162 Kim Lien village
Làng Kim Liên
Cao Sơn Vũ Lâmlễ hộiq.Đống ĐaLàng Kim Liên có từ khoảng thế kỷ XV, nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Lễ hội làng: ngày 16 tháng 3 âm lịch. Cách Ga Hà Nội: 2km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: Số 242 Xã Đàn, hoặc Số 358 Lê Duẩn.
Địa lý
Làng Kim Liên vốn có tên gốc là Kim Hoa, sau vì kỵ húy tên mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa nên đổi gọi là Kim Liên vào năm Tân Sửu (1841). Đây là một trong 36 phường của Kinh đô Thăng Long thời Lê.
Sang thời Nguyễn, phường đổi thành thôn (làng) và là một trong 23 thôn, trại, phường thuộc tổng Tả Nghiêm (sau đổi thành tổng Kim Liên), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, từ năm 1915 thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (năm 1941 đổi thành Đại lý đặc biệt Hà Nội), có dân số tương đối đông (năm 1926, làng có 1586 nhân khẩu).
- Bia đá ở đền Kim Liên. Ảnh ©NCCong 2018
Ngoài trồng lúa và trồng màu trên cánh đồng sau trở thành Khu tập thể Kim Liên vào giữa thế kỷ XX, dân làng có nghề phụ là nhuộm vải nâu. Phía Đông làng có hồ Khang Thuỷ là nơi xưa kia dân làng lấy bùn lên để “nhấn bùn” giúp cho vải trắng nhuộm củ nâu ngả màu bền chắc, vì vậy nơi đây còn được gọi là làng Đồng Lầm.
Đồng Lầm có vải nâu non / Có hồ cá rộng, có con sông dài. Trong câu ca dao này, hồ cá là hồ Khang Thuỷ (khi người Pháp làm đường xe lửa mới chia thành hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu). Sông dài là sông Kim Ngưu, một chi lưu của sông Tô Lịch chảy qua làng Kim Liên đến Cầu Dền, Vĩnh Tuy thì chia thêm nhánh chảy tiếp xuống huyện Thanh Trì.
- Cổng đình Kim Liên. Ảnh ©NCCong 2023
Đầu làng Kim Liên (chỗ ngã tư Đại Cồ Việt - Kim Liên hiện nay) vào giữa thế kỷ XIX trở về trước có một cửa ô gọi là Ô Kim Hoa, hay Ô Kim Liên, dân gian gọi là Ô Đồng Lầm, nay thuộc đất công viên Thống Nhất và trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây chính là một cửa ô mở qua tường phía Nam của tòa thành đất vòng giữa bao bọc khu dân cư của Kinh thành Thăng Long về phía Đông.
Di sản lịch sử
Làng Kim Liên có ngôi đình-đền thờ Cao Sơn đại vương. Hiện nay có nhiều thuyết khác nhau về lai lịch của vị thần này: là Sơn Tinh, là chú ruột của Sơn Tinh hoặc là một trong 50 người con theo Lạc Long Quân đi xuống khai phá vùng đồng bằng.
- Cổng đền Cao Sơn. Ảnh ©NCCông 2023
Đền thờ Cao Sơn được coi là Trấn Nam của thành Thăng Long. Tại đây còn tấm bia do Hoàng giáp Lê Tung soạn năm xây đền là Canh Ngọ (1510), kể về việc thần Cao Sơn đã âm phù hoàng thân Lê Oanh từ Thanh Hoá tiến ra đánh thắng Uy Mục đế và lên ngôi Tương Dực đế. Bia từng bị mòn nên đã được đem khắc lại vào năm Nhâm Thìn (1772) đời Cảnh Hưng.
Lễ hội đình Kim Liên hằng năm được tổ chức trang trọng vào ngày 16 tháng 3 âm lịch để tôn vinh đức thành hoàng làng là thần Cao Sơn cùng hai vị nữ thần phối hưởng là Thuỷ Tinh Đệ Tam Tôn Nữ Đông Hồ Trưng Vương Mẫu và Huệ Minh Công Chúa.
- Cổng chùa làng Kim Liên. Ảnh ©NCCong 2016
Trên địa phận của làng còn có địa danh Mộng Kiều là nơi diễn ra trận đánh giữa quân đội của Tương Dực đế dẹp tan quân của Trần Cảo vào năm 1510 mà sử cũ đã ghi.
Di tích lân cận
- Chùa Mỹ Quang: 2R8Q+RM, số 63 ngõ Chùa Mỹ Quang, phường Trung Phụng.
- Chùa Phúc Long (Trung Tự): 2R7P+69, số 46 phố Đê La Thành, phường Phương Liên.
- Chùa Phụng Thánh: 2R8P+WP, số 360 phố Xã Đàn, phường Trung Phụng.
- Đình Thổ Quan: 2R8M+9X, số 215 ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan.
- Đình Trung Kính: 2R8Q+QM, số 63 ngõ Chùa Mỹ Quang, phường Trung Phụng.
- Đình Trung Tự: 2R6Q+R6, ngõ 198 Xã Đàn, phường Phương Liên.
162 lang Kim Lien ©NCCông 2014-2023