105 Temple of Faithfuls and Dong Da Hill
Miếu Trung Liệt, Gò Đống Đa
q.Đống Đanhà NguyễnNguyễn HuệGò Đống Đa ghi dấu chiến thắng Khương Thượng năm 1789. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1963). Vị trí: số 2 phố Đặng Tiến Đông, 2R6F+QQ, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 3 km (hướng 8 h). Trạm bus lân cận: Đd 145 Tây Sơn (xe 01, 02, 09, 23, 30), Số 2 Thái Hà (12, 26, 35a, 84)
Lược sử
Gò Đống Đa được giữ lại gần như nguyên vẹn trong quá trình đô thị hóa TP Hà Nội và trở nên một trong những địa danh nổi tiếng nhất Việt Nam. Tên gò từ cuối thế kỷ XX cũng đã trở thành tên của quận Đống Đa, một quận đông dân bậc nhất thủ đô.
Tết Kỷ Dậu năm 1789 các cánh đồng xung quanh nơi đây từng chứng kiến trận đánh đẫm máu trong chiến dịch giải phóng Thăng Long của hoàng đế Quang Trung. Thái thú Sầm Nghi Đống treo cổ tự vẫn và chủ soái Tôn Sĩ Nghị của quân Thanh phải bỏ lại tất cả để chạy thoát thân về Trung Quốc.
Giỗ trận Đống Đa năm Ất Mùi. Panorama ©NCCong 2015
Năm 1851, Tổng đốc Hà Nội cho mở đường mở chợ, đào đất thấy nhiều hài cốt, lại thu vào một hố rồi đắp cao lên thành gò mộ thứ 13. Chính quyền kêu gọi các nhà hảo tâm dựng thêm 4 gian nhà nằm đối diện miếu Trung Liệt để làm chùa cúng cô hồn, ghép hai tên trại Nam Đồng và Thịnh Quang mà đặt tên chùa là Đồng Quang. Cả 13 gò mộ sau đã bị san phẳng trong thời gian người Pháp mở rộng TP Hà Nội cuối thế kỷ XIX.
Trung Liệt Miếu
Miếu Trung Liệt được xây dựng năm Chính Hòa thứ 6 đời vua Lê Hy Tông (1685) tại thôn Trung Phường, xã Yên Hòa, huyện Thọ Xương (chỗ phố Nguyễn Khuyến bây giờ) để thờ các trung thần tiết liệt của nhà Lê. Thoạt đầu miếu thờ Lê Lai, người đã hy sinh cứu Bình Định Vương Lê Lợi. Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng Giêng, vua lại ngự giá cùng bá quan văn võ đến miếu này để tham bái tưởng niệm. Đến cuối thế kỷ XIX, miếu được dời đến gò Đống Đa và thờ thêm các vị quan võ triều Nguyễn chết vì nước.[1]
- Tam quan Trung Liệt Miếu. Ảnh ©2015 NCCong
Hiện vẫn còn đôi câu đối bằng sứ đắp bên cổng Trung Liệt Miếu do Tam nguyên Vũ Phạm Hàm (1864—1906) viết về 2 vị tổng đốc Hà Thành hy sinh cách nhau 10 năm:
此 城 郭 此 江 山 百 戰 風 塵 餘 赤 地
為 日 星 為 河 岳 十 年 心 事 共 青 天
(Thử thành quách thử giang san bách chiến phong trần dư xích địa
Vi nhật tinh vi hà nhạc thập niên tâm sự cộng thanh thiên)
Tạm dịch:
Nọ thành quách, nọ nước non, trăm trận bụi bay còn đất đỏ,
Là sao ngày, là sông núi, mười năm lòng dạ với trời xanh.
Thời Pháp thuộc, một số quan viên và người giàu ở Hà Nội muốn mở rộng danh sách thờ vọng trong Trung Liệt Miếu, nhưng vì có cả nhân vật không được dân Bắc Kỳ quý trọng nên dư luận không đồng thuận. Đến mùa Xuân năm Bính Tuất 1946, trong khí thế cách mạng và tinh thần dân tộc dâng cao trước lũ quân Tàu Tưởng và Anh-Pháp, lần đầu tiên Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ đã hô hào dân chúng đến gò Đống Đa tham gia lễ kỷ niệm 157 năm Đại thắng Kỷ Dậu. Sau đó, vua Quang Trung mới được đưa vào thờ ở Trung Liệt Miếu.
- Từ cổng Trung Liệt Miếu lên gò Ảnh ©2015 NCCong
Nhưng sau đó trong chiến tranh Trung Liệt Miếu đã bị phá hủy, chỉ còn lại tam quan. Không rõ hình thù thế nào nhưng chắc chắn tòa miếu này từng là một thắng cảnh Hà Thành. Dù rằng hồ nước trước cổng đã bị lấp và lấn chiếm một phần, nay ta vẫn còn thấy đôi câu đối đắp gần nóc tam quan được viết tự hào như sau:
Nhất thủy niêm thiên dư thắng địa
Bán sơn ủng miếu độc cao đài
Tạm dịch:
Mặt nước dính trời nâng đất đẹp
Núi đồi ôm miếu giữ đài cao.
Tưởng niệm
Trước 1945, các vua nhà Nguyễn vì tư thù mà cấm ngặt mọi việc thờ phụng liên quan đến triều Tây Sơn và Quang Trung. “Giỗ trận Đống Đa” trong suốt 156 năm về hình thức chỉ là giỗ vong hồn quân Thanh chết ở đây. Nhưng nhiều người vẫn lặng lẽ đến chùa Kim Sơn để tưởng nhớ các nghĩa sĩ Tây Sơn. Từ 1955, cứ đúng ngày mồng 5 Tết, dân thủ đô lại tổ chức rầm rộ lễ hội kỷ niệm chiến thắng, trong đó có diễn trò đánh xuyên trại quân Thanh đóng tại Khương Thượng.
- Cổng mới -của di tích Đống Đa. Ảnh ©2015 NCCong
Nhân kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi—Đống Đa (1789-1989), UBND TP Hà Nội đã cho xây dựng Công viên Văn hóa Đống Đa trên diện tích 21.745 m2, bao gồm khu vực tượng đài Quang Trung, nhà trưng bày và gò Đống Đa. Năm 2014 lại xây thêm cái cổng cứ như cổng thành ở phía trước Trung Liệt Miếu và tiếp tục tôn tạo khu vực xung quanh tượng đài, tuy nhiên nhà bái đường của miếu vẫn chưa được khôi phục.
Di tích lân cận
- Chùa Bộc: số 14 phố Chùa Bộc
- Chùa Đồng Quang: số 119 phố Tây Sơn.
- Chùa Nam Đồng: ngõ 64 Nguyễn Lương Bằng.
- Chùa Phúc Khánh: số 382 phố Tây Sơn.
- Đình Khương Thượng: số 165 phố Khương Thượng.
- Đình Nam Đồng: số 73 phố Nguyễn Lương Bằng.
- Lễ kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa năm 1946
©NCCong 2015, Dong Da hill and Temple of Faithfuls
[1] Các liệt sĩ triều Nguyễn được phối thờ bao gồm:
— Nguyên soái Nguyễn Tri Phương cùng người con trai là tướng Nguyễn Lâm đã bỏ mình trong trận giặc Pháp chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất vào tháng 11 năm 1873.
— Hoàng Diệu, Thượng thư Bộ Binh, Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội – Ninh Bình), đã thắt cổ tự tử tại Võ Miếu vào năm 1882 khi quân Pháp lần thứ hai tràn vào thành Hà Nội,
— Trương Quốc Dụng, Thượng thư Bộ Hình từng làm Hải Yên Thống đốc quân vụ, sau bị chết năm 1864 khi đi dẹp khởi nghĩa nông dân ở Quảng Yên.
— Đoàn Thọ, Thự Đô Thống Chưởng phủ Quân lĩnh thị vệ, từng lập nhiều chiến công ở Cao Bằng. Khi làm Thống đốc Bắc Kỳ quân vụ trấn giữ Lạng Sơn, ông đã bỏ mình trong một trận đánh.
— Nguyễn Cao, người Bắc Ninh từng làm Bố chánh Thái Nguyên. Khi Pháp đánh Bắc Kỳ, ông đã tụ tập nghĩa quân kháng cự quyết liệt. Sau khi triều đình ký hiệp ước với Pháp, ông cho giải tán nghĩa binh còn mình lui về dạy học ở Kim Giang, Ứng Hòa nhưng vẫn bí mật liên hệ với phe kháng chiến để chống đánh Pháp. Năm 1887, Pháp dò la bắt được Nguyễn Cao. Khi bị bắt, trước mặt quân thù ông đã dùng tay tự chọc thủng bụng rồi móc hết ruột ra để tỏ lòng trung kiên bất khuất. Quân Pháp vội đưa ông đi cứu chữa với ý đồ mua chuộc nhưng ông đã nhịn ăn nhịn uống và cắn lưỡi tự vẫn.
- Gò Đống Đa. Ảnh: Võ An Ninh 1942