144 Pagoda Láng

Chùa Láng (Chiêu Thiền Tự)

quận Đống Đasông Tô LịchTừ Đạo Hạnh

Chùa Láng có từ thế kỷ XII. Tên chữ: 昭 禪 寺 Chiêu Thiền Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1962). Vị trí: số 116 phố Chùa Láng, 2RF3+92, Đống Đa, Hà Nội, Vietnam. Cách Ga Hà Nội: 6,1km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: 87 phố Chùa Láng (xe 09, 35), 1014 đường Láng (16, 24).

Lược sử

Chùa Láng, tên chữ Hán 昭 禪 寺 (Chiêu Thiền Tự), là một ngôi chùa cổ ở làng Láng (Yên Lãng) ven sông Tô Lịch. Tấm bia tạo lệ còn lưu ở đây ghi niên hiệu Thịnh Đức thứ 4 (1656), văn bia do tiến sĩ Nguyễn Văn Trạc viết, giải nghĩa: "Vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu, nơi sinh ra Thiền sư Đại Thánh nên gọi là Thiền".

Theo truyền thuyết, Thiền sư Đạo Hạnh vốn tên Từ Lộ và ban đầu tu tập ở chùa Thầy. Ngài hoá và đầu thai làm con của Sùng Hiền hầu — em vua Lý Nhân Tông. Nhân Tông không có con, nên vị cháu này được nối ngôi bác, tức vua Thần Tông (trị vì 1128—1138). Sau, con của Thần Tông là Anh Tông cho xây chùa Chiêu Thiền để thờ cha và tiền thân của cha là Từ Lộ. Chùa toạ lạc tại trại Yên Lãng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận xưa, gần với chùa Nền được xây trên nền nhà cũ của cha mẹ Từ Lộ là Từ Vinh và Tăng Thị Loan.

Tam quan ngoại chùa Láng. Photo ©NCCong 2023

Chùa Láng là một quần thể kiến trúc rộng lớn, được xây dựng theo kiểu “nội Công ngoại Quốc”, tính ra vừa đủ 100 gian to nhỏ. Chùa đã qua nhiều lần trùng tu, quan trọng nhất là vào các năm 1656, 1901, 1989 và 2009, vì thế chỉ giữ được rất ít dấu tích xưa. Hình dáng chùa ngày nay chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thời Lê trung hưng và thời Nguyễn. So với các tấm ảnh chụp từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX ta thấy một số cổ thụ đã không còn.

Ngày 28-04-1962, chùa Láng được xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Tam quan ngoại chùa Láng trông hơi giống kiểu kiến trúc nghi môn của các cung vua phủ chúa thời Lê-Trịnh. Cổng này gồm ba cửa chia ra bởi bốn cột vuông với ba mái nhỏ uốn cong gắn vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai mái bên. Phía dưới lại có tượng đôi voi phục nằm đối diện trong hai gian nhà nhỏ ở cạnh cửa tả và hữu. Ba bức hoành phi treo dưới mái, bức giữa đề “Thiền Thiên Khải Thánh” (Trời Thiền sinh Thánh), bức bên phải đề “Tuệ nhật” (vầng Tuệ), bên trái đề “Từ vân” (mây lành).

Tam quan nội chùa Láng. Photo ©NCCong 2023

Du khách đứng trước cổng có thể thấy được phối cảnh từ xa rất đẹp của ngôi chùa bên trong nhờ những khoảng trống liên tiếp nối nhau dọc theo con ngõ dài và thẳng theo trục đường thần đạo. Khoảng trống đầu tiên sau tam quan ngoại là một sân gạch, giữa sân có một sập đá to để đặt kiệu trong dịp lễ hội và sắp lễ trong các ngày khác. Hai bên sân và ngõ được trồng hoa cỏ tươi tốt bốn mùa, còn phía trên là những tán lá cổ thụ xanh thẫm mát mẻ.

Cuối sân thứ nhất là chiếc cổng thứ hai, không có cửa và gác chuông, xây kiểu trên lợp hai mái ngói ta, dưới bổ mười trụ vuông làm thành ba gian thông nhau. Cổng này mở theo hướng nam-bắc để ngỏ bốn mùa đón gió, hai bên tường vẽ cặp hồng mã và bạch mã. Dải cổ diêm giữa hai tầng mái có trang trí các hình đắp nổi theo tích “Lã Vọng câu cá” và “Tam cố thảo lư” (Lưu Bị 3 lần đến lều cỏ mời Khổng Minh).

Thần đạo chùa Láng. Photo ©NCCong 2023

Từ tam quan nội du khách đi tiếp trên con đường gạch dài thẳng tắp, làm thành một ngõ lớn ở giữa hai bức tường hoa xây thấp dọc theo thần đạo, dẫn đến cửa chính của nghi môn. Hai bên ngõ lại có lối rộng đi song song dưới bóng che của những cây muỗm rất lớn, tuổi đời dễ đến vài trăm năm.

Sân gạch phía sau nghi môn thứ ba rất rộng và vuông vắn, ở giữa có một lầu bát giác, hai bên là dãy nhà tả vu và hữu vu. Lầu bát giác còn gọi là nhà Bảo Cái, nơi đặt kiệu Thánh vào trước ngày hội. Phần dưới mái nhà trang trí bằng những hình rồng chạm nổi rất đẹp. Qua nhà bát giác mới đến thềm rồng 3 bậc để vào chùa chính. Tiền đường rộng tới 9 gian, bên phải có cửa ngách thông với con ngõ dài dẫn vào sân sau của chùa. Dọc ngõ có một hồ nhỏ, tiếp theo là khu nhà ở với giếng nước, vườn chùa và các tháp mộ của những vị sư trụ trì đã qua đời.

Sân chùa Láng. Photo ©NCCong 2023

Giống như ở chùa Thầy, tòa tiền đường và trung đường được đặt song song thành hình chữ “Nhị” và xây cách nhau ra vài bước để lấy ánh sáng tự nhiên, đoạn giữa thông nhau bằng ống muống dọc. Hậu cung nối với trung đường làm thành hình chữ “Công”, bài trí điện thờ theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh”.

Toàn bộ quần thể kiến trúc kéo dài theo chiều sâu nhưng thật hài hòa, cân đối với các không gian rộng rãi và nhiều cây xanh, khiến cho chùa Láng được coi là danh thắng “đệ nhất tùng lâm” ở phía tây kinh thành Thăng Long xưa. Ngày nay tuy bị một số nhà dân và hàng quán áp sát nhưng nơi đây vẫn thu hút rất nhiều du khách, các cặp tình nhân và người tập dưỡng sinh.

Di sản

Trong nhà hậu cung chùa Láng có đặt tượng Từ Đạo Hạnh và tượng vua Lý Thần Tông, tương truyền là kiếp sau của Thiền sư. Tượng Đạo Hạnh làm bằng mây đan phủ sơn và mặc áo cà sa, còn tượng vua Thần Tông tạc bằng gỗ mít ngồi trên ngai vàng. Hai bức hoành phi treo phía trên đề chữ Hán “Lý triều Thánh Đế” và “Thánh cung vạn tuế”.

Chùa Láng trước năm 1954. Photo: Kho Tư liệu Pháp

Động Thập điện ở hai đầu hồi nhà hậu cung quy tụ những tác phẩm điêu khắc Phật giáo theo chủ đề “nhân quả”, diễn tả 10 tầng địa ngục do các Diêm Vương cai quản với những hình phạt nặng nhẹ khác nhau dành cho mỗi kẻ gian ác bị các Phán quan xét xử sau khi chết.

Hai bên hậu cung có hai dãy hành lang dài làm nơi trưng bày tượng 18 vị tổ truyền đăng quen gọi là La Hán và dẫn khách đi thẳng xuống nhà thờ Tổ. Ban thờ Tổ bày ở gian giữa, các gian khác thờ Tam tòa Thánh Mẫu và Tứ vị Vương Bà. Khối kiến trúc nói trên tạo thành một vành đai hình vuông bao quanh sân chùa trong.

Chùa Láng còn giữ được 198 pho tượng lớn nhỏ, 39 hoành phi, 31 câu đối, 15 tấm bia đá, 12 đạo sắc phong của các đời vua triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Tấm bia tạo dựng năm 1656 cao 140cm, rộng 80cm; trán bia tạc hình hoa văn lưỡng long chầu nguyệt, hai diềm bia chạm hình chim phượng chầu hoa sen và hai tiên nữ vươn cánh bay lên trời. Ngoài ra còn có hai lầu gác, nơi treo một quả chuông “đại hồng chung” và một khánh lớn bằng đồng đúc tại đây năm Thiên vận Mậu Ngọ (1738). Đáng tiếc đã bị mất cuốn sách kinh “Bát diệp đồng thư” bằng 8 lá đồng mỏng chạm chữ Hán.

Tượng trong chùa Láng trước năm 1954. Photo: Kho Tư liệu Pháp

Hội chùa Láng và chùa Thầy cùng cử hành vào dịp sinh nhật Đạo Hạnh (7-3 âm lịch). Dân gian có câu ca dao: Nhớ ngày mồng bảy tháng ba / Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy. Trong ngày hội, kiệu của Đạo Hạnh còn được rước đến chùa Hoa Lăng ở làng Dịch Vọng Tiền bên kia sông Tô Lịch, nơi thờ bố mẹ ngài. Sau đó thường có diễn tích “đấu thần”, dân đi theo đám rước sẽ đốt pháo thăng thiên bắn vào chùa Thánh Tổ, nơi thờ sư Đại Điên — người đã sát hại Từ Vinh.

Năm 2023, Đại lễ hội Chùa Láng sau 70 năm bị gián đoạn đã được khôi phục lại với sự tham gia nhiệt tình của các làng xung quanh. Theo truyền thống cổ, trong dịp này đã diễn ra nghi thức “độ hà” rước Đức thánh Từ Đạo Hạnh qua sông Tô Lịch lên chùa Hoa Lăng thăm mẹ.

Di tích lân cận

©NCCong 2013-2023, Lang pagoda