91 King’s pagoda

Chùa Vua (Hưng Khánh Tự)

quận Hai Bà Trưngthời Lê sơsông Kim Ngưu

Chùa Vua gồm cả điện Thiên Đế và có ít nhất từ thời Lê Sơ. Tên chữ: Hưng Khánh Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: số 33 phố Thịnh Yên, 2V63+37, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 3,2 km (hướng 5 h). Trạm bus lân cận: 319 phố Huế (xe 08A, 08ACT, 31, 35A, 36, 36CT, 38, 52A, 52ACT, 52B, 52BCT, 159), 342 Trần Khát Chân (18, 44, 142, E03), và 17 Thái Phiên (23).

Lược sử

Đây thực ra là cụm di tích bao gồm chùa Hưng Khánh và đền Thiên Đế, một quán thờ Đế Thích tương truyền được lập từ thời Lý. Trong các sách “Lĩnh ngoại đại đáp” của Chu Khứ Phi thời Tống và “An Nam chí lược” của Lê Tắc thời Trần có viết rằng vua nhà Lý cùng các bầy tôi thường đi lễ chùa này và đền Thiên Đế vào ngày 30 tháng Chạp. Về sau vua Lê cũng thường đến cầu ở đây nên dân gọi là chùa Vua.

Trong thần thoại Ấn Độ, Đế Thích chính là thần Sakradevanam Indra làm chủ cõi trời Đao-lợi, thống lĩnh 33 vùng trời, thuộc thượng tầng cõi Trung giới, cao hơn trời Tứ Thiên Vương và thấp hơn trời Dạ-ma. Truyền thuyết Việt Nam xem Đế Thích là vua cờ và cho đến nay trong dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện cổ tích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. [1]

Tam quan chùa Vua. Photo ©NCCong 2021

Nhiều tư liệu cũ cho biết đền Đế Thích được lập vào thời Lê sơ (thế kỷ XV). Sử tích viết “Vì thấy Đế Thích là bậc cao cờ, nên một ông hoàng thời Lê đem lòng hâm mộ, lập một đền thờ ở làng Thịnh Yên, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương”. Từ đó về sau, đền Thiên Đế là một trung tâm đấu cờ tướng thuộc hàng đầu của Kinh đô.

Tiền đường chùa Hưng Khánh. Panorama ©NCCong 2015

Đền còn được gọi là Đế Thích Quán và trở thành một trong 4 di tích nổi tiếng của đạo Lão với tên gọi “Thăng Long tứ quán”. Đây vừa là chốn thờ Phật và Vua Cờ, vừa là nơi các kỳ thủ thường đến thi tài trước những khán giả hâm mộ môn thể thao trí tuệ này.

Năm 1992, chùa Vua được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Đến ngày 1-10-2004, Bộ Văn hóa và Thông tin lại gắn cho biển Di tích lịch sử cách mạng. [2]

Cổng chùa Vua nhìn từ trong. Photo ©NCCong 2015

Kiến trúc

Chùa Vua đã trải qua trùng tu nhiều lần. Thời thuộc Pháp, xung quanh nơi đây còn là một khu đất trống vắng với nghĩa địa Tây ở phía bắc. Đến thập kỷ 1960, chính quyền di chuyển nghĩa địa để xây khu tập thể Nguyễn Công Trứ, phố xá mọc lên và chùa bị lấp mất hồ bán nguyệt. Hiện nay chùa toạ lạc ở giữa hai con ngõ Thịnh Yên và Trần Cao Vân, ngay cạnh chợ Hoà Bình tức chợ Giời.

Dáng dấp ngôi chùa chủ yếu hình thành từ lần trùng tu vào cuối thế kỷ XX, tuy một vài dấu tích cũ vẫn còn lộ rõ trên bức tường của nghi môn bên trong và các ngôi tháp mộ Tổ. Mặt chùa quay về hướng nam. Cổng ngoài xây kiểu 2 tầng 8 mái theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, hơi giống tam quan đền Quán Thánh nhưng nhỏ hơn. Tầng dưới có một bia đá, tầng trên treo chuông. Sau cổng là sân gạch lớn được vẽ thành bàn cờ.

Điện Thiên Đế. Photo ©NCCong 2015

Từ sân cờ có một lối đi lát gạch thẳng đến cổng đền Thiên Đế với đôi hạc chầu trước sân. Bên phải lối đi là dãy nhà khách, bên trái vẫn còn dấu tích của bức tường và nghi môn cũ ở trước sân chùa Hưng Khánh. Nhà thờ Tổ 3 gian hơi bị khuất bởi cây cối sau nghi môn và một ngôi miếu nhỏ ở cạnh sân này. Lưng nhà Tổ áp vào sân phụ và một phần đất bị lấn chiếm nằm giữa hai ngôi tháp mộ của các vị sư trụ trì đã mất.

Sân cờ chùa Vua. Panorama ©NCCong 2015

Toà đại bái 5 gian của điện Thiên Đế kết nối với thượng điện 5 gian thành hình “chữ Đinh” hai bên hàng hiên có tượng hai ông Hộ pháp đứng nhìn nhau. Sát đầu hồi bên hữu điện Thiên Đế là chùa Hưng Khánh cũng xây kiểu “chữ Đinh”. Trước hậu đường chung cho điện và chùa là một sân nhỏ, ba mặt sân đều có hàng hiên thông nhau. Trong khu này còn có ban thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Điện thờ Mẫu.

Di sản

Tọa lạc tại một nơi rất gần trung tâm thủ đô, khuôn viên chùa Vua được coi là địa điểm tập họp lý tưởng cho Phật tử và cả các tín đồ của môn cờ tướng cổ truyền. Hằng năm, dân làng Thịnh Yên mở hội đánh cờ người vào các ngày 6, 7, 8 và 9 tháng giêng âm lịch, thu hút hàng trăm danh thủ trong nước và quốc tế về thi đấu.

Trong Điện Thiên Đế. Photo ©NCCong 2015

Đông khách nhất tất nhiên là trận chung kết. Trong tiếng trống giục giã hai đối thủ, các chàng trai và cô gái mang y phục truyền thống đóng vai các quân cờ cùng với đám đông khán giả hò reo cổ vũ tạo nên một sân khấu đầy mầu sắc chuyển động và âm thanh náo nhiệt. Ai đoạt giải 3 năm liền sẽ được ghi tên vào bia đá đặt tại nhà bia ở sát sân cờ.

Không chỉ nổi tiếng là “kỳ miếu” đất Thăng Long, nơi đây hiện còn giữ được 14 pho tượng bằng gỗ hoàng đàn. Nổi bật nhất là tượng thần Đế Thích cao 1,6 m. Ngoài ra còn một bức Cửu long chạm trổ tinh vi, hai đỉnh đồng thời Nguyễn, một quả chuông nhỏ thời Tây Sơn (niên hiệu Cảnh Thịnh), hai quả chuông to thời Lê, hai chóe lớn cao chừng 1,6m cũng được đúc từ thời Lê.

Cổng trong chùa Hưng Khánh. Ảnh ©NCCong 2015

Di tích lân cận

CHÚ THÍCH
[1] Chuyện "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" được Vũ Phương Đề (đỗ Tiến sĩ năm 1736) chép trong sách “Công Dư Tiệp Ký”.
[2] Chùa Vua từng là một cơ sở cách mạng và kháng chiến chống Pháp, bị đốt phá năm 1947.

©NCCong 2012-2021, Chua Vua pagoda