35 Dinh Tien Hoang street
Phố Đinh Tiên Hoàng
Phố Đinh Tiên Hoàng dài 900m, đi từ BĐX Bờ Hồ qua 7 phố: Hồ Hoàn Kiếm, Lò Sũ, Hàng Dầu, Trần Nguyên Hãn, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ, xuống đến ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay - Hàng Bài. Nay thuộc: phường Tràng Tiền, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 10m (hướng 2h). Trạm bus lân cận: đầu và cuối phố Đinh Tiên Hoàng (xe 08, 09, 14, 31, 36, 86), giữa phố Lý Thái Tổ (04, 08, 11, 18, 23, 34, 86ct)
- Trung tâm Quảng trường ĐKNT ©NCCong 2015
Giới thiệu
Phố Đinh Tiên Hoàng mang danh Đinh Tiên Hoàng (chữ Hán 丁 先 皇) sinh năm 924, mất 979, vị hoàng đế đầu tiên của quốc gia Đại Việt độc lập, tự chủ, thống nhất. Trước ngài, ngoài Lý Nam Đế (李 南 帝, 503 - 548), nước ta còn có Khúc Thừa Dụ (曲 承 裕, trị vì: 905 - 907) tự xưng làm Tiết độ sứ, rồi tới Ngô Quyền (吳 權, 898 - 944) tự xưng vương. Ngài lên ngôi năm Mậu Thìn 968, đóng đô ở thung lũng Hoa Lư giữa quê hương Ninh Bình. Từ năm Canh Ngọ 970, ngài bắt đầu đặt niên hiệu Thái Bình và cho đúc tiền đồng Thái Bình Hưng Bảo, đồng tiền cổ nhất của nền tài chính nước ta.
Cuối thế kỷ XIX, đoạn đường từ đền Bà Kiệu tới phố Lê Thái Tổ từng được gọi là phố Hàng Chè, đoạn còn lại từ đền Bà Kiệu tới phố Tràng Tiền có tên “Rue du Petit-Lac” (phố Hồ Gươm). Về sau thực dân Pháp lại phá sân trước ngôi đền này, nối liền hai đoạn phố với nhau và sáp nhập thành đại lộ Francis Garnier. Từ ngày Giải phóng Thủ đô (1954) phố mang tên Đinh Tiên Hoàng để ghi nhớ công lao vị vua có công dẹp 12 sứ quân và thống nhất đất nước.
- Đền Bà Kiệu. Ảnh ©NCCong 2019
Đền Bà Kiệu ở địa phận làng Tả Vọng xưa. Đền dựng từ đời Lê Thần Tông, là nơi thờ Liễu Hạnh, trong đền có quả chuông đúc từ đời Cảnh Thịnh thứ năm (1798). Khi làm đường phố, người Pháp đã cắt ngang sân đền nên cổng tam quan lại nằm về phía bên hồ, gần cầu Thê Húc.
Chùa Báo Ân cũng bị họ phá, chỉ còn di tích tháp Hòa Phong ven Hồ Gươm, đối diện tòa nhà Bưu điện quốc tế bây giờ. Đến năm 1920, một người Pháp tên là Aste đã bỏ tiền xây dựng rạp Cinéma - Pathé nằm ở bên trái đền Bà Kiệu, nay là khu tượng đài Cảm tử quân Hà Nội.
- Rạp Cinéma—Pathé cạnh đền Bà Kiệu, bên phải là phố Hàng Dầu (Bưu ảnh đầu thế kỷ XX)
Trên dãy phố dài bên số lẻ, chính quyền Pháp còn cho xây dựng một loạt công trình lớn như Toà Thị chính TP Hà Nội, vườn hoa Paul Bert (nay là quảng trường với tượng đài Lý Thái Tổ), Bưu điện Trung tâm, Nhà máy điện Hà Nội.
Từ năm 1954 đến nay, phố vẫn được giữ gần như nguyên vẹn với vỉa hè rộng rãi, mặc dù nhiều trụ sở đã bị thay đổi hoặc xây lại. Đặc biệt, phía ven Hồ Gươm được sửa sang sạch đẹp với những chậu hoa, trảng cỏ, ghế đá, núi non bộ… và những lối đi nhỏ dành riêng cho khách bộ hành.
Đinh Tiên Hoàng là một trong những đại lộ sạch đẹp và hiện đại nhất giữa trung tâm Hà Nội. Với các di tích lịch sử thiêng liêng, nơi đây có vai trò thật đặc biệt trong các hoạt động chính trị, thể thao và văn hoá của dân tộc diễn ra thường xuyên ngay trên tuyến đường hoặc ở vườn hoa Lý Thái Tổ, khu tượng đài Cảm tử quân và quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Đinh Tiên Hoàng là một tuyến phố dài và rộng rãi, xe cộ chỉ được chạy một chiều từ nam lên bắc.
- Đền Bà Kiệu, đài Cảm Tử. Ảnh NCCong ©2015
Di tích trên phố
Bên cạnh Hồ Gươm xanh tươi bốn mùa với Tháp Rùa cổ kính, dọc phố còn có những điểm hấp dẫn du khách bao gồm: Tháp Hòa Phong (di tích chùa Báo Ân); Vườn hoa và tượng đài Lý Thái Tổ; Đền Bà Kiệu và tượng đài Cảm tử quân: số 59 Đinh Tiên Hoàng; Đền Ngọc Sơn với Tháp Bút, Đài Nghiên và cầu Thê Húc; Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Bên dãy số lẻ có một số toà nhà được xây trong thế kỷ XX như:
- Trung tâm Thông tin và Triển lãm Hà Nội,
- Trụ sở Bưu điện trung tâm,
- Trụ sở UBND TP Hà Nội,
- Trụ sở Công ty Điện lực,
- Rạp Rối nước Thăng Long.
- Tháp Hoà Phong. Ảnh ©NCCong 2016
Di tích lân cận
- Đền Thọ Nam: số 22 phố Hàng Thùng.
- Đền Tiên Hạ: số 46 ngõ Phất Lộc.
- Đình Cổ Vũ: đoạn giữa phố Hàng Gai.
- Đình Đồng Lạc: số 38 phố Hàng Đào.
- Đình Kim Ngân: số 40-42 phố Hàng Bạc.
- Đình Phả Trúc Lâm: số 40 ngõ Hàng Hành.
- Đình Trang Lâu: số nhà 77 phố Nguyễn Hữu Huân.
©NCCông 2011-2015, Rue Dinh Tien Hoang