173 Set (clay) pagoda

Chùa Sét (Đại Bi Tự)

sông Sétq.Hoàng MaiLê trung hưng

Chùa Sét có từ đầu thế kỷ XVII, thờ Tứ Pháp. Tên chữ: Đại Bi Tự, Cổ Am Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: ngõ 521 Trương Định, XRMW+7H Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 5,1 km (hướng 6 h). Trạm bus lân cận: Đd THCS Tân Mai (xe 99, 106), 658 Trương Định (29, 36, 37, 94, 101)

Địa lý

Tổng Sét là một dải đất trù phú đông dân nhờ có sông Hồng, các hồ nuôi cá và con đường thiên lý từ phía nam kinh thành Thăng Long đi qua. Xã Thịnh Liệt thuộc tổng Sét, trước thế kỷ XV được gọi là Cổ Liệt, vốn có 9 giáp, duy nhất Giáp Lục mang tên Nôm của tổng là làng Sét. Đây là một vùng quê cổ nổi tiếng từ thời Trần và đã được Nguyễn Trãi nhắc đến trong sách “Dư địa chí”.

Sông Sét thông với sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Kim Ngưu, từng là một phương tiện giao thông và thuỷ lợi quan trọng đối với dân cư ở xung quanh, chủ yếu sống bằng nghề nông. Trước kia, tổng Sét thuộc huyện Thanh Đàm (tức “đầm xanh”) sau đổi là huyện Thanh Trì. Cuối thế kỷ XX, bến xe Kim Liên chuyển về Giáp Bát; dần dần đến nay tổng Sét đã hoàn toàn đô thị hoá.

Sân chùa Sét. Ảnh ©NCCong 2014

Dòng sông xanh và cả con đầm nổi tiếng qua câu ca dao Dưa La, cà Láng, tương Bần / Cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây nay cũng đã trở thành dòng kênh đen và hồ nước thải của thành phố. Dư âm một thời làng quê thanh bình dường như chỉ còn ngân nga khe khẽ trong những tiếng chuông đâu đây của đền Lừ và chùa Sét...

Lược sử

Chùa này ban đầu chỉ là một am nhỏ tại thôn Giáp Lục, xã Thịnh Liệt, sau được tôn tạo, mở rộng quy mô và trở thành một địa chỉ văn hoá đáng chú ý. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông, thành lập từ thời Lý và đã được trùng tu nhiều lần. Trong sách “Hà Nội - Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng” [1] có nói về các đợt tôn tạo của chùa dưới thời Lê trung hưng như dựng điện Phật cùng tăng phòng vào năm 1630 và xây gác chuông năm 1631.

Sách “Địa chí vùng ven Thăng Long” [2] thì cho biết vương phi Đặng Thị Ngọc Dao, vợ chúa Trịnh Tùng đã đứng ra tu sửa chùa năm 1635. Về sau, nhiều mệnh phụ gốc vùng bên cạnh là Kẻ Mơ (Hoàng Mai) như các cung tần Lê Ngọc Trân, Lê Thị Ngọc Côn, Lê Thị Minh… cũng đã bỏ tiền công đức tôn tạo chùa. Đến thời Nguyễn, chùa lại được trùng tu lớn vào các năm 1809 (đời vua Gia Long) và 1927 (Bảo Đại).

Tiền đường chùa Sét. Ảnh ©NCCong 2014

Nhà Hán học Vũ Tuấn Sán từng viết về văn bia chùa Sét dưới bút danh Tảo Trang, đăng báo “Người Hà Nội” số 125 ngày 4-11-1989. Gần đây chùa được trùng tu một phần nhưng tình trạng ngõ vào và cổng nghi môn khó có thể khôi phục như xưa. Trụ trì chùa hiện nay là ni sư Đàm Cần. Lễ giỗ Tổ được tổ chức hàng năm vào ngày 18 tháng Giêng âm lịch.

Kiến trúc

Dáng dấp của ngôi chùa Đại Bi mang phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn. Do sự hoang phế và bị lấn chiếm sau chiến tranh nên cổng cũ đã biến mất, chỉ còn trơ lại hai cột nghi môn xám xịt bị lấp bóng cây cối mọc đầy ven con lạch nước bẩn. Nhà khách và nhà Tổ nằm dọc bên trái sân trước. Tăng phòng và hậu đường nằm ngang ở bên phải và phía sau Tam bảo.

Chùa chính xây theo kiểu truyền thống hình chữ “Đinh”. Toà Tam bảo nhìn về hướng tây. Phía trước có một loạt bia đá phủ rêu phong xếp hàng trên cái sân gạch nối liền với cái ngách thông ra phố Trương Định, nhà cửa dân cư đầu ngách hầu hết còn lụp xụp. Tiền đường rộng 5 gian và thượng điện sâu 3 gian nằm trên nền cao ráo, xung quanh cây cối um tùm. Bên trái là dãy hành lang dài nối xuống nhà hậu. Bên phải có nhà thờ Tứ Ân. Phía nam chùa có khu lăng mộ bà chúa họ Lê, tương truyền là người có công xây dựng chùa Sét và cầu Sét.

Chính điện chùa Sét. Ảnh ©NCCong 2014

Di vật

Chùa Đại Bi thờ Phật và thờ Tứ Pháp. Tượng nữ thần Pháp Vân được đặt trong một khám thờ ở hậu cung. Phía trước tượng nữ thần có bày tượng Quán Thế Âm Bồ tát. Chính điện bài trí như thông lệ của chùa Bắc tông, gồm bộ tượng Tam Thế Phật, tượng Phật A Di Đà, tượng Phật Thích Ca cao 2m được đúc bằng đồng năm 1934, tượng Thích Ca sơ sinh… Nay lại đặt thêm pho tượng “Phật nằm” ở trước chính điện.

Ngoài các tượng Phật và tượng bà Ngọc Dao, chùa cũng giữ được nhiều cổ vật khác như 4 tấm bia đá (dựng năm 1635, 1690, 1691), một quả chuông lớn và các đạo sắc phong của nhiều vị vua triều Nguyễn… Đặc biệt có tấm bia hộp dựng năm Chính Hòa thứ 11 (1690), khắc chữ cả bốn mặt, cao 1,6m, nặng khoảng 2 tấn, vuông 4 cạnh, mỗi cạnh rộng 0,6m.

Bia hộp do bom Mỹ ném trong chiến tranh mà bị hất sang sân một nhà dân cạnh chùa. Phần chính của văn bia do đương chức Giám sát ngự sử đạo Sơn Nam là Đỗ Công Toản soạn [3]. Nội dung ghi công của Vương phủ thị nội cung tần Lê Thị Ngọc Côn đã cúng 3 mẫu ruộng vào chùa để thờ cúng cha là Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân Đông quân đô đốc Thiêm sự Bái quận công Lê Trung Hoà và mẹ là Trịnh Thị Ngọc Dạng. Phần dưới đoạn văn trên do người đời sau khắc thêm vào, kể việc bà Côn giúp dân bản xã Thịnh Liệt 200 quan tiền cổ làm chi phí đắp đê điều nên dân làng ghi công và quy định sau khi bà mất, mỗi giáp phải sửa xôi gà, trầu cau thờ cúng mãi mãi.

Một tấm bia chùa Sét. Ảnh ©NCCong 2014

Năm 1990, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp hạng chùa Đại Bi là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCông 2014-2019, Set (clay) pagoda
[1] Doãn Doan Trinh chủ biên, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Sở Văn hóa—Thông tin Hà Nội xb năm 2000.
[2] Đỗ Thỉnh, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2000.
[3] Đỗ Công Toản quê xã Thượng Yên Quyết, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây, đỗ đồng tiến sĩ xuất thân khoa Quí Hợi (1683).