15 Baskets street

Phố Hàng Bồ

q.Hoàn Kiếmphố

Phố Hàng Bồ dài 270m, đi từ ngã tư Hàng Bạc—Hàng Ngang—Hàng Đào, cắt qua ngã tư Hàng Cân—Lương Văn Can rồi đến ngã tư Thuốc Bắc—Bát Đàn—Hàng Thiếc. Nay thuộc: phường Hàng Bồ, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 400m (hướng 11h). Trạm bus lân cận: 56 Hàng Cân, 28A-30 Đường Thành, 115 Phùng Hưng.

Lược sử

Phố Hàng Bồ hình thành từ rất xưa, nối khu vực Đông Thành với con đê cũ chỗ đầu phố Hàng Đào. Phố này có đoạn phía đông ở trên đất thôn Xuân Yên, còn đoạn phía tây nơi giáp với các phố Hàng Điếu, Thuốc Bắc là đất thôn Nhân Nội, vốn thuộc tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương cũ.

Cuối thế kỷ XIX, phố Hàng Bồ có tên là Hàng Dép và ở đây quả thật từng tập trung các cửa hàng bán guốc dép. Vài thập niên trôi đi, nhiều hộ dân bắt đầu làm nghề đan bồ nứa, đến dịp Tết thì chất đầy hè phố, kẻ mua người bán tấp nập, vì dân các tỉnh về Hà Nội cất hàng cần có bồ để đóng chứa. Mặt hàng này về sau cũng phải lùi dần vào các chợ, những cửa hiệu lớn chuyển sang hoạt động kinh doanh khác.

Trụ sở báo Lao Động. Ảnh ©NCCong 2015

Đầu thế kỷ XX, ngoài nhà in Kim Đức Giang, phố Hàng Bồ còn có nhà xuất bản Lê Cường và xưởng in Hồng Khê cùng ở số 75. Xưởng này ban đầu chuyên in toa thuốc, bao bì, sách giới thiệu hàng của nhà thuốc Hồng Khê, sau xuất bản cả các sách văn học, tiểu thuyết, nghiên cứu. Ngày 13-10-1945, báo Lao Động ra công khai và đóng trụ sở ở số nhà 51.

Đoạn phía tây phố Hàng Bồ gồm nhiều cửa hiệu lớn. Khi người Pháp mới đánh chiếm Hà Nội, phố Hàng Bồ vốn cư ngụ đông gia đình người Việt Nam từ lâu đời và phần lớn trở nên giàu có. Sau này những người Việt Nam ở nơi khác và cả Hoa kiều gốc Triều Châu tỉnh Phúc Kiến cũng đến đây mua nhà, mở cửa hiệu và buôn bán các mặt hàng khác nhau.

Một ông đồ viết câu đối Tết (ảnh tư liệu)

Thời trước năm 1945, cứ khoảng gần Tết Nguyên đán thì trên vỉa hè phố Hàng Bồ lại có nhiều ông đồ bày mực tàu, giấy đỏ để viết chữ, bán cho dân treo mừng xuân mới. Họ trải chiếu ngồi dưới mái hiên của mấy cửa hàng lớn chuyên bán buôn (nên ít khách ra vào), treo lên tường câu đối viết sẵn, những đôi liễn hoa tiên, dưới chiếu bày chậu mực, ống bút và cả tập giấy màu.

Hàng Bồ còn là phố tranh Tết. Những người làng Đông Hồ, Hàng Trống đem các loại tranh dân gian bằng giấy dó đến treo trên tường và bày dưới hè, lấp lánh màu phẩm điều, phẩm lục, phẩm vàng nghệ. Đủ các tranh gà, lợn, đám cưới chuột. Có những bức tranh khắc gỗ to, vẽ nhiều sự tích: ông Thiên Lôi, bà La Sát, hứng dừa, đánh ghen, đánh vật, v.v..

Phố Hàng Bồ những năm 1940

Có một sự kiện đáng nhớ: hồi cuối năm Bính Tuất, sau 19 ngày đêm chống Pháp, các lực lượng quân sự của Hà Nội như Vệ quốc đoàn, Tự vệ thành, Công an xung phong… đã được thống nhất thành Trung đoàn Liên khu 1. Lễ ra mắt Trung đoàn diễn ra ở ngôi nhà số 51 phố Hàng Bồ vào sáng 6-1-1947. Bảy ngày sau, Trung đoàn được Hội nghị Quân sự toàn quốc tặng danh hiệu Trung đoàn Thủ Đô.

Phố Hàng Bồ sau thời đổi mới đã thay đổi mạnh mẽ với các toà nhà cao tầng mới xây và các hộ dân cũng kinh doanh nhiều mặt hàng khác trước. Cũng có một vài cửa hàng bày bán những chiếc bồ nho nhỏ xinh xinh làm kỷ vật cho du khách đến tham quan.

Đoạn giữa Hàng Bồ. Ảnh ©2013 NCCong

Đền Nhân Nội tọa lạc ở số 84 phố Hàng Bồ, bên trong thờ công chúa Lân Ngọc. Theo tư liệu dân gian, đền Nhân Nội đã có từ lâu, đến năm 1952 được sửa chữa, thay 4 cột gỗ, sửa mái tiền đường và tu bổ phần hậu cung, thờ thêm tượng Mẫu. Cổng đền làm bằng cánh gỗ. Đền chính xây theo kiểu chữ “Tam”, gồm có 3 nếp nhà: tiền đường, trung đường và hậu cung.

Cuối thế kỷ 20 đền Nhân Nội bắt đầu trở lại hoạt động hoạt động tâm linh sau một thời kỳ dài được sử dụng làm lớp học cho trường PTCS Lê Văn Tám. Năm 1993, hậu cung đền được trùng tu với khung bê tông. Năm 1997, tiền đường và trung đường được tu bổ lại theo lối kiến trúc như hiện nay. Cổng đền được xây trụ nhỏ, thân trụ đắp câu đối, trên làm mái đắp giả ngói ống, trước cổng đắp nổi 3 chữ Hán “Nhân Nội Từ”.

Cổng đền Nhân Nội. Ảnh ©NCCong 2013

Di tích lân cận

©NCCông 2011-2015, Hang Bo (Baskets) street