202 Cotton street
Phố Hàng Bông
Lê trung hưngq.Hoàn KiếmPhố Hàng Bông dài 932m. Nối, giáp hoặc đi qua 14 phố [1] và 3 ngõ lớn [2]. Nay thuộc: phường Hàng Bông, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 400m (hướng 8h). Trạm bus lân cận: 10 Quán Sứ hoặc 30 Đường Thành, 12a Điện Biên Phủ, hoặc 167 Phùng Hưng.
Lược sử
Phố Hàng Bông kéo từ Hàng Gai đến Cửa Nam. Phố có lịch sử lâu đời, đi qua nơi từng là vương phủ của chúa Trịnh Tùng, được khởi dựng vào năm 1595. Thời ấy có 3 cửa phủ: cửa Chính Nam (chỗ phố Bà Triệu bây giờ), cửa Tuyên Vũ (gần Bưu điện Hà Nội), và cửa Diệu Đức (thông ra phố Cửa Nam). Khoảng năm 1781, danh y Hải Thượng Lãn Ông khi lên kinh chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm và thế tử Trịnh Cán đã đi qua phố Hàng Bông. Trong sách “Thượng kinh ký sự”, ông viết "từ cửa cung Khánh Thụy qua đình Quảng Minh, rồi qua cửa Đại Hưng theo đường phía hữu (bên phải, tức Hàng Bông) đi hơn nửa dặm nữa thì đến dinh quan Chính Đường".
Năm 1914 người Pháp chia TP Hà Nội thành 8 khu và đặt phố này vào khu Hai (Deuxième quartier). Ngày nay khoảng hơn một nửa phố thuộc về phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm. Phố rất dài và gồm nhiều đoạn trước kia từng có các tên gọi riêng.
- Hàng Bông—Lý Quốc Sư. Ảnh NCCong ©2013
1/ Đoạn đầu ngắn, đi từ phố Hàng Gai đến Hàng Mành qua đất thôn Cổ Vũ (vào giữa thế kỷ XIX hợp nhất với thôn Kim Bát Thượng thành thôn Kim Cổ); xưa kia gọi là phố Hàng Hài hay Hàng Bông Hài bởi vì từng có nhiều cửa hiệu bán giày hài, nón, đồ thờ bằng giấy.
Nhà 12—14 từng là trường Hàng Hài chuyên dạy Hán học, do cử nhân Ngô Văn Dạng người thôn Kim Cổ phụ trách. Năm 1873, ông đã tổ chức một đội quân chống Pháp xâm lược. Đoạn phố này còn gọi là Hàng Gương bởi lẽ có đền Phúc Hậu thờ ông Tổ nghề tráng gương. Đền ở nhà số 2 phố Hàng Bông bây giờ, bài vị ghi tên Tổ nghề là Trần Nhuận Đình, đã từng đi sứ phương Bắc vào thời nhà Trần.
2/ Đoạn thứ 2 khá dài, từ phố Hàng Mành đến Hàng Da đều ở trên đất thôn cũ Kim Bát Hạ; xưa gọi là phố Hàng Bông Đệm bởi vì từng có nhiều nhà làm nghề bật bông hoặc buôn bán mền bông, chăn đệm. Cả hai thôn Kim Bát Thượng và Kim Bát Hạ đều thuộc tổng Tiền Túc, tới giữa thế kỷ XIX đổi thành tổng Thuận Mỹ.
- Hàng Bông—Đường Thành. Ảnh NCCong ©2013
Đoạn này đi qua đầu ngõ Tạm Thương, con ngõ dẫn đến đình Yên Thái thờ Nguyên phi Ỷ Lan (1044—1117). Nhà 68 là đình Lương Ngọc, do dân làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương di cư về đây lập để thờ vọng thành hoàng. Bên số lẻ có nhà 61 nơi thi sĩ Xuân Diệu và Huy Cận từng sống trên gác và làm thơ trong giai đoạn 1942—1946.
3/ Đoạn thứ 3 cũng dài, đi từ ngã tư Hàng Da—Quán Sứ đến ngõ Hội Vũ qua đất của ba thôn Đông Mỹ, Thương Môn, Đông Hạ; xưa gọi là phố Hàng Bông Cây Đa Cửa Quyền bởi vì từng có cây đa to trước cửa ngôi miếu thờ Cô Quyền. Đình Kim Hội (Quy Long) nằm ở góc phố Quán Sứ, do các nhà buôn bông dựng lên trong ngõ 95 để thờ Trần Hưng Đạo, còn đình Đông Mỹ thì ở nhà 127, do lái buôn thôn Đông Mỹ lập ra.
- Đoạn giữa phố Hàng Bông. Ảnh NCCong ©2013
Bên số chẵn có đền Thiên Tiên (nhà 120), trong thờ Lý Thường Kiệt, ngoài thờ Chư Vị, liền với đền Vọng Tiên (nhà 120b) gợi nhớ Vọng Tiên Lâu trong sự tích vua Lê Thánh Tông gặp tiên ở gần Cửa Nam hoàng thành Thăng Long. Đền bị chuyển đến đây vào cuối thế kỷ XIX khi quân Pháp cho bà Tư Hồng thầu việc dỡ bỏ thành Hà Nội.
4/ Đoạn thứ 4 ngắn, đi từ ngõ Hội Vũ đến phố Phùng Hưng qua đất thôn cũ Yên Trung Hạ (thuộc tổng Tiền Nghiêm, sau đổi thành tổng Vĩnh Xương); xưa gọi là phố Hàng Bông Lờ, bởi vì từng bán các loại đó, đơm, lờ để bắt cá. Xưa hơn nữa thì nơi đây chuyên nhuộm vải xanh nên còn có tên là phố Hàng Lam.
5/ Đoạn cuối cùng dài từ phố Phùng Hưng qua phố Cửa Nam, ở trên đất thôn cũ Đông Mỹ; xưa gọi là phố Hàng Bông Thợ Nhuộm hay Hàng Bông Nhuộm, bởi vì dân sở tại người gốc làng Huê Cầu và Liêu Xá (thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) vốn có nghề nhuộm thâm các loại vải lụa. Gần Cửa Nam tức cửa Đại Hưng, từng có Quảng Văn Đình, nơi thời Lê thường công bố danh sách các tiến sĩ tân khoa. Lại treo trống lớn để cho ai oan ức hoặc muốn khẩn cầu vua cứ đến đánh một hồi sẽ có vị chức sắc ra nhận đơn cứu xét. Đình còn là nơi mà mồng một đầu tháng có quan Câu Kê đến giảng giải những điều vua khuyên răn để cho dân chúng nghe và làm theo.
- Đền Vọng Tiên. Ảnh NCCong ©2014
Quảng Văn Đình đến cuối thời Lê đổi tên thành Quảng Minh Đình. Về sau, thực dân Pháp cho dỡ để xây vườn hoa Cửa Nam rồi dựng pho tượng Thần Tự Do thu nhỏ, dân ta gọi là Đầm Xòe và còn lưu truyền bài thơ:
Nhớ Quảng Văn Đình, tớ đến nghe
Câu Kê chẳng thấy, thấy Đầm Xòe
Thập điều bặt tiếng ê a giảng
Chỉ có kèn Tây thổi tí toe.
Xin bật mí về số phận hẩm hiu của pho tượng Thần Tự Do thu nhỏ đó. Năm 1945 nó cùng nhiều pho tượng Pháp bị dân ta giật đổ, thị trưởng Hà Nội là bác sĩ Trần Văn Lai cho chở vào cất trong kho của tòa Thị chính thành phố. Năm 1952, thị trưởng Thẩm Hoàng Tín cúng hết các tượng cho chùa Ngũ Xã để đúc tượng Phật.
Nối thông phố Hàng Bông với phố Tống Duy Tân ở gần vườn hoa Cửa Nam có một con ngõ, trước kia người Pháp gọi là Rue Lhonde. Từ năm 1945 đổi tên là phố Cấm Chỉ. Đến năm 1964 lại đổi thành ngõ Hàng Bông Lờ. Hiện nay gọi là ngõ Cấm Chỉ, nơi quy tụ khá nhiều quán ẩm thực dân tộc, thu hút đông khách cả trong và ngoài nước.
- Hàng Bông—Cửa Nam. Ảnh NCCong ©2013
Thời Pháp thuộc, trên phố Hàng Bông xuất hiện một số phòng trà ca nhạc và nhà in, hiệu sách, toà báo. Một tuyến tàu điện được xây dọc phố vào năm 1901, mãi đến năm 1991 mới bị dỡ bỏ và thay bằng xe buýt. Rồi từ đầu thế kỷ XXI tại đây đã mọc lên nhiều quán ăn, cửa hàng thời trang và khách sạn. Phố Hàng Bông trở nên sầm uất vào bậc nhất Hà Nội bây giờ.
Di tích trên phố
- Số 2: Đình thôn Kim Cổ (đền Phúc Hậu), thờ ông tổ nghề làm gương soi.
- Số 12-14: Trường dạy học của cử nhân Ngô Văn Dạng (1835-1885).
- Ngõ Tạm Thương: Đình Yên Thái, thờ Nguyên phi Ỷ Lan.
- Số 61: nơi Xuân Diệu và Huy Cận sống trong giai đoạn 1942-1946.
- Số 68: Đình thôn Lương Ngọc.
- Ngõ 95: Đình thôn Kim Hội (Quy Long), thờ Trần Hưng Đạo.
- Số 120: Đền Thiên Tiên, thờ Lý Thường Kiệt.
- Số 120b: Đền Vọng Tiên, ghi nhớ sự tích Lê Thánh Tông gặp tiên, nay thờ Mẫu.
- Số 127: Đình thôn Đông Mỹ.
©NCCong 2011-2014, Pho Hang Bong (Cotton street)
— -
[1] Hàng Gai, Hàng Hòm, Hàng Trống, Hàng Mành, Lý Quốc Sư, Đường Thành, Phủ Doãn, Hàng Da, Quán Sứ, Phùng Hưng, Thợ Nhuộm, Cửa Nam, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học.
[2] Tạm Thương, Hội Vũ, Cấm Chỉ.