158 Cao (Linh Thong) pagoda

Chùa Cao (Linh Thông Tự)

h.Chương Mỹsông ĐáyLê trung hưng

Chùa Cao có từ thời Lê. Tên chữ: Linh Thông Tự. Vị trí: WPH2+6V, núi Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 21km (hướng 8h). Trạm bus lân cận: Siêu thị TT Chúc Sơn (xe 37, 57, 72, 102).

Giới thiệu

Từ vành đai nội thành Hà Nội, du khách có thể lên xe bus số 37 hoặc 57, 72, 102, đi qua cầu Mai Lĩnh thì xuống trạm đỗ “Siêu thị TT Chúc Sơn”, bước tiếp khoảng 100m sau đó rẽ sang phải vào cổng làng Ninh Sơn rồi leo dốc hơn 200m sẽ tới cổng chùa Cao. ̣(Nếu đi từ Hà Đông thì còn có xe bus số 72, tuyến BX Yên Nghĩa – Chúc Sơn – Xuân Mai).

Chùa Cao tọa lạc trên đỉnh núi Phượng Hoàng tức núi Ninh, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc thành phố Hà Nội. Đoạn cuối con đường lên chùa tuy hơi dốc nhưng dễ đi vì gần đây đã được sửa sang rộng rãi, phần lớn hai bên vệ đều đã làm bậc dành riêng cho khách bộ hành. Hiện nay ô-tô có thể leo tới tận sân chùa. Một số nhà giàu đã tranh thủ mua những khoảnh đất rộng trên sườn đồi và xây cao tường kín cổng dọc theo hai bên đường, nối liền ngôi chùa tĩnh lặng với làng Ninh Sơn đông đúc dân cư.

Chùa được xây giữa một khu vực nhiều vườn cây mát mẻ, trên đỉnh một quả đồi lộng gió, dân gian quen gọi là núi Phượng Hoàng hoặc núi Ninh. Với địa thế trên cao, từ đây du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ thị trấn Chúc Sơn trải dài ở phía nam và các cánh đồng làng xã lân cận. Nếu du khách muốn đi thăm tiếp các thắng cảnh thì cách chùa không xa về phía tây bắc có hai danh lam thuộc huyện Chương Mỹ là chùa Trầm (2km) và chùa Trăm Gian (4km).

Sân tiền đường chùa Cao. Photo ©NCCong 2014

Người ta nói bên trái chùa có Thanh Long là dòng sông Đáy; bên phải có Bạch Hổ là dãy núi So Sở, phía trước có Minh Đường là núi Hỏa Tinh làm án; đằng sau có Hậu Chẩm là núi Tử Trầm làm chỗ dựa. Theo Thiền uyển tập anh, thiền sư Ngộ Ấn, đời thứ 8 dòng thiền Vô Ngôn Thông thế kỷ XI là Tổ khai sáng chùa này. Chùa thuộc Sơn môn Hương Tích.

Leo nốt các bậc đá cuối cùng trong con ngõ vào chùa Cao, du khách sẽ đi qua hai phương đình và đến thẳng dưới chân một pho tượng Quán thế âm Bồ tát bằng đá đứng trên bục cao. Phía sau lưng tượng là một khoảnh sân rộng dẫn đến thềm rồng đá của tiền đường. Bên trái và bên phải đều là những ngôi tháp mộ, xung quanh có nhiều cây nhãn, ngọc lan và trắc bách diệp với tán lá xanh tươi bốn mùa.

Kiến trúc

Năm 2006, sư trụ trì là đại đức Thích Đạo Phong đã tổ chức quyên góp để tu sửa ngôi chùa làng Ninh Sơn, phục hồi khuôn viên và mở rộng diện tích các toà nhà. Hiện tại chùa còn chưa có cổng nghi môn và tam quan nhưng đã hoàn thành việc xây hai phương đình làm gác chuông và gác trống nằm đối xứng hai bên con đường bậc đá.

Bên hông chùa Cao. Photo ©NCCong 2014

Chùa chính được làm theo mô hình “nội công ngoại quốc” như kiểu truyền thống nhưng xây bằng vật liệu hiện đại, trang trí đơn sơ. Sau toà Tam bảo xây hai tầng 8 mái với hàng hiên cột vuông bao quanh bốn phía (gồm tiền đường rộng 5 gian, thiêu hương 3 gian và hậu cung 3 gian) là khoảnh sân nhỏ dẫn đến một pho tượng Quán thế âm Bồ tát khác đứng trên hiên nhà Tổ. Hai bên Tam bảo có hai dãy nhà khách chạy dọc. Phía sau nhà Tổ rộng 7 gian 2 dĩ là khu thờ Mẫu và nhà Tăng, có hai cổng ngách dẫn vào.

Ngôi chùa là một cảnh đẹp và yên tĩnh trên ngọn đồi cao có thế phong thuỷ đặc sắc. Phật tử thường đến đây làm lễ cúng và dự tiệc chay. Trong chùa có nhiều tượng mới tô và một quả chuông to nhất vùng, nặng tới 1,5 tấn. Đáng tiếc rằng trải qua những thời kỳ đầy biến động, nay chùa không còn giữ được nhiều hiện vật cổ.

Khoảng gần nửa đường từ cửa chùa Cao xuống ngã ba làng Ninh, ở phía bên trái có tấm biển ghi tên “Đền Chúa” và mũi tên chỉ lên một cái cổng nghi môn hơi cũ. Ngôi đền này mới sửa lại, trông rất đơn giản nhưng trong chính điện thì tấp nập con nhang đệ tử đang khấn vái. Quanh sân nhỏ có hai dãy bia, ghi danh sách những người góp công đức.

Sân hậu chùa Cao. Photo ©NCCong 2014

Dưới chân núi, cách ngã ba khoảng hơn trăm bước về phía tay trái là ngôi đình làng Ninh Sơn khá to, sân rộng, có các cây cổ thụ che mát. Đình nhìn ra Vực Ninh, trên đó mới xây một thuỷ đình lục giác với chiếc cầu đá có hai nhánh nối vào bờ. Đi tiếp con đường làng này lên phía bắc, du khách sẽ đến các danh thắng khác như chùa Trầm, chùa Trăm Gian, chùa Thầy, v.v..

Di tích lân cận

©NCCông 2014, Cao (Linh Thong) pagoda

Phật điện chùa Cao