208 Thai Cam pagoda

Chùa Thái Cam

thời Lê trung hưngquận Hoàn Kiếm

Chùa Thái Cam được xây năm 1822 trên đất thôn Tân Khai lúc đó mới thành lập. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: ngã tư phố Hàng Gà - Hàng Vải, 2RPW+FQ, Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam. Cách BĐX Bờ Hồ: 1,9 km (hướng 11 h). Trạm bus lân cận: 50 Hàng Cót (xe 01), 22c Hàng Lược (31), 115 Phùng Hưng (01, 18, 23, 36ct)

Lược sử

Năm Giáp Tý niên hiệu Gia Long 3 (1803), vua cho phá hoàng thành nhà Lê và xây một toà thành nhỏ hơn nằm trong vòng thành cũ. Từ đó một phần đất ở phía đông hoàng thành cũ bị gạt ra ngoài, có lúc từng là nơi đóng trại của quân đội rồi dần dần trở nên hoang phế. Đến năm Nhâm Ngọ niên hiệu Minh Mệnh thứ 3 (1822), thôn Tân Khai được thành lập tại đây và đền, đình, chùa làng cũng ra đời.

Thôn Tân Khai thuộc tổng Tiền Túc, sau đổi là tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương cũ. Trên cổng chính của chùa có đắp nổi 4 chữ “Tân Khai linh tự”, song tên thường gọi là chùa Thái Cam vì tương truyền ở đây “… có một cái giếng cổ nước rất thơm ngọt, gọi là giếng Thái Cam”.

Cổng đình Tân Khai và chùa Thái Cam. Ảnh ©NCCong 2022

Văn bia “Thái Cam tự bi” niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845) cho biết chùa Thái Cam nằm bên tả đền và đình Tân Khai, hướng quay về phía đồng ruộng và gần con đường lớn…. Chùa Thái Cam ngoài thờ Phật, thờ Mẫu, còn thờ vọng danh tướng Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc kiệt xuất ở thế kỷ -XIII, đã có công hai lần đánh bại quân Nguyên—Mông xâm lược nước ta.

Trong quá trình tồn tại, chùa Thái Cam đã nhiều lần bị phá huỷ do hoả hoạn vào các năm 1828, 1837. Đặc biệt, trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa đã bị hư hỏng nặng, chỉ duy có toà nhà Mẫu còn giữ nguyên được quy mô kiến trúc từ năm Bảo Đại thứ 8 (1933).

Năm 1990 chùa Thái Cam (cùng đình Tân Khai) đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Chùa Thái Cam nhìn từ phố Hàng Gà. Ảnh ©2015 NCCong

Kiến trúc

Dáng vẻ hiện nay của chùa được định hình sau lần đại trùng tu vào năm 1954. Chùa quay mặt về hướng nam, trước chùa, bên trái và phía sau đều có sân gạch và tường bao quanh. Vào chùa có thể đi hai lối khác nhau. Cổng chính ở số nhà 44 bên phố Hàng Vải, chung lối đi với đình và đền Tân Khai. Còn cổng phụ ở 16c phố Hàng Gà, dẫn vào khu nhà Mẫu, nhà Tổ.

Tiền đường 5 gian, xây kiểu 2 tầng 4 mái chồng diêm, mái lợp ngói ta, đỉnh bờ nóc đắp hình mặt trời lửa và 4 chữ Hán “Thái Cam thiền tự”. Bộ khung bằng bê tông làm giả kiểu vì truyền thống, phía trước tiền đường treo bức y môn chạm thủng kiểu chân quỳ dạ cá với các hình “tứ linh” được sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Gian giữa đặt một hương án, hai bên xây bệ cao đặt các bộ tượng Đức Ông và Thánh Hiền. Cạnh mỗi lối vào hậu cung có một tượng Hộ pháp đứng gác.

Tiền đường chùa Thái Cam. Ảnh ©2015 NCCong

Thượng điện gồm 3 gian dọc, nối vào gian giữa tòa tiền đường thành hình chữ “Đinh”. Các vì bằng bê tông cũng được làm mô phỏng cách thức vì cổ truyền. Từ ngoài vào, xây các bệ gạch cao dần làm nơi đặt tượng Phật. Trên cùng là 3 pho Tam Thế, rồi đến A Di đà toạ thiền, tiếp theo là tượng Di Lặc, Tuyết Sơn, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu và toà Cửu Long với tượng Thích Ca sơ sinh. Hai bệ hai bên tường là Thập điện Diêm Vương.

Nhà Mẫu và nhà Tổ vẫn giữ được kiến trúc cũ theo kiểu “trùng thềm điệp ốc” với các bộ vì kèo bằng gỗ và kết cấu cổ truyền.

Di vật

Trong chùa Thái Cam vẫn bảo lưu được một số lượng -cổ vật đa dạng, phong phú về thể loại và chất liệu, như hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông, bia đá, chuông đồng, hoành phi, câu đối. Các pho tượng tròn của chùa được tạo tác khéo léo, đạt tính chuẩn mực và thẩm mỹ cao…

Phật điện chùa Thái Cam. Ảnh ©NCCong 2022

Đặc biệt trong chùa còn giữ được 13 tấm bia đá, một nguồn tư liệu Hán Nôm quý giá giúp các nhà nghiên cứu không chỉ tìm hiểu về lịch sử ngôi chùa mà còn minh chứng cho vị trí của toà thành Thăng Long thời Lê và về hiện tượng nông thôn hoá đô thị Hà Nội hồi đầu thời Nguyễn.

Di tích lân cận

208 Thai Cam pagoda ©NCCong 2014-2022