418 Nam Dong pagoda

Chùa Nam Đồng (Càn An Tự)

quận Đống Đathời Lê trung hưngsông Kim Ngưu

Chùa Nam Đồng có trước 1612. Tên chữ: Càn An Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: ngõ 59 Hoàng Cầu, 2R9H+48, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 2,1 km (hướng 8 h). Trạm bus lân cận: đầu phố Nguyễn Lương Bằng (xe 01, 02, 09, 30) và Hoàng Cầu (23), cuối phố Xã Đàn (25, 28, 99) và Tôn Đức Thắng (02, 25, 41).

Lược sử

Chùa nằm trên một mảnh đất cao ráo, khi người Pháp làm đường đi Hà Đông mới bị tách ra khỏi làng Nam Đồng. Tương truyền chùa được dựng vào năm Đại Định thứ 2 (1141) dưới triều vua Lý Anh Tông, do công chúa Thành Dương cùng Phật tử tiến cúng. Theo nội dung văn bia "Sáng tạo Càn An tự bi ký" được khắc năm Vĩnh Tộ thứ 3 (1621) hiện vẫn còn trong chùa, vị Tăng thống Nguyễn Nhân, tự Pháp Tạng, đã dựng lại chùa vào năm 1612 và mở rộng quy mô với diện tích khoảng 2 mẫu. Năm Chính Hòa thứ 18 (1697), chùa được đại trùng tu, xây lại tam quan, gác chuông, tiền đường và chánh điện.

Cổng chùa Nam Đồng. Ảnh NCCong ©2018

Ngày 22-4-1992 chùa Nam Đồng đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Chùa đã trải qua nhiều lần sửa chữa, đến đầu thế kỷ XXI lại được đại trùng tu. Ngày nay chùa có tường cao bao kín, các nhà dân lô nhô che gần hết 4 mặt. Cổng chùa mở ra ngõ 66 Nguyễn Lương Bằng thông với phố Hoàng Cầu. Tam quan nhìn về phía tây nam, trước kia xây gạch, ở giữa có 2 tầng với mái giả, hai bức tường nối với tả hữu cũng đắp mái giả, cửa bịt kín. Nay tam quan đúc bằng bê tông, tất cả đều nâng thêm 1 tầng.

Chùa Nam Đồng. Ảnh NCCong ©2018

Du khách bước qua cổng phụ sẽ thấy lối đi thẳng vào chùa trong, bên trái là lầu Quan Âm và hòn non bộ, bên phải là sân gạch, cây cối um tùm. Tiền đường xưa xây 7 gian, cột tròn gỗ lim. Nay gồm 5 gian, tường hồi bít đốc, hàng hiên rộng đè lên các cột đá hình vuông. Đầu hiên bên tả có gắn tấm bia đá cổ. Trước hiên có thêm đôi rồng đá và hương án, đỉnh trầm, tất cả đều bằng đá.

Tòa tiền đường kết nối với hậu cung theo hình chuôi vồ. Bên trái tiền đường là một sân rộng với nhà bia và vườn tháp mộ của các sư trụ trì trước đây. Qua cổng ngách du khách bước vào chùa trong với nhà Tổ, nhà Mẫu và nhà khách vây quanh sân hậu. Phía sau là khu sinh hoạt áp sát ngõ Giếng.

Bia cổ chùa Nam Đồng. Ảnh NCCong ©2018

Di vật

Tại thượng điện có bộ ba tượng Tam Thế Phật mặt phúc hậu. Đài sen chạm khắc tỉ mỉ hoa cúc, sen và vân xoắn, thân bệ tượng cũng chạm vân xoắn cách điệu và long mã đang phi trên dòng nước lớn. Hai pho tượng Bồ tát Quan Âm và Đại Thế Chí được tạc với dáng tự nhiên trong tư thế đứng, đầu đội mũ tì lư, trên nền cúc mãn khai. Ngoài ra chùa còn có 5 bộ cửa võng rất trau chuốt và một cỗ kiệu, đều sơn son thếp vàng, mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVIII.

Trong chùa Nam Đồng hiện lưu giữ được hai tấm bia cổ ghi niên đại 1621 và 1697; ngoài ra còn có một quả chuông đồng đúc năm 1812. Tấm bia 1621 có nhắc đến xứ Đống Đa. Như vậy, địa danh này đã có từ trước khi xảy ra cuộc tấn công của nghĩa quân Tây Sơn tấn công quân Thanh đóng tại đồn Khương Thượng vào đầu năm 1789.

Vườn tháp chùa Nam Đồng. Ảnh NCCong ©2018

Di tích lân cận

©NCCông 2013-2018, Nam Dong pagoda