206 Sai Son mountain

Núi Sài Sơn

huyện Quốc Oaisông ĐáyTừ Đạo Hạnh

Núi Sài Sơn tức núi Thầy, cao khoảng 100m. Địa chỉ: xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: hơn 20km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: ngã ba Chùa Thầy trên đại lộ Thăng Long (xe 71, 74).

Giới thiệu

Sài Sơn là một ngọn núi đá vôi hình vòng cung, cao khoảng 100m, chạy dài từ xã Sài Sơn [1] kéo đến Hoàng Xá với bán kính trên 3km. Trong bài "Đôi mắt người Sơn Tây" viết năm 1949, nhà thơ Quang Dũng đã nhắc tới vùng này:

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.

Chùa Thầy nằm ven hồ Long Chiều dưới chân núi là một Di tích quốc gia đặc biệt và gắn liền với nhiều truyền thuyết. Thiền sư Từ Đạo Hạnh (thế kỷ XII) đã tu hành ở đây và hóa tại một động đá mà đời sau gọi là hang Thánh Hóa. Tương truyền, ngài hoá để đầu thai làm con của Sùng Hiền Hầu và về sau trở thành vua Lý Thần Tông. Ngài còn được coi là vị tổ sáng lập của môn múa rối nước hiện rất phát triển trong xã Sài Sơn.

Hồ Long Chiểu. Ảnh ©2014 NCCong

Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương cách nay 2 thế kỷ đã dí dỏm vịnh hang Thánh Hóa như sau:

Khen thay con tạo khéo khôn phàm,
Một đố giương ra biết mấy ngoàm.[2]
Lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp,
Lách khe nước rỉ mó lam nham.
Một sư đầu trọc ngồi khua mõ,
Hai tiểu lưng tròn đứng giữa am.
Đến mới biết là hang Thánh Hoá,
Chồn chân mỏi gối vẫn còn ham!

Di tích cổ nhất trên núi Sài Sơn là hang Cắc Cớ. Đường lên cửa hang ngoằn nghèo, hai bên có rừng cây sưa lá xanh hoa trắng chen lẫn vách đá và những cây đại mấy trăm năm tuổi, thân cành uốn éo như rồng rắn. Nghe đồn dưới đáy hang sâu thẳm và tối mù có hài cốt mục nát của những tướng sĩ trong đoàn quân Lữ Gia cuối thế kỷ thứ 2 TCN đã thà chết không chịu đầu hàng nhà Hán. Trời xui đất khiến thế nào mà về sau nơi đây lại trở thành điểm hẹn của nhiều cặp tình nhân: Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ / Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy.

Cửa hang Cắc Cớ (Thần quang động). Ảnh ©2014 NCCong

Truyền thuyết kể rằng thiền sư Từ Đạo Hạnh có nghề hái thuốc chữa bệnh cứu người. Trên núi quả là sẵn một thảm thực vật tự nhiên với gần 50 loại cây nhiệt đới khác nhau và nhiều dược thảo quý. Trong sách “Sơn Tây tỉnh chí” lại chép mấy câu thơ nêu 4 đặc sản địa phương,é xưa thường để tiến vua, gồm: cá chép Cấn Xá, dơi ngựa Sài Sơn, cua kềnh Khánh Hiệp, rau muống Sen Chiểu.

Tại Sài Sơn có tới 4 nơi thờ Đỗ Cảnh Thạc 杜 景 碩 (912 - 967), danh tướng độc nhĩ đã phò tá ba đời vua kể từ Ngô Quyền, sau đó là một trong 12 sứ quân nổi lên. Ngài đóng giữ vùng Thanh Oai - Quốc Oai cho đến khi bị Đinh Bộ Lĩnh diệt. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Đỗ Cảnh Thạc người huyện Thuận Đức thuộc Quảng Đông”. Thần phả và sắc phong ở đình Cổ Hiền ghi: “Đỗ Tướng Công, huý Cảnh Thạc, sinh ngày 14 tháng giêng năm Nhâm Thân (912). Thân phụ ngài là Đỗ Quảng Lăng, mẹ là Trần Thị Thọ thuộc Đỗ Động Giang, Ấp Động, huyện Thanh Oai”. Xưa kia dân xã Sài Sơn thờ ngài trong một ngôi đền chung, còn được gọi là quán Tam Xã hay đền Trình, nằm ở giữa 3 làng Sài Khê, Thụy Khê, Đa Phúc. Về sau mỗi làng đều xây một nơi riêng để thờ vọng ngài.

Quán Tam Xã

Hội chùa Thầy diễn ra hàng năm từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng Ba âm lịch, trong dịp đó có những vở múa rối nước được trình diễn ngay trên hồ Long Chiểu, thu hút rất đông người tham dự.

Ngoài ra hàng ngày du khách thường đến đây để thăm một vài di tích trong tuyến du lịch chính bao gồm: Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự), Chùa Một Mái (Bối Am Tự), Đền Tam Xã, Đình Thụy Khuê, Hang Cắc Cớ, Hồ Long Chiểu.

Di tích lân cận

Cạnh núi Sài Sơn là núi Hoàng Xá, còn gọi là núi Tượng Linh hay Ba Ngai, thuộc địa phận của thị trấn Quốc Oai. Núi có động Xuyên Sơn với hai cửa. Cửa chính ở phía đông nam đi ra chùa Một Mái (Hoàng Kim Tự), cửa sau đi ra phía tây bắc. Vòm động rộng, cao hơn 50m, có 3 lỗ thông thiên.

Cửa chính của động Hoàng Xá. Photo ©NCCong 2022

Di tích ở các huyện giáp bên

Chú thích
[1] Xã nay thuộc huyện Quốc Oai, gồm 6 thôn: Đa Phúc, Thụy Khuê, Khánh Tân, Sài Khê, Phúc Đức, Năm Trại.
[2] Có thành ngữ "ngoàm nào đố ấy". Ngoàm và đố là những bộ phận khác nhau nhưng làm từ cùng một vật liệu để ăn khớp lâu bền. Một đố nhiều ngoàm ở đây tả cấu tạo hang đá cùng nhũ đá và có ý bóng gió về quan hệ nam nữ.

206 Sai Son mountain ©NCCong 2013-2015