212 Dai Ang pagoda

Chùa Đại Áng (Thiên Phúc Tự)

thời Lê trung hưnghuyện Thanh Trìsông Nhuệ

Chùa Đại Áng còn gọi chùa Đám, có từ năm 1734. Tên chữ: Thiên Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí: WR3G+W3 xóm Đại Đình, xã Đại Áng, Thanh Trì, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 15km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: UBND xã Đại Áng (xe 12)

Địa lý

Đại Áng trước kia là một xã thuần nông nghiệp nằm ở vùng đồng lúa trù phú giữa dòng sông Nhuệ và con đường Thiên lý từ Bắc vô Nam. Xã vốn thuộc địa phận huyện Thanh Trì, tỉnh Cầu Đơ cũ (năm 1904 đổi thành tỉnh Hà Đông, về sau không còn). Năm 1961, huyện Thanh Trì được nhập vào thành phố Hà Nội.

Xã Đại Áng hiện bao gồm 4 làng: Đại Áng, Nguyệt Áng, Vĩnh Trung, Vĩnh Thịnh. Từ bến cuối của tuyến xe bus số 12, du khách xuôi về hướng nam khoảng 500m qua ngã ba thứ hai sẽ thấy cổng làng Đại Áng ở bên tay phải; rẽ vào cổng đi tiếp chừng 500m nữa thì đến đình và chùa làng.

Chùa Đại Áng còn gọi là chùa Đám, tên chữ Thiên Phúc Tự 天 福 寺. Tương truyền chùa do Nguyên phi Ỷ Lan hưng công tạo dựng từ thời Lý. Đến khoảng niên hiệu Long Đức (1732-1734) và Vĩnh Hựu (1735-1740), chùa được trùng tu và mở rộng như quy mô ngày nay.

Ngõ vào chùa Đại Áng. Ảnh NCCong ©2023

Trong chùa có tấm bia hậu dựng ngày tốt tháng 8 năm Giáp Dần niên hiệu Long Đức (1734) do Hoàng giáp Nguyễn Phổ soạn. Nội dung văn bia nói về bà Nguyễn Thị Huy, pháp danh Diệu Lộc là người làng đã cúng 3 mẫu ruộng, 1 khu ao và 1 sào 2 khẩu đất vườn với 60 quan tiền để mở rộng chùa.

Kiến trúc

Chùa Đại Áng tọa lạc ngay bên cạnh đình Đại Áng nhưng khuôn viên rộng lớn hơn nhiều. Tam quan ngoại xây kiểu phương đình 2 tầng 8 mái, mặt quay hướng tây-nam và nhìn ra một hồ nhỏ hình chữ nhật, nước trong xanh bốn mùa. Phía hữu của tam quan ngoại là một giếng tròn to có tường bao quanh rồi tiếp đến cổng chùa kiểu nghi môn với các trụ biểu vừa to vừa cao, có đắp câu đối chữ Hán.

Du khách đi qua cổng nghi môn vài chục bước giữa hai hàng cây sẽ đến tam quan nội, xây theo kiểu 3 cửa 2 tầng với gác chuông và lầu khánh riêng rẽ. Ngay sau cửa này là sân nhỏ rồi đến vườn chùa với một phương đình, nơi đặt tượng Quan Âm Nam Hải. Khu vực này mới được hình thành cách đây không lâu, có lẽ để tránh đi qua lối cũ có nhiều công trình đã xuống cấp có thể gây nguy hiểm.

Gác chuông chùa Đại Áng. Ảnh NCCong ©2023

Rẽ sang tay phải du khách sẽ thấy một tòa tháp vươn cao trên sân tiền đường ở ngay phía sau chiếc cầu cạn. Kiểu tháp này xuất hiện khá nhiều ở vùng Thanh Trì, chẳng hạn trong các chùa Ngọc Hồi và Ngũ Hiệp gần đó, nhưng ở chùa Mía (Đường Lâm, Sơn Tây) xa hơn rất nhiều cũng có. Điều độc đáo là tòa tháp chùa Đại Áng nằm trên biểu tượng một con rùa lớn bơi trong ao nhỏ hình bát giác.

Từ cửa bảo tháp du khách bước lên bậc thềm dẫn vào chùa chính, bao gồm tiền đường 5 gian, tòa thiêu hương và thượng điện. Tất cả những công trình này và tam quan ngoại của Thiên Phúc Tự đều mang đậm dấu ấn của phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn.

Di vật

Trong chùa hiện lưu giữ một hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông khá đầy đủ gồm khoảng 60 pho. Nổi bật nhất là các pho tượng Cửu Long và Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. Ngoài 9 con rồng phun nước tắm Phật sơ sinh, còn có lớp tượng tạc các nhân vật to nhỏ khác nhau đang tìm đến Phật với tấm lòng từ bi hỷ xả cho mọi người hạnh phúc. Tượng Quan Âm cao tới 4m, là một bản sao rất thành công theo mẫu của chùa Bút Tháp vào cuối thế kỷ XIX và thuộc vào loại hiếm ở Hà Nội.

Tháp chùa Đại Áng. Ảnh NCCong ©2023

Tuy nhiên trảỉ qua thời gian nhiều hạng mục xây dựng trong chùa nay đã xuống cấp và nhà chùa đang kêu gọi thập phương đóng góp công đức để chuẩn bị trùng tu.

Chùa (và đình) Đại Áng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia theo quyết định 1728/VHQĐ ngày 02 tháng 10 năm 1991.

Di tích lân cận

212 Dai Ang pagoda ©NCCông 2014-2023