181 Thanh Chua pagoda

Chùa Thánh Chúa

sông Nhuệthời Lýquận Cầu Giấy

Chùa Thánh Chúa có từ thế kỷ XI. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1989). Vị trí: 2QQM+HH, số 136 Xuân Thuỷ, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 8km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: ĐHQGHN - Xuân Thủy (xe 20, 26, 27, 32, 34, 49), Đd Bv đa khoa y học cổ truyền - Phạm Hùng (05, 16, 29, 34, 46, 60, 73), ĐH Sư phạm Ngoại ngữ - Phạm Văn Đồng (13, 46, 60)

Lược sử

Thánh Chúa Tự 聖 主 寺 vốn có từ đầu thời Lý (thế kỷ XI). Đến thế kỷ XV, chính sử nhà Hậu Lê là Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận việc này như sau: “Bấy giờ vua (Lý Thánh Tông) xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai Chi hậu nội nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh hoàng tử Càn Đức tức (Lý) Nhân Tông.”

Tục truyền, sư Đại Điên trụ trì chùa Thánh Chúa hồi đó có pháp thuật. Nhà sư dạy cho quan hoạn Nguyễn Bông cách đầu thai để kiếp sau làm vua. Bông nghe theo, lén đến chỗ vương phi Ỷ Lan tắm, bị phát giác và đem chém ở trước cửa chùa. Người sau gọi chỗ ấy là (cánh) đồng Bông, thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm. Đại Điên bị Từ Đạo Hạnh dùng pháp thuật giết chết, chặt xác làm 3 khúc vất xuống sông Tô Lịch trôi đi, mỗi khúc được một làng phía dưới vớt lên chôn cất và thờ phụng. Còn Từ Đạo Hạnh thì đầu thai thành vua Lý Thần Tông.

Tượng Ỷ Lan và bia hậu chùa Thánh Chúa. Ảnh ©2014 NCCong

Sau này Ỷ Lan trở thành Thái hậu, nghe nói bà hối hận và cử nội thị về quê mình ở làng Sủi (Thổ Lỗi, Gia Lâm) để gián tiếp minh oan cho Nguyễn Bông. Hiện nay cánh đồng và khu vực xã Dịch Vọng cũ đã hoàn toàn bị đô thị hoá. UBND TP Hà Nội có đặt tên Đồng Bông cho một con phố nhỏ chạy song song với phố Trần Thái Tông. Còn chùa thì toạ lạc trong khuôn viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sử cũ còn cho biết, ngày 3 tháng 10 Kỷ Mão (1459), thái tử bị truất là Lê Nghi Dân cùng các thủ hạ đang đêm trèo vào cung cấm giết Lê Nhân Tông rồi tiếm ngôi vua, đặt niên hiệu Thiên Hưng. Bà phi Ngô Thị Ngọc Dao và con là hoàng tử Lê Tư Thành giả gái trốn về chùa Thánh Chúa lánh nạn. Năm sau, các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt dẫn bá quan phế truất Nghi Dân, rước Tư Thành 17 tuổi vào triều và tôn lên làm vua Lê Thánh Tông ngày mùng 8 tháng 6 Canh Thìn (1460).

Tam quan chùa Thánh Chúa. Ảnh ©2013 NCCong

Ngày 21-1-1989, chùa Thánh Chúa được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Sinh thời, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông đã cho trùng tu tôn tạo chùa. Trong dân gian có câu ca dao: Nghìn năm nay có mấy chùa / Như chùa Thánh Chúa, hai vua tôn thờ. Riêng trong vòng trăm năm gần đây đã có các đợt tu bổ lớn vào năm 1934, sửa chữa tam quan năm 1992, xây mới điện thờ thái hậu Ỷ Lan năm 2009 và trùng tu tòa tam bảo năm 2014. Hình dáng chùa hiện nay chủ yếu mang phong cách nghệ thuật kiến trúc của thời Nguyễn.

Chùa Thánh Chúa nằm giữa trường Đại học Sư phạm Hà Nội, có tường bao và nghi môn ngăn cách. Sau cổng là một tam quan hoành tráng xây theo kiểu ngũ môn. Gác trên có các cửa tò vò, bên trong treo chuông, khánh. Bước qua tam quan du khách lọt vào một sân gạch thoáng đãng với nhà bia và hai cây muỗm cổ thụ rất cao, xung quanh có vườn rộng và cửa ngách thông với chùa sau.

Khánh và bia chùa Thánh Chúa. Ảnh ©2014 NCCong

Tam bảo nhìn về phía tây nam, kết cấu theo hình “chữ Đinh”. Tiền đường rộng 5 gian 2 dĩ, đầu hồi bít đốc, bộ vì nóc kiểu “chồng rường giá chiêng”. Thượng điện sâu 5 gian. Phía sau là hành lang và nhà Tổ, nhà Tăng; bên ngoài có vườn tháp mộ và một hồ vuông nhỏ. Bên tả tiền đường còn có một điện thờ thái hậu Ỷ Lan gồm 3 gian mới xây gần đây.

Di vật

Trong chùa có bản ngọc phả ghi các truyền thuyết lịch sử liên quan. Hệ thống tượng tròn vẫn giữ được đầy đủ với 77 pho tượng gỗ và tượng đất nung. Nhiều pho tượng mang đậm phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVII. Tại gian giữa của điện thờ Ỷ Lan còn có tượng bà thái hậu và hai nữ thị nội.

Nơi đây đã từng phát lộ nhiều viên gạch vồ lớn giống như loại dùng ở Văn Miếu—Quốc Tử Giám. Trên gác tam quan có quả chuông đồng đúc năm Mậu Tý niên hiệu Minh Mạng thứ 9 (1828) và chiếc khánh đồng kiểu cánh dơi, nặng 125kg, mang niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845).

Chuông và tượng Hộ pháp chùa Thánh Chúa. Ảnh ©2013 NCCong

Hai bên gác chuông có đắp đôi câu đối chữ Hán:
Dịch dịch luân đề thiên lý lộ / Dương dương chung khánh nhất tầng lâu
(Vất vả xe lăn ngàn dặm lối / Nhợt nhòa chuông khánh một tầng lầu)
Tại tiền đường có treo đôi câu đối cũng chữ Hán:
Lý triều ngự giá quang lâm tích niên bút lục
Bắc quốc tượng công kiến trúc kim nhật trùng tu

(Xe vua Lý đến chơi, xưa còn ghi tích
Thợ phương Bắc sang xây, nay được trùng tu)

Di tích lân cận

©NCCông 2013-2015, Thanh Chua pagoda