278 Tram village pagoda

Chùa làng Trạm (Nghiêm Quang Tự)

quận Long Biênthời Lê trung hưngsông Hồng

Chùa làng Trạm có từ thời Lê Trung hưng. Tên chữ: Nghiêm Quang Tự. Xếp hạng: Di tích thành phố (2006). Vị trí: 2VFQ+CQ, số 205 đường Bát Khối, Long Biên, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 6 km (hướng 3 h). Trạm bus gần nhất: Đd chùa Nghiêm Quang (xe 47a trên ĐT378), 106 -108 Cổ Linh (100).

Lược sử

Làng Trạm cùng các làng Nha, Bồ Đề, Tư Đình nằm kề con đường thiên lý từ các trấn phía Bắc và phía Đông về kinh thành Thăng Long nên giữ một vị trí rất quan trọng với kinh đô từ thời Trần - Lê trở lại. Tương truyền làng Bồ Đề là nơi các vua lập “hành trại” khi rời khỏi kinh đô, làng Nha tức “Nha Dinh” là dinh ở của các quan tập kết ở bờ Bắc sông Hồng để vào thành Thăng Long yết triều, còn làng Trạm là trạm cuối cùng trên con đường thiên lý nêu trên.

Con đường lớn trong làng Trạm trước đây chỉ là đường đất, thường trở nên lầy lội sau mỗi lần mưa to. Bây giờ thì nó đã trở thành một con phố được trải nhựa hoặc bê tông hóa. Phố Trạm dài chưa đến 500m, được HĐND và UBND thành phố Hà Nội quyết định đặt tên vào tháng 6-2012. Phố nằm ngay dưới chân cầu Vĩnh Tuy, vì vậy việc đi lại của người dân cũng thuận lợi hơn rất nhiều, chỉ cần qua cầu là đã vào nội đô.

Chùa Nghiêm Quang và đình làng Trạm. Photo NCCong ©2015

Nghiêm Quang Tự là tên chữ của ngôi chùa nằm bên cạnh đình làng Trạm. Chùa có đã lâu đời, muộn nhất cũng từ thời Lê Trung hưng, căn cứ vào bài minh trên một quả chuông đồng treo trong chùa thì nó được đúc ngày 22 tháng Chạp niên hiệu Vĩnh Thịnh 14 (1718). Lại còn một tấm bia hậu ghi niên đại Cảnh Hưng 30 (1769) cho biết năm trùng tu và tên thí chủ.

Kiến trúc

Du khách từ tỉnh lộ TL195 rẽ xuống đê rồi đi theo con ngõ dài ở giữa UBND phường Long Biên và đình làng Trạm sẽ thấy cổng chùa quay về hướng nam. Sau nhiều lần trùng tu dáng dấp chùa hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Khuôn viên của chùa thuộc loại lớn, cây cối cũng được trồng rất nhiều, chủ yếu là nhãn. Tam quan xây kiểu hai tầng giả, đắp ngói ống, nay đã xuống cấp trầm trọng và mất hẳn một cửa phụ bên tả.

Tiền đường chùa Nghiêm Quang. Photo NCCong ©2019

Diện tích sân trước chùa khá khiêm tốn. Tòa tiền đường rộng 3 gian 2 dĩ, thềm cao 5 bậc, kết nối với hậu cung 3 gian thành hình chuôi vồ; nhìn chung cũng đã đến lúc cần tôn tạo. Ngược lại, khu vực chùa trong bao gồm nhà Tổ, nhà Mẫu và trai đường, nhà Ni đều mới được trùng tu hoặc mở rộng. Cuối sân sau lại có các hàng ghế giả đá xếp dọc hai bên lối đi ra phía pho tượng Quan Âm Nam Hải trắng toát, đặt trên đài sen mới được xây ở giữa một nguyệt hồ nhỏ cạnh trường Tiểu học Long Biên.

Di vật

Chùa từng trải qua lần trùng tu vào thời Lê Trung hưng. Hệ thống tượng Phật giáo trong chùa được lưu giữ đầy đủ, đáng chú ý là pho tượng Thích Ca sơ sinh với tòa Cửu Long đều đúc bằng đồng. Như đã nói, trong chùa lại có một quả chuông đồng được đúc ngày 22 tháng Chạp niên hiệu Vĩnh Thịnh 14 (1718). Ngoài ra, có một cổ vật đặc biệt nữa là tấm bia hậu được khắc vào ngày tốt giữa mùa thu năm Cảnh Hưng 30 (1769), văn bia do tiến sĩ Lê Trọng Tín soạn.

Bia và cổng chùa Nghiêm Quang. Photo NCCong ©2019

Năm 2006, chùa làng Trạm (Nghiêm Quang Tự) đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật.

Di tích lân cận

278 Tram village pagoda ©NCCông 2015-2019