175 Tram Gian pagoda

Chùa Trăm Gian (Quảng Nghiêm Tự)

Thánh Bốihuyện Chương Mỹsông Đáy

Chùa Trăm Gian có từ cuối thế kỷ XII. Tên chữ: Quảng Nghiêm Tự 廣 嚴 寺. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1962). Vị trí: XM2H+5W, thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, H. Chương Mỹ, TP Hà Nội. Cách Hồ Gươm: 24km về phía tây–nam. Trạm bus lân cận: Qua lối rẽ chùa Trăm gian trên quốc lộ QL6 (xe 57, 72), Đd trường THCS Cộng Hòa trên đường DT70a (77)

Lược sử

Tương truyền Quảng Nghiêm Tự được lập vào năm 1185 dưới đời vua Lý Cao Tông, niên hiệu Trinh Phù thứ 10. Thời Trần, hòa thượng Nguyễn Bình An pháp danh Đức Minh quê ở Bối Khê là người có nhiều phép lạ đã đến đây tu hành. Sau khi ông mất, dân làng Tiên Lữ xây tháp giữ gìn xá lợi, tôn là “Đại thánh Khai sơn Bình đẳng Hành nghĩa tín Bồ tát” và phối thờ trong chùa, gọi tắt Đức Thánh Bối.

Cổng vào chùa Trăm Gian. Ảnh ©2014 NCCong

Chùa xây trên một quả đồi cao khoảng 50m, tên là núi Mã. Dân gọi chùa Trăm Gian [1] từ khi nào không rõ, thực tế hiện nay có 104 gian nếu tính cứ 4 góc cột là 1 gian. Trải qua hơn 8 thế kỷ, chùa đã vài lần tu sửa và mở rộng. Năm Đinh Sửu (1577) các tòa tiền đường và thiêu hương được tôn tạo. Theo “Quảng Nghiêm Tự bi ký” khắc năm Hoằng Định thứ 4 (1603) thì chùa này đẹp nhất phủ Quốc Oai thời đó.

Năm 1794, Đô đốc Đặng Tiến Đông [2] cho trùng tu chùa và đúc chuông. Có hai tấm bia liên quan, một tấm ghi chuyện “Đức Thánh Bối”. Tấm kia ghi chuyện “Đặng tướng công”, hình vuông bốn mặt, đặt ở gian bên phải tiền đường. Đây là một bản sao khắc vào năm 1927, chép lại từ văn bia soạn năm 1794 bởi Thuỵ Nhâm hầu Phan Huy Ích và do Ngô Thì Nhậm nhuận sắc. Cả ba vị trên đều làm đại thần triều Tây Sơn.

Đường lên chùa Trăm Gian. Ảnh ©2014 NCCong

Trong chùa còn lưu giữ nhiều cổ vật khác, đặc biệt là những pho tượng quý. Pho tượng Đức Thánh Bối được đặt trong một khám gỗ ở gian bên phải, làm bằng mây đan, ngoài bọc vải sơn. Với giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc đặc sắc, năm 1962 Quảng Nghiêm Tự đã được Bộ Văn hoá xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Hằng năm từ ngày mùng 4 đến mùng 6 Tết, nhân dân xã Tiên Phương lại mở hội chùa Trăm Gian với các hoạt động phong phú, trong đó có nhiều trò chơi dân gian như thổi cỗ chùa, thi oản chuối, múa rối nước, đánh cờ người, cờ tướng, hát quan họ… thu hút hàng nghìn khách thập phương đến lễ Phật, lễ Thánh và du xuân.

Nhà Giá Ngự, phía sau là phương đình chùa Trăm Gian. Ảnh ©2014 NCCong

Kiến trúc

Chùa Trăm Gian là một quần thể kiến trúc rộng lớn, tính từ cổng ngõ ven đường tỉnh lộ lên tận đỉnh đồi có thể chia thành 3 khu vực chính. Đầu tiên du khách đi qua 4 cột trụ nghi môn vào một sân gạch có đôi voi đá đứng chầu, hai bên là 2 ngôi quán mái cong cong. Đi thẳng theo con đường rộng rãi hơi dốc sẽ đến bậc thềm lên nhà Giá Ngự, nơi đặt kiệu rước Đức Thánh Bối và ngồi xem múa rối nước trên một hồ sen hình bán nguyệt ở dưới chân đồi. Đó là khu vực thứ nhất.

Nếu rẽ phải ở chỗ có đôi rồng đá và leo hơn trăm bậc gạch lên đồi du khách sẽ tới khu vực thứ hai, bao gồm nhà bia và gác chuông.

Nhà bia chùa Trăm Gian. Ảnh ©2014 NCCong

Gác chuông là một toà phương đình 2 tầng 8 mái dưới bóng thông già. Gác được dựng vào năm Quý Dậu niên hiệu Chính Hòa (1693), đời vua Lê Hy Tông. Trên gác có lan can quây 4 mặt, các ván gỗ đều có chạm hình rồng xen lẫn mây lửa và hoa văn. Tại đây treo một quả chuông cao 1,1m, đường kính 0,6m, đúc năm Cảnh Thịnh thứ hai (1794), khắc bài minh của tiến sĩ Trần Bá Lãm.

Rời phương đình rồi leo hết 25 bậc đá thềm rồng thì đến sân bái đường, nơi có một sập đá hình chữ nhật dùng để sắp đồ lễ. Du khách bắt đầu đi vào khu vực thứ ba mà trung tâm kiến trúc là ngôi chùa chính quay mặt về hướng đông–nam và được xây theo kiểu “nội Công ngoại Quốc” truyền thống.

Thiêu hương, thượng điện chùa Trăm Gian. Ảnh ©2014 NCCong

Từ sân này du khách có thể ngước nhìn rõ mái toà Tam bảo trên cao. Hai bên sập đá lại có thềm rồng nữa và hai tấm bia rất cổ trên lưng rùa đá, các dòng chữ bị mòn hầu như không còn đọc được. Leo tiếp 9 bậc đá ta sẽ tới hiên tiền đường 7 gian, bên trong là tòa thiêu hương và thượng điện, đều 3 gian. Các di vật quý giá chủ yếu của chùa Trăm Gian được đặt ở đây.

Tiền đường nối với hậu đường bằng hai dãy hành lang dài, mặt bằng tạo thành một hình chữ nhật khép kín, ở giữa là lầu trống. Hậu đường có cùng chiều dài như tiền đường nhưng chia thành 9 gian hơi hẹp hơn. Dọc theo hai dãy hành lang là những bức phù điêu với hình 18 vị La hán được chạm khắc tinh xảo trên gỗ.

Vườn tháp và tiền đường chùa Trăm Gian. Ảnh ©2014 NCCong

Mé bên trái sau hậu đường là khu sinh hoạt của tăng ni và một nhà thờ Mẫu được xây muộn hơn. Xung quanh chùa là khuôn viên xanh ngát, trong đó có gần 30 cây thông đã vượt xa tuổi bách niên. Hai bên sân trước tiền đường có lối đi xuống hai vườn tháp với hàng chục ngôi mộ rêu phong thấp thoáng dưới bóng các cổ thụ ở lưng chừng quả đồi, càng làm tăng vẻ u tịch của ngôi chùa.

Di vật

Giữa khu chùa chính, bên trong lầu trống có treo một trống lớn đường kính 1m và một khánh đồng dài 1,2m, cao 0,6m, đúc vào cuối thời Lê-Trịnh, ghi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 10 (1749). Ngoài ra trong chùa còn có nhiều bia đá, hoành phi, câu đối... Riêng hai câu đối khảm trai thì tương truyền được tạo tác từ thời Hồ (1400—1406).

Bệ đất nung với những viên gạch thời Mạc ở chùa Trăm Gian. Ảnh ©2014 NCCong

Trong chùa chính hiện có 153 pho tượng, hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất nung, đặc biệt quý là các pho tượng Tuyết Sơn và Quán Thế Âm Bồ Tát. Ở giữa thượng điện có một bệ thờ hình khối hộp chữ nhật bằng đất nung đỏ, được cho là làm từ thời Trần hoặc thời Mạc. Trên bệ là đài sen, nơi đặt bộ tượng Tam thế Phật; quanh bệ trang trí nhiều hình thú vật và hoa lá, bốn góc có hình chim thần Garuda.

Một trong những bảo vật của chùa Trăm Gian là bộ phù điêu minh hoạ "Thập điện Diêm Vương". Những bức tranh này được tạc bằng gỗ mít, trải qua hàng thế kỷ đã ngả màu và nứt nẻ. Phía trên mỗi bức thường thể hiện một Phán quan ngồi giữa, hai bên có người hoặc quỷ sứ đứng hầu để xét hỏi, phía dưới là các tầng địa ngục nơi tội nhân phải nhận án phạt tương xứng như bị trói, đeo gông, chặt đầu hoặc bỏ vào vạc dầu sôi.

2 trong số 4 bức tranh cổ của chùa Trăm Gian. Ảnh ©2014 NCCong

Năm 1972 một số nhà nghiên cứu cho rằng đã phát hiện được tượng của Đô đốc Đặng Tiến Đông đặt ở bên trái phía trước ban thờ pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm bồng con. Tượng tạc một vị quan vận triều phục trong tư thế ngồi, cao 1,3m, khuôn mặt to lớn, gò má hơi cao, môi dày, râu quai nón, nét mặt trang nghiêm.

Di tích lân cận

  • Chùa Cao: làng Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ.
  • Chùa Trầm: thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ.
  • Chùa Vô Vi: thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ.
  • Đình Ninh Sơn: làng Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ.
  • Đình Phương Quan: thôn Phương Quan, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức.
  • Đình So: làng So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai.
Ban thờ Quan Âm ở chùa Trăm Gian. Ảnh ©2014 NCCong

©NCCông 2013-2021, Tram Gian pagoda
[1] "Trăm Gian" là cách gọi dân dã một số ngôi chùa lớn ở miền bắc Việt Nam như: Vĩnh Khánh Tự (Hải Dương), Cảm Ứng Tự (Bắc Ninh) và Quảng Nghiêm Tự.
[2] Đặng Tiến Đông sinh ngày 2 tháng 5 năm Mậu Ngọ (1738), cha và các chú, bác đều làm quan to trong phủ chúa Trịnh. Năm 1786 Nguyễn Huệ ra Bắc phò Lê diệt Trịnh rồi rút về nam. Năm sau Đặng Tiến Đông bỏ vào đó tìm minh chủ, được phong Đô đốc. Năm 1789, vua Quang Trung thưởng cho ông làng Lương Xá quê hương để làm thực ấp, ban chức Vệ quốc thượng tướng quân, trấn thủ hai xứ Thanh Nghệ. Ông mất không rõ khi nào, mộ táng ở Đại Yên, Chương Mỹ.