157 Master’s pagoda
Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự)
Từ Đạo Hạnhh.Quốc Oaisông ĐáyChùa Thầy có từ thế kỷ XI. Tên chữ: Thiên Phúc Tự 天 福 寺. Xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt (2014). Vị trí: 2JFW+45 xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 20km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: Chùa Thầy (xe 73), đại lộ Thăng Long (71, 87, 88, 89, 107).
Lược sử
Xưa kia núi Sài Sơn tên là Phật Tích, trên lưng chừng núi có am Hiển Thụy, còn gọi am Hương Hải. Từ Đạo Hạnh (1072—1116), một vị thiền sư thế hệ thứ 12 thuộc tông phái Tì-ni-đa-lưu-chi đã đến đây tu hành trong những năm cuối đời cho đến ngày thoát xác trong hang Thánh Hoá. Tương truyền hậu thân của ngài là vua Lý Thần Tông 李 神 宗 (1116—1138), vì thế trong chùa có thờ tượng của cả hai người.
Theo sử sách thì đương thời vua Lý Nhân Tông 李 仁 宗 (1066—1127) đã cho dựng lại am Hương Hải thành ngôi chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) và xây thêm chùa Cả (Thiên Phúc Tự) ở gò đất ven hồ dưới núi. Sau này dân làng gọi nôm na núi Sài Sơn là núi Thầy và chùa Thiên Phúc là chùa Thầy.
- Cây gạo cụt trổ hoa vào dịp hội chùa Thầy. Ảnh ©2014 NCCong
Đến đầu thế kỷ XVII, lại có Dĩnh Quận công cùng hoàng tộc nhà Mạc đã cho trùng tu ngôi chùa Cả, xây thêm điện Phật, điện Thánh; sau đó làm nhà hậu, nhà bia, gác chuông. Tới thời Nguyễn và gần đây, hệ thống các chùa trong cụm di tích chùa Thầy đều tiếp tục được sửa chữa và mở rộng.
Sài Sơn từ lâu đã trở thành một danh thắng hữu tình bậc nhất cho những ai mến cảnh chùa yên tĩnh hoặc ưa mạo hiểm trèo lên đỉnh núi và mò mẫm trong các hang tối. Nơi đây vẫn còn những bài thơ tức cảnh xưa kia của các danh nhân như tiến sĩ Nguyễn Trực (1416—1473) và hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền (1868—1925) được khắc trên vách chùa Cao.
- Cầu Nhật Tiên nối đảo với chùa Thầy. Ảnh ©2014 NCCong
Trong một bài ký ghi trên vách núi, chúa Trịnh Căn (1633—1709) đã vẽ cảnh chùa Thầy như sau:
“Như viên ngọc nổi giữa miền sỏi đá,
Rạng vẻ xuân tươi khắp cả bốn mùa.
Động trên hệt như cõi thanh hư,
Bên vách còn in mây ráng.
Ao Rồng thông sang bến siêu độ,
Cầu tiên Nhật Nguyệt đôi vầng.
Hình tựa bình phong,
Sông như dải lụa”.
Kiến trúc
Theo phong thủy, chùa Cả toạ lạc trên một thế đất hình rồng, phía trước có ngọn Long Đẩu, lưng chùa và mé bên phải là sườn núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng nam nhìn ra hồ Long Chiểu, còn gọi là Long Trì. Giữa hồ là thuỷ đình hình vuông, móng đá ong, nền lát gạch Bát Tràng, mái lợp ngói ri, có từ thời Mạc, tu sửa vào thời Nguyễn, xưa kia để trống bốn mặt, sau này mới xây ba mặt tường để làm nơi biểu diễn rối nước (Từ Đạo Hạnh cũng được cho là ông tổ của nghệ thuật rối nước).
- Dãy tượng La Hán ở hành lang bên hữu chùa Thầy. Ảnh ©2014 NCCong
Nhật Tiên kiều và Nguyệt Tiên kiều được ví như cặp “râu rồng”. Hai cầu này có mái che, do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528—1613) tiến cúng năm 1602. Móng cầu xây bằng đá ong với 3 vòm cuốn. Sàn cầu lát gạch Bát Tràng. Kết cấu gỗ kiểu “kèo cầu bốn hàng chân”, khoảng cách giữa hai cột cái 2,7m, bằng chiều rộng của lòng cầu. Cầu Nguyệt Tiên dẫn vào đường lên núi. Cầu Nhật Tiên bắc sang hòn đảo nhỏ phía đông, nơi có đền thờ Tam phủ gồm 3 gian, tường đá ong.
Các công trình thờ Phật ở ven hồ (tức chùa Cả) bao gồm ba tòa nhà xếp song song được xây trên một gò đất. Theo thứ tự cấp nền nâng cao dần, dân làng lại chia thành ba chùa: Hạ, Trung, Thượng. Giữa chùa Hạ và chùa Trung có ống muống thông nhau thành hình chữ “Công”; chùa Trung thờ Phật, chùa Thượng thờ Từ Đạo Hạnh, cách nhau bởi một giếng trời hẹp để lấy ánh sáng. Cả ba tòa nhà như thế tạo thành kiểu “hạ Công, thượng Nhất, tiền Phật, hậu Thánh”.
- Ban thờ Phật ở chùa Trung. Ảnh ©2014 NCCong
Lưng của hai hành lang chạy dọc làm thành dãy tường bên hông chùa. Mỗi hành lang dài 30m, rộng 2,8m; chia thành 13 gian bày tượng các vị La Hán. Đầu hồi phía sau của hai hành lang nối liền với gác chuông và lầu trống. Bên ngoài gác chuông, cạnh cổng vào chùa Thượng có đề 3 chữ Hán “Thiên Phúc Tự”. Như vậy khu chùa Cả được làm theo kiểu “nội Công, ngoại Quốc”.
Chùa Hạ cao hơn sân trước ba bậc, thực chất là toà tiền đường gồm ba gian, hai chái, dài 20m, rộng 5m, cao 5,2m, được đỡ bởi 8 cột cái và 16 cột quân. Hai đầu kìm trên mái gắn đôi lân trong tư thế xô vào nhau, mình đắp mảnh sứ. Trong chùa Hạ có các ban thờ tượng Đức Ông, Thánh Hiền và một bức bình phong mô tả cảnh địa ngục. Dọc ống muống thông lên chùa Trung đặt 8 bức tượng là bản sao nguyên mẫu Bát bộ Kim Cương của chùa Tây Phương.
Chùa Trung ở trên bái đường ba bậc, gồm ba gian hai chái, dài 20m, rộng 9,5m, cao 5,5m, cũng dùng 8 cột cái và 16 cột quân. Hoành trên rải theo lối “thượng tứ, hạ tứ”, nâng độ cao của mái lên rất nhiều. Bộ mái có niên đại thời Nguyễn, còn bộ khung có từ thế kỷ XVII. Lớp trên điện Phật đặt tượng Tam Thế. 5 lớp dưới gồm: Tuyết Sơn, Di Lặc (TK XVII), Quan Âm nghìn mắt nghìn tay (TK XVIII), A Di Đà, Cửu Long (TK XIV).
- Một khám thờ ở chùa Trung. Ảnh ©2014 NCCong
Hai bên điện Phật là 2 dãy tượng Thập Điện Diêm Vương quay mặt vào nhau, nay chỉ còn 6 pho. Cùng dãy có thêm tượng Nam Tào, Bắc Đẩu. Lại có tượng Thánh Hiền, Diệu Nhiên, Đại Sỹ, Đức Ông, cặp Hộ pháp, đôi ngựa và Tứ Trấn (4 pho). Đặc biệt có tượng Khuyến Thiện cưỡi sư tử được đắp từ thế kỷ XIV. Tượng Hộ pháp đồ sộ, ngồi mà vẫn cao gần 4m, làm vào thế kỷ XVII bằng vật liệu truyền thống rất bền, bao gồm đất sét, giấy bản giã nhỏ trộn mật, trứng,... mặt ngoài vẽ sơn chống ẩm.
Chùa Thượng được xem như toà hậu đường cổ nhất nước ta, gồm ba gian hai chái, dài 14,7m, rộng 11,7m, cao 6m, sau lưng có hiên và bậc xuống sân sau để sang nhà tăng. Mặt sau của vì kèo ba gian giữa, kẻ được làm chệch ra phía ngoài cột 0,8m tạo thành bẩy giả, làm mở rộng lối đi từ chùa Trung lên. Khoảng cách giữa cột cái rộng bất thường: 6m, giữa cột cái và cột quân: 2,9m. Trong số 4 cột cái có hai chiếc đã 800 năm tuổi, là di sản từ thời Trần. Một chiếc bằng gỗ chò chỉ và một chiếc bằng gỗ pơ-mu (Ngọc Am), dân gian tin rằng áp tay vào cột mà khấn sẽ được lộc thánh.
- Điện Thánh và gác trống chùa Thầy. Ảnh ©2014 NCCong
Di sản
Từ Đạo Hạnh để lại nhiều câu chuyện kỳ lạ khác mà từ đó sinh ra một lễ hội lớn của làng Láng và làng Thầy tổ chức cùng dịp từ ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm. Ngoài nghi thức tôn giáo, trên hồ Long Chiểu còn diễn trò rối nước mang đậm sắc thái dân gian và độc đáo.
Chùa Thượng chủ yếu thờ các tượng thánh tăng Từ Đạo Hạnh trải qua ba kiếp. Lại có tượng ông Từ Vinh, bà Tăng Thị Loan (cha mẹ của Ngài) và tượng Minh Không, Giác Hải (hai bạn đồng đạo). Gian điện Thánh đề 4 chữ Hán “Đại hùng Bảo điện”, nơi đây có Bộ Di đà Tam tôn tạo tác vào đời Mạc, cũng do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan tiến cúng. Đến năm 2015 bộ tượng được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
- Chùa Cao ven đường lên đỉnh Sài Sơn. Ảnh ©2014 NCCong
Dưới Tam tôn, chính giữa là tượng “Từ Đạo Hạnh vi Phật”, đội mũ và khoác cà sa vàng, toạ đài sen. Tượng được tạc vào thế kỷ XIX, khuôn mặt khắc khổ nổi rõ mạch máu. Một con sư tử đá cuộn tròn trên bục bát giác đỡ lấy đài sen làm từ thời Lý. Bộ tượng đặt trên một bệ đá hai tầng hình hộp, được chạm những cánh sen, bốn mặt tạc rồng và hoa lá, bốn góc có hình chim thần Garuda, tạo tác vào thời Trần.
Bên phải điện Thánh là tượng “Từ Đạo Hạnh vi Vương”. Tương truyền Thầy hóa để đầu thai làm con trai của Sùng Hiền Hầu và sau này trở thành vua Lý Thần Tông. Tượng đội mũ bình thiên, khoác long bào, ngồi trên ngai vàng. Bên trái điện là tượng Thầy ở kiếp Thánh, ngồi trong một khám gỗ chạm trổ cầu kì.
Trong chùa còn giữ được 36 pho tượng cổ, niên đại từ thời Lý đến thời Nguyễn. Riêng tượng “Từ Đạo Hạnh vi Thánh” bằng gỗ bạch đàn cốt tre, có thể cử động. Tương truyền xưa kia mỗi khi mở khám thì tượng tự động nhỏm dậy chào. Thời Nguyễn có vị quan to (Cao Xuân Dục?) từng đến đây và nói rằng “Thánh thì không phải chào ai cả”, sau đó hệ khớp điều khiển sử dụng kỹ thuật làm rối nước bị tháo bỏ.
- Tượng Hộ pháp ở chùa Trung. Ảnh ©2014 NCCong
Xưa kia chùa Thầy có quả chuông đồng lớn dược đúc vào năm Long Phù Nguyên Hoà thứ 9 (1109), về sau đã bị mất. Chuông hiện nay treo trong chùa được đúc vào năm Giáp Thân 1794. Lại có 7 tấm bia đá, chạm khắc vào các năm 1653, 1666, 1673, 1683, 1672, 1717. Ngoài ra, chùa lưu giữ được 26 đạo sắc phong từ thế kỷ XVII đến XX và một long ngai thời Trần, được xem như cổ nhất Việt Nam.
Di tích lân cận
- Chùa Tây Phương: thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất.
- Đình Canh Nậu: xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất.
- Đình Hạ Hiệp: xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ.
- Đình Hữu Bằng: xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất.
- Đình Quán Giá: thôn Yên Sở, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức.
- Núi Sài Sơn: xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai.
157 Master’s pagoda ©NCCông 2014-2019