138 Phuc Khanh pagoda

Chùa Sở (Phúc Khánh Tự)

q.Đống Đas.Tô LịchLê trung hưng

Chùa Sở có từ thế kỷ XVII. Tên chữ: Phúc Khánh Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1988). Vị trí: phố Tây Sơn, P. Thịnh Quang, 2R3C+QG, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 3,7 km (hướng 8 h). Trạm bus lân cận: 290 Tây Sơn, 45 đường Láng.

Giới thiệu

Phía tây bắc chùa Phúc Khánh là một bức tường dài ngăn với chung cư A1 của khu tập thể Vĩnh Hồ, có từ cuối thập niên 1960. Tam quan chùa mở về phía đông bắc, về sau bị nhà dân xây bít và vây kín cả hai bên, cho nên du khách thăm chùa phải vào qua cổng phụ theo lối ngõ 382 phố Tây Sơn, cạnh cầu vượt Ngã tư Sở.

Các dịp cúng lễ lớn tổ chức ở chùa Phúc Khánh từng thu hút đông đúc Phật tử, thậm chí thường gây nên nạn ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường xung quanh. Nhiều người không chen chân nổi vào chùa đã leo lên cầu vượt để xem lễ hoặc bái vọng từ xa.

Vườn chùa Phúc Khánh. Ảnh NCCong ©2017

Lược sử

Chùa Phúc Khánh tên Nôm là chùa Sở vì vào thời Lê từng có một Sở đồn điền do triều đình đặt tại đây. Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII và nhanh chóng trở thành một cơ sở Phật giáo nổi tiếng của kinh đô. Sau đó chùa không may lại gặp hỏa hoạn và đã bị hư hỏng hoàn toàn nên kiến trúc cũ nay không còn dấu vết gì ngoài vườn tháp mộ.

Có tài liệu cho rằng vì chùa nằm trong khu vực diễn ra trận đại chiến Đống Đa năm 1789 nên bị đổ nát, sau được nhà sư Chiếu Liên cho xây lại với sự giúp đỡ của Đô đốc Tây Sơn Trần Văn Lễ, người đã từng đóng quân ở chùa. Đô đốc còn cho đúc một quả chuông lớn và pho tượng Cửu Long để cúng dàng.

Phật điện chùa Phúc Khánh. Ảnh NCCong ©2017

Theo các tư liệu khác nhau, chùa Phúc Khánh đã trải qua nhiều lần trùng tu và tôn tạo vào các năm 1853, 1921, 1932, 1935, 1940, 1993, 1996, 1998. Năm 1940, Hòa thượng trụ trì Thích Trung Thứ đã cho kiến thiết ngôi chùa làm cơ sở đào tạo tăng tài và điểm an cư kiết hạ hàng năm của chư tăng.

Ngày 16-11-1988, chùa Phúc Khánh được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Hiện trong chùa có đặt toà soạn tạp chí Khuông Việt.

Đài Quan Âm chùa Phúc Khánh. Ảnh NCCong ©2017

Kiến trúc và di sản

Trong thế kỷ XX các Phật tử đã đóng góp công của để xây dựng phần lớn các công trình định hình cho ngôi chùa như ta thấy ngày nay. Sau tam quan là một sân nhỏ dẫn đến toà tiền đường rộng 5 gian. Hậu cung 3 gian kết nối với tiền đường theo hình chữ “Đinh”. Chính điện được bài trí tôn nghiêm với hệ thống đầy đủ tượng Phật giáo Bắc tông. Phía sau có cửa ngách thông ra sân giữa.

Nhà Tổ quay mặt về hướng nam, nhìn ra một sân hậu khá rộng ăn thông ra cổng phụ phía ngõ 382 phố Tây Sơn. Bên tả sân hậu là nhà tăng, trước sân là khu phụ. Bên hữu là hai toà nhà 2 tầng cùng nhìn ra vườn cảnh nhỏ, đối diện với một phương đình thờ tượng Quán thế âm nghìn mắt nghìn tay. Phía sau phương đình là vườn tháp mộ và cửa ngách dẫn đến toà tam bảo.

Nhà Tổ chùa Phúc Khánh. Ảnh NCCong ©2017

Trong chùa Phúc Khánh hiện lưu giữ được nhiều cổ vật. Có thể kể đến 20 pho tượng gỗ đẹp, 21 tấm bia đá (bia cổ nhất dựng năm 1698), 3 đại hồng chung (chuông cổ nhất đúc năm 1796), 14 bức cửa võng, ngoài các hoành phi đại tự còn có đủ bộ đồ thờ cúng như bát hương đồng, long ngai, nhang án...

Di tích lân cận

138 chua Phuc Khanh ©NCCông 2012-2018