129 Boi Ha pagoda

Chùa Hà (Thánh Đức Tự)

sông Tô Lịchquận Cầu Giấythời Lê trung hưng

Chùa Hà có từ thế kỷ XV. Tên chữ: Thánh Đức Tự 聖 德 寺. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: số 86 phố Chùa Hà, 2QPV+RXR Cầu Giấy, Hanoi, Vietnam. Cách Ga Hà Nội: 6,6km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: TTTM Cầu Giấy (xe 07, 16, 20, 26, 27, 28, 32, 34, 35, 39, 49), Đd 161 Trần Đăng Ninh (35, 39), cuối phố Nguyễn Văn Huyên (07, 12, 13, 38, 39).

Lược sử

Tương truyền, chùa làng Bối Hà được xây dựng từ thời Lê Sơ. Lúc đầu tường làm bằng gạch vồ, mái lợp lá gồi, nên còn có tên là chùa Vồi. Trên hương án ở thượng điện hiện còn một cái lư hương bằng đồng khắc 3 chữ Hán 聖 德 寺 “Thánh Đức Tự”. Nghe nói tên chữ này có từ đời vua Lê Thánh Tông 黎 聖 宗 (trị vì 1460—1497, tên hồi nhỏ là Tư Thành) nhằm để kỷ niệm chuyện sau đây.

Con trưởng của Lê Lợi là Nghi Dân bị truất, bèn kết bè đảng một đêm bắc thang kéo vào thành giết em là vua Lê Nhân Tông (1441—1459) và cướp ngôi. Hoàng tử Tư Thành lúc ấy 17 tuổi phải giả gái cùng mẹ chạy về lánh nạn với các ni cô tại chùa Thánh Chúa của thôn Hậu, cũng thuộc xã Dịch Vọng (Dịch Vọng: trạm phục vụ trên đường cái quan xưa, nơi chức sắc đi công cán dừng chân nghỉ ngơi, thay ngựa hoặc đặt tiệc tiễn biệt). Khi ấy mẹ con thường tới thăm chùa Vồi ở thôn Tiền, khoảng 1km về phía đông chùa Thánh Chúa.

Tam quan chùa Hà. Ảnh ©NCCong 2013

Đến đời vua Lê Hy Tông (1663–1716), có hai nhà buôn gốm Thổ Hà, Bắc Giang sang ở trọ cạnh chùa Vồi (phải chăng sông Tô Lịch hồi đó là đường chở hàng cho các chợ vùng phía tây Thăng Long?). Họ kinh doanh phát đạt, bèn cúng một số tiền lớn và cùng dân trong xóm xây dựng lại chùa bằng gạch ngói vào năm 1681. Từ đó hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng kết chạ, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà. Các ngày kỵ của làng Thổ Hà đều có đoàn đại biểu nhân dân Bối Hà sang dâng lễ, và ngược lại.

Ngôi chùa và đình Bối Hà nằm bên nhau ở nơi xưa kia thôn Tiền giáp cánh đồng Dịch Vọng, cạnh đường cái quan nối Hà Nội với Xứ Đoài. Sớm ngày 19-5-1883, quân mai phục tại đây đã đổ ra đường chém chết đại tá Henri Rivière cùng 7 sĩ quan Pháp khác vừa dẫn lính vượt Cầu Giấy để đi đánh thành Sơn Tây. Năm ấy triều đình Huế trớ trêu thay lại bắt Tam nguyên Nguyễn Khuyến phải viết điếu văn để tế cái thây không đầu của ngài đại tá. Nhờ thế mà một bài điếu mỉa mai bằng chữ Nôm của ông nghè đã đi vào văn học. Sau 1954, chính phủ Pháp đã cho hồi hương hài cốt Rivière nhưng ngôi mộ cũ nay vẫn còn dấu vết cạnh Bưu điện trên phố Cầu Giấy.

Cổng đình Bối Hà. Ảnh ©NCCong 2016

Tại chùa Hà, tối 17-8-1945, Uỷ ban khởi nghĩa của Hà Nội gồm Nguyễn Khang, Trần Tử Bình và Lê Trọng Nghĩa đã họp ra quyết định Tổng khởi nghĩa vào 2 ngày sau. Năm 1982, chùa Hà được gắn biển “Di tích cách mạng” của thành phố. Tháng 12-1996, chùa được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Tháng 1-2002 tại kỳ họp thứ 6, Hội đồng ND TP Hà Nội khoá XII quyết định đặt tên phố Chùa Hà cho đoạn phố rộng 6-8m và dài 800m từ đường Cầu Giấy qua cửa chùa Hà đến phố Tô Hiệu.

Kiến trúc

Từ Cầu Giấy vượt qua sông Tô Lịch đi về hướng tây khoảng 800m du khách sẽ thấy phố Chùa Hà ở bên phải. Nằm ngay sát vòng xoay ngã năm ở đoạn giữa phố này, tam quan chùa Hà hoành tráng nhìn về hướng tây, xa xa là dãy núi Ba Vì. Trước cửa chùa xưa kia có một hồ nước đã bị lấp vào cuối thế kỷ XX. Trên một cột trụ có dòng chữ Hán đắp nổi: “Lê Triều Chính Hoà tạo dựng” (Dựng vào niên hiệu Chính Hoà triều Lê, tức năm 1681).

Tiền đường chùa Hà. Ảnh ©NCCong 2013

Mặt bắc chùa Hà giáp liền với một "nghĩa địa rộng 17 mẫu 2 sào ruộng quan điền, được lập theo đề nghị của các quan Tham tụng Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn, và chúa Trịnh Cương chuẩn y năm Bảo Thái thứ 3 (1722) để chôn hoặc cải táng những người chết đói, chết dịch vô thừa nhận. Chúa Trịnh Khải (hay Trịnh Tông) sau khi tự sát trên đường dẫn giải từ Yên Lãng (Vĩnh Phúc) về Thăng Long cũng được chôn tại nghĩa trang này... Khoảnh đất trước cửa chùa vào năm Cảnh Hưng thứ 39 (1778) là nơi làm lễ an táng Nhu Thuận Hoàng Thái hậu Đào Thị - vợ vua Lê Hiển Tông..." (theo TS Bùi Xuân Đính).

Sát liền bên phải chùa là đình Bối Hà, ở giữa có lối đi vào khu nhà hậu. Chùa và đình làm thành một khu di tích chung nhau tường bao khuôn viên, đã được quy hoạch và trùng tu trong giai đoạn 1995—2003. Hiện nay tuy vẫn mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn nhưng hầu hết các công trình đều thay đổi diện mạo ít nhiều so với thế kỷ trước, chỉ tam quan là còn khá nguyên vẹn.

Chùa Hà thu hút thanh niên. Ảnh ©NCCong 2013

Sau tam quan chùa là vườn cây và ao nhỏ hình chữ nhật. Tam bảo được xây theo hình chữ “Đinh” với tiền đường rộng 5 gian và hậu cung gồm 3 gian, bên cạnh là điện thờ Mẫu, phía sau là trai đường và khu phụ. Từ khoảng cuối thế kỷ XX, chùa Hà bỗng dưng thu hút được nhiều bạn trẻ đến cầu ước tình yêu và “cắt duyên tiền kiếp”. Con nhang đông đến nỗi gần đây người ta lại xây thêm mấy gian điện thờ ở sau chùa và cả bên đình, làm cho khu di tích càng chật hẹp và tấp nập, khác hẳn trước kia.

Di vật

Ngoài các bộ cửa võng, câu đối, hoành phi và các pho tượng tròn đều được tô lại mới đây, trong chùa còn có chiếc lư hương cổ nhất đã nói ở trên và một đại hồng chung được đúc sau khi bị mất quả chuông nguyên thuỷ.

Gác chuông chùa Hà. Ảnh ©NCCong 2014

Quả chuông thay thế ghi năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799). Chuông cao 1m30, chu vi miệng 1m50, quai hình rồng có vây, chia làm 4 múi khắc hình long, ly, quy, phượng; phía trên có bốn chữ lớn: “Thánh Đức Tự chung”. Bài minh khắc trên cả 4 mặt chuông do giáo xã Nguyễn Khuê soạn thảo là một tư liệu lịch sử về làng xã cũng như ảnh hưởng của chữ Nôm và Phật giáo ở thời Tây Sơn.

Di tích lân cận

©NCCong 2013-2020, Boi Ha pagoda