tây Sơn Nguyễn Quang Toản. Quả chuông đồng hiện còn thì được đúc vào năm Giáp Thìn đời vua Thiệu Trị (1844), khởi công vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch và hoàn thành vào 29 tháng Hai. Trong danh sách các thiện nam tín nữ hằng tâm công đức đúc chuông có vị tiến sỹ họ Vũ đỗ khoa thi Hội năm Bính Tuất (1826). Khoa này đỗ 10 người, chỉ có hai người họ Vũ là Vũ Tông Phan và Vũ Đức Mẫn. Cụ Vũ Tông Phan sau làm Đốc học tỉnh Bắc Ninh nên có lẽ là người tham gia vào việc đúc chuông.

Ngày 5-9-1989, cùng với đình làng và miếu Lại Đà, chùa Cảnh Phúc được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Chùa đã qua nhiều lần trùng tu, kiểu dáng ổn định đến nay là của lần sửa chữa vào đầu thế kỷ XX, hầu hết đều mang phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn.

Sân chùa Lại Đà. Photo ©NCCong 2022

Ngoài tam quan và các sân gạch, chùa Cảnh Phúc gồm có 2 khu nhà chính nối với nhau bằng một hành lang mở có mái che, phía trước là toà tam bảo, phía sau là tòa hậu đường. Cổng này được xây tách riêng theo lối 2 tầng chồng diêm với 8 mái và đầu đao cong vút; bên dưới chia làm 3 gian, đối xứng trước-sau; gác trên có sàn gỗ và giá treo chuông.

Thông thường hàng ngày nhà chùa dùng cổng bên giáp với con đường chính xuyên qua làng, tam quan chỉ mở vào dịp lễ lạt. Cổng bên dẫn thẳng vào sân sau giáp với lưng tòa tam bảo và mặt trước của các dãy nhà khách, nhà Tổ.

Toà tam bảo trải qua thời gian dài bị xuống cấp cho nên được giải hạ vào quãng đầu thập niên 1960. Tháng 7-2003, dân làng cùng sư trụ trì Đàm Nguyện đã xây nhà Tổ và ngày 24-11 (tức mùng 1 tháng 11 năm Quý Mùi) khởi công dựng lại tòa tam bảo. Các công trình được thiết kế với quy mô bề thế và sử dụng vật liệu tốt.

Đình và chùa Lại Đà. Photo ©NCCong 2022

Toà hậu đường là nhà thờ Tổ, bao gồm 5 gian 2 dĩ, kết nối với hậu cung theo hình “chữ Đinh”, trên bờ mái đắp 3 chữ "Tự hậu đường". Phía sau có nhà Tăng và vườn tháp, gần đây cũng đã được trùng tu.

Di sản

Chùa có đầy đủ một hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông. Về giá trị, đáng chú ý là 3 pho tượng Tam Thế Phật (Quá Khứ, Hiện Tại và Vị Lai) mang phong cách nghệ thuật điêu khắc của thế kỷ XVIII. Ngoài ra trong chùa còn lưu giữ nhiều cổ vật khác như đồ tế khí, hoành phi, câu đối, cửa võng... được chế tác công phu.

Có một đôi câu đối viết như sau: Nhập môn giả năng vô tham sân si thị xuất gia nhi cầu quy y đắc quy y phúc địa / Tương lai kỳ tất hữu quảng đại thắng sử hiện tại bất vi quá khứ hựu quá khứ thời kỳ. (Vào cửa không còn tham sân si là xuất gia, cầu quy y sẽ được quy y đất phúc / Tương lai hẳn được quảng đại thời kỳ hiện tại, quá khứ lại không như thời kỳ quá khứ).

Tam quan chùa Lại Đà. Photo ©NCCong 2022

Di tích lân cận

©NCCông 2013-2019, Lai Da pagoda