165 Quang Ba pagoda

Chùa Quảng Bá (Hoằng Ân Tự)

q.Tây Hồnhà Lýhồ đầm

Chùa Quảng Bá có từ thế kỷ XI. Tên chữ: Hoằng Ân Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí: ngõ 12 Đặng Thai Mai, 3R6C+VR, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 6,6km (hướng 11h). Trạm bus lân cận: Đầu cuối 41 Nghi Tàm.

Lược sử

Hoằng Ân Tự là một trong số rất ít những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội, có từ thời Lý. Theo sách Tây Hồ chí, chùa ban đầu chỉ là một am nhỏ thờ Phật do thiền sư Ngô Ân (1019—1088) lập ra, sau dựng thành Báo Ân Tự. Niên hiệu Thông Thuỵ (1034—1039) đời vua Lý Thái Tông, đạo sĩ Trần Tuệ Long đắc đạo, môn đồ thu xá lợi tại đây. Từ đó Báo Ân Tự được nhiều vị cao tăng đến tu tập, tham thiền và dần dần trở thành một danh lam của Kinh thành Thăng Long.

Mùa xuân năm Hưng Long thứ 16 (1309) đời vua Trần Anh Tông, thiền sư Huyền Quang (sau là tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm) từ núi Yên Tử xuống Thăng Long dự lễ triệu hạ xong có đến chùa giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm. Chùa cũng có thời tôn thờ Đạo giáo và thường tổ chức lễ cầu đảo trong niên hiệu Hồng Đức (1470—1497) đời vua Lê Thánh Tông.

Chùa Quảng Bá. Photo ©NCCong 2021

Mùa hạ năm Giáp Thân (1644) đời vua Lê Chân Tông, danh tăng Chuyết Chuyết giảng kinh Niết bàn tại chùa Báo Ân, tó ý sắp nhập diệt. Từ Đĩnh đại sư, một hòa thượng khác đã trụ trì và được thờ ở chùa này, vốn đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn (1676) song không ra làm quan mà đi tu. Từ cuối thế kỷ XVII chùa đã trở thành một tổ đình của thiền phái Tào Động, giống như các chùa Hoè Nhai, Hàm Long, Cầu Đông và Trấn Quốc.

Theo văn bia ghi lại, vào năm Vĩnh Tộ thứ 10 đời Lê Thần Tông (1628) chùa được trùng tu lớn và mở rộng bởi vợ chúa Trịnh Tráng (1623—1657) là Nguyễn Thị Ngọc Tú[1], sau đó chùa đổi tên thành Long Ân Tự. Thời Nguyễn, nhân chuyến tuần du ra Bắc năm 1821 vua Minh Mệnh đã đến thăm chùa, lúc này đã được đổi tên thành Sùng Ân Tự. Năm Tân Sửu (1841) vua Thiệu Trị cũng đến thăm chùa và cho tu sửa lại, rồi vì kỵ huý mà đổi tên thành Hoằng Ân Tự.

Tường bên chùa Quảng Bá. Photo ©NCCong 2021

Kiến trúc

Một văn bia lưu giữ tại chùa đã mô tả: “Phía trước Hồ Tây mênh mông, phía sau Tam Đảo xanh ngắt, nhà cửa san sát, làng xóm bao bọc xung quanh muôn phần tươi đẹp”. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, đến nay chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc cũ, chủ yếu mang phong cách thời Nguyễn. Khuôn viên chùa rộng rãi hiếm thấy ở Hà Nội. Những mái ngói nâu phủ rêu phong nép mình dưới các tán cây cổ thụ càng làm cho cảnh thêm u tịch.

Mặt chùa nhìn về phía tây nam. Tiền đường rộng 5 gian, bờ nóc và bờ dài chạy thẳng, chính giữa đắp hổ phù đội mặt trời. Cột kèo chủ yếu làm theo lối bào trơn đóng bên chồng rường, con nhị ngồi xà nách. Phía trước hiên là hai cột trụ trên nóc đắp hình búp sen. Hậu cung rộng 3 gian, xây liền với tiền đường theo hình chữ “đinh”. Với hai dãy hành lang kéo xuống nhà Tổ, tất cả tạo thành kiểu “nội công ngoại quốc” truyền thống.

Vườn tháp chùa Quảng Bá. Ảnh NCCong ©2021

Ngôi chính điện trước đây được xây trên gò tam cấp, nền lát gạch Bát Tràng, đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Các cánh cửa chính có chấn song con tiện đặt sát -nhau. Gian giữa có hệ thống cửa bức bàn. Chính điện được trang trí kỹ lưỡng với những mảng chạm có phong cách điển hình của xứ Huế. Năm 2002 chùa được xây tường hoa bọc quanh khuôn viên, lát đường vào và đắp kè hồ. Sau đó dựng tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bên sân trước, mở một cổng phụ và xây tam quan nội.

Di sản

Hiện nay chùa Hoằng Ân lưu giữ được 30 pho tượng có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Có những pho có giá trị nghệ thuật cao như tượng Quán Thế Âm Nam Hải, Tam Thế, A Di Đà. Tượng Di Lặc ngồi tự nhiên, nét mặt lạc quan vui vẻ... Gương mặt tượng Quán Thế Âm giống một bà mẹ hiền hậu với phong cách Việt Nam. Mỗi pho tượng Phật giáo có một dáng thiền khác nhau. Đặc biệt 3 pho tượng Át Nam Tôn Giả, Hộ Pháp Tam Châu, Giám Trai Sứ Giả ở các chùa khác đều tạc ngồi, nhưng ở chùa Hoằng Ân thì lại tạc ở tư thế đứng.

Một mộ Tổ chùa Quảng Bá. Ảnh NCCong ©2021

Trong chùa còn có nhiều hiện vật quý khác như 33 tấm bia đá khắc dựng từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX và 2 chuông đồng. Quả chuông lớn được đúc vào đời vua Lê Hiển Tông (1743), cao 1,5m, đường kính 0,8m; vai chuông khắc nổi bốn chữ Hán “Long Ân Tự Chung”. Quả chuông nhỏ được đúc vào thời Nguyễn.

Phía sau chùa mé bên tả là một khu vườn tháp mộ của các bậc cao tăng như: Trí Độ, Tam An, Mật Ứng, Bình Lượng và cựu đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Đức Nhuận, v.v.. Trong nhà Tổ có đặt tượng thờ những vị hòa thượng này.

Ngày 02-10-1991, chùa Hoằng Ân được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Phật điện chùa Quảng Bá. Ảnh NCCong ©2021

Di tích lân cận

CHÚ THÍCH
[1] Nguyễn Thị Ngọc Tú, hiệu Từ Thuận, là con gái Ðoan Quốc Công Nguyễn Hoàng. Bà từng tu ở chùa Quảng Bá, do đó mà được thờ tại đây cùng với cha và ông nội Nguyễn Kim, thuỷ tổ nhà Nguyễn.

©NCCong 2012-2021, Quang Ba pagoda