124 Quan Su pagoda

Chùa Quán Sứ

q.Hoàn KiếmLê trung hưng

Chùa Quán Sứ có từ thế kỷ XV, xây lại năm 1942 thành trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tên chữ: 舘 使 寺 Quán Sứ Tự. Vị trí: 2RFW+Q4, số 73 phố Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 500m (hướng 3h). Trạm bus lân cận: phố Quán Sứ, hoặc Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt.

Lược sử

Sách “La thành cổ tích vịnh” do tiến sĩ Trần Bá Lãm soạn năm 1787 viết rằng: vào khoảng đời vua Trần Dụ Tông (1341—1369) triều đình cho dựng một tòa sứ quán để tiếp sứ thần các nước láng giềng Chiêm Thành, Vạn Tượng và Ai Lao. Triều ta vẫn theo nề nếp ấy. Từ đời Lê trung hưng về sau sứ thần có đến cống nạp phương và nghỉ ngơi ở đây ... cho xây ngôi chùa thờ Phật để trấn yểm từ đó mới được bình an vô sự. Nhân thế gọi tên chùa Quán Sứ.

Sách “Thăng Long cổ tích khảo” (không rõ tác giả và năm soạn) cho biết: đến đời Lê Trang Tông (1533—1548) ... ra lệnh cho dựng một ngôi chùa ba gian lợp ngói để thờ phụng đức Phật ... Triều đình ban cấp lương hàng tháng cho sư tăng ... nhân đó gọi là chùa Quán Sứ, ở phía nam thành.

Cổng chùa Quán Sứ. Ảnh ©2011 NCCong

Tiến sĩ Phan Huy Chú (1782—1840) trong “Hoàng Việt địa dư chí” thì viết: Chùa Quán Sứ tại thôn An Tập thuộc huyện Thọ Xương. Từ thời Lê trung hưng về sau sứ các nước như Nam Chưởng, Vạn Tượng, Trấn Ninh hàng năm đến cống đều nghỉ tại đó nên mới có tên là Quán Sứ.

Theo “Bia ghi công đức chùa Quán Sứ” dựng tại chùa do tiến sĩ Lê Hy Vĩnh soạn năm Tự Đức thứ 8 (1855) thì: Chùa nằm ở thôn An Tập, Thọ Xương ... đến thời Lê mạt các danh lam thắng tích nơi đô thành bị tàn phá hết. Di tích ngôi chùa này cũng mất hết diện mạo chân thực, lại không có bi ký để mà khảo cứu... (Chùa Quán Sứ. Nguyễn Đại Đồng, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2007).

Năm 1934, trong phong trào Chấn hưng đạo Phật ở Việt Nam, Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập, chùa được chọn làm văn phòng trung ương và nơi đặt trụ sở báo Đuốc Tuệ của Tổng hội. Từ đó, chùa đã chứng kiến nhiều hoạt động quan trọng của Phật giáo Việt Nam, trong đó có sự thống nhất tổ chức Phật giáo trong cả nước và sự hòa nhập của Phật giáo Việt Nam với Phật giáo thế giới..

Tiền đường chùa Quán Sứ. Ảnh ©2014 NCCong

Chính tại đây vào ngày 13-5-1951 (mồng 8-4 năm Tân Mão) lần đầu tiên đã xuất hiện lá cờ Phật giáo thế giới do Thượng tọa Thích Tố Liên mang về từ Colombo (Sri Lanka) và chùa được chọn làm trụ sở Chi hội Phật giáo Thế giới tại Việt Nam. Năm 1980, sau Đại hội Phật giáo toàn quốc, chùa Quán Sứ trở thành trụ sở trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hiện nay các vị hòa thượng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các vị thượng tọa, đại đức, tăng ni của văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều làm việc ở chùa Quán Sứ. Các hội nghị Phật giáo ở cấp quốc tế và quốc gia cũng thường được tổ chức tại đây.

Kiến trúc

Năm 1942 sư Tổ Vĩnh Nghiêm duyệt cho chùa xây dựng lại theo bản thiết kế của hai kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Xuân Tùng, với nghệ thuật kiến trúc và trang trí kết hợp tinh hoa từ các ngôi chùa lớn của miền Bắc. Mặt bằng các công trình tuân theo truyền thống “nội Công ngoại Quốc”. Tam quan chùa có ba tầng mái, ở giữa là lầu chuông. Một nét rất mới là ở đây tên chùa cũng như nhiều câu đối đều được viết bằng chữ quốc ngữ. Tác giả các câu đối là cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (1902—1954).

Chính điện chùa Quán Sứ. Ảnh ©2014 NCCong

Đi qua cổng tam quan rồi qua sân trước, du khách bước tiếp lên 11 bậc thềm mới tới chính điện. Toà Tam bảo xây cao đặt ở trên tầng hai, tầng dưới là để cách ẩm. Điện Phật được bài trí trang nghiêm, các pho tượng đều có kích thước khá lớn và thếp vàng lộng lẫy. Phía trong cùng, thờ tượng ba vị Phật Tam Thế trên bậc cao nhất.

Bậc kế tiếp thờ tượng Phật A-di-đà ở giữa, hai bên có các tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Bậc dưới đó, ở giữa thờ tượng Phật Thích-ca, hai bên là các tượng tôn giả A-nan-đà và Ca-diếp. Bậc thấp nhất, ở ngoài cùng có tòa Cửu Long đặt giữa các tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Địa Tạng Vương.

Gian bên phải chính điện thờ Lý Quốc Sư (tức Thiền sư Minh Không) với hai thị giả, gian bên trái thờ tượng Đức Ông. Bốn mặt xung quanh chùa Quán Sứ là những hàng hiên thoáng mát có các cột vuông chống đỡ. Hai dãy hành lang dài cách Tam bảo một khoảng sân đủ hút gió. Hương hoa đại thoang thoảng khắp nơi.

Sân đêm chùa Quán Sứ. Ảnh ©2014 NCCong

Chùa Quán Sứ mới đây lại được trùng tu và nâng cấp, chủ yếu ở khu vực giữa và phía sau. Các tòa nhà chính và nhà phụ đều xây cao và rộng rãi, tường vẫn được quét vôi vàng như trước kia. Toà hậu đường gồm có 3 tầng, tầng giữa nối với chính điện qua một cầu thang lộ thiên.

Chùa Quán Sứ có cả hội trường, giảng đường và thư viện Phật giáo. Chùa đủ chỗ để đặt văn phòng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và văn phòng tổ chức Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ở Việt Nam). Chùa cũng là nơi đặt văn phòng Hội đồng trị sự, văn phòng Hội đồng chứng minh và phòng khách quốc tế.

Di tích lân cận

124 Quan Su pagoda ©NCCông 2011-2014