180 Nhon pagoda
Chùa Nhổn (Càn Phúc Tự)
Lê trung hưngq.Nam Từ Liêmsông NhuệChùa Nhổn có từ khoảng thế kỷ XVIII. Tên chữ: 乾福寺 Càn Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: ngõ 81 Phố Nhổn, 3P3H+MW, Phương Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 14km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: 22 Phố Nhổn.
Giới thiệu
Thôn Tu Hoàng tên Nôm là làng Nhổn, trước đây thuộc xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội; dân cư sống chủ yếu bằng nghề nông. Ngày nay, làng xóm đã hầu như hoàn toàn đô thị hoá, giao thông qua nơi đây rất thuận tiện nhờ quốc lộ QL32 (Hà Nội—Sơn Tây) được mở rộng và nâng cấp.
Du khách lên xe bus từ trung tâm TP Hà Nội chạy về hướng tây theo QL32 có thể xuống ở điểm dừng gần ngã tư Nhổn rồi qua đường và đi dọc theo mặt đông nam của chợ Nhổn chỉ hơn 100m sẽ thấy cổng chùa Nhổn ở bên tay phải. Theo các bô lão sở tại, chùa Nhổn đã có từ khoảng cuối thời Lê trung hưng.
- Tam quan chùa Nhổn. Photo ©NCCong 2022
Ngày 22-4-1992, chùa Nhổn được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Chùa Nhổn tọa lạc trong một khuôn viên khá rộng rãi ở rìa làng Tu Hoàng cũ. Gần đây chùa đã được trùng tu. Tam quan nhìn về phía đông nam và được xây theo phong cách nghệ thuật kiến trúc của thời Nguyễn. Sau cổng là con ngõ đi qua khu vườn ngoài, bên tay trái có một hồ bán nguyệt nhỏ. Cuối ngõ là mấy cây cổ thụ toả bóng lên toà tam bảo.
- Hông bên tả chùa Nhổn. Photo ©NCCong 2022
Chùa chính quay về phía tây nam, trên bức tường ngoài hông bên tả có gắn vài tấm bia đá nhỏ. Toà tiền đường 5 gian 2 dĩ kết nối với thượng điện 3 gian thành hình "chữ Đinh". Bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu "thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy". Các kết cấu gỗ chủ yếu bào trơn đóng bén hoặc chạm khắc hoa lá đơn giản. Nói chung các hiện vật quý nhất đều vẫn còn giữ được trong toà tam bảo.
Một dãy hành lang dài mới xây, kéo từ nhà Mẫu ở mé bên hữu của tiền đường xuống nhà tăng rồi nối với đầu hồi của toà hậu đường 5 gian 2 dĩ dùng để thờ Tổ. Đối diện hành lang qua sân sau là một lầu nhỏ với tượng Bồ tát Quán Thế Âm đứng ở trong. Cạnh lầu còn có vườn tháp mộ của các bậc trụ trì tiền bối đã mất.
- Chính điện chùa Nhổn. Photo ©NCCong 2022
Di sản
Ngoài những hiện vật như ngựa gỗ, chuông đồng,... trong chùa còn bảo lưu một hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông khá phong phú và có phong cách độc đáo. Đáng chú ý trong số di vật là hai bộ tượng Di Đà Tam Tôn và Hoa Nghiêm Tam Thánh. Các pho tượng được tạc trong tư thế ngồi bán kiết già trên tòa sen, nếp áo có nhiều nét mềm mại. Trên ngực, bụng, vai và mũ có những bông hoa cúc nở to được chạm nổi cầu kỳ. Vẻ mặt các pho tượng từ bi và tạo nên cảm giác ẩn chứa sức mạnh siêu hình.
Mấy năm gần đây vị sư bà trụ trì chùa đã thuê thợ sửa sang nhà Tổ, ban thờ Mẫu, lầu Bồ tát Quán Thế Âm, tôn tạo vườn tháp mộ và sơn thiếp lại các tượng Phật…, ngoài ra đã làm thêm một số hoành phi, câu đối và cửa võng. Nhà chùa hiện nay thỉnh thoảng còn tổ chức tiệc chay với hàng trăm Phật tử tham gia.
- Lâu Quan Âm ở chùa Nhổn. Photo ©NCCong 2022
Di tích lân cận
- Chùa Đình Quán (Bà Bông Tự): thôn Đình Quán, phường Phú Diễn.
- Chùa Hòe Thị (Hương Đỗ Tự): ngõ 143 Xuân Phương, phường Phương Canh.
- Chùa Văn Trì (Bồ Đề Tự): thôn Văn Trì, phường Minh Khai.
- Đình Đụn (Lai Xá): thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức.
- Đình Tu Hoàng: ngõ Tu Hoàng, phường Phương Canh.
- Miếu Đồng Cổ: phố Nguyên Xá, phường Minh Khai.
(180 chua Nhon ©NCCong 2014-2024)