93 Hang Chinh (Vases) street

Phố Hàng Chĩnh

Phố Hàng Chĩnh (Rue des Vases) dài 136m, đi từ ngã ba phố Trần Nhật Duật đến ngã ba phố Mã Mây. Nay thuộc: phường Hàng Buồm, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 650m (hướng 1h). Trạm bus lân cận: đầu phố Hàng Muối, cuối phố Trần Nhật Duật (xe 04, 14, 18, 31, 34, 36, 40)

Lược sử

Đầu phố Hàng Chĩnh xưa kia từng có bức tường thành đắp bằng đất, chạy song song sát với con đê cũ. Đê và thành nay không còn di tích vì đều được san bằng để xây phố xá, khi sông Hồng đổi dòng sang phía Gia Lâm. Trước đó, mấy xóm nằm bên ngoài tường thành được gọi chung là thôn Trừng Thanh và thông với nội thành bằng cửa ô Trừng Thanh, tức Ưu Nghĩa.

Thôn Trừng Thanh ở ngay dọc hai bên con đường mở ra phía bến sông, rất thuận tiện cho việc chở hàng hóa đến bằng thuyền bè. Đoạn đường từ cửa ô Ưu Nghĩa vào nội thành được thương lái dùng để làm chợ, chủ yếu buôn bán các mặt hàng bằng sành gốm nên dần dần trở thành phố Hàng Chĩnh. Đến cuối thế kỷ XIX, người Pháp gọi nó là “Rue des Vases”, dịch khá đúng nghĩa đen tên tiếng Việt (“Vases” bao gồm bình, lọ, chum, vại, chĩnh).

Giữa phố Hàng Chĩnh. Ảnh NCCong ©2013

Đến thế kỷ XX, dân phố Hàng Chĩnh chủ yếu vẫn bán các thứ như vại, chậu sành của làng Phù Lãng (tỉnh Bắc Ninh), nồi đất, chum, vò, tiểu sành của làng Hương Canh (tỉnh Vĩnh Phúc) và hàng gốm của làng Thổ Hà (tỉnh Bắc Ninh) v.v.. Đầu phố ở sát ngay bến xe Cột Đồng Hồ (nay là nút giao thông dưới đầu cầu Chương Dương), cho nên những cửa hàng bán lốp ôtô đã mọc lên và tiếp tục kinh doanh cho đến bây giờ.

Từ sau vụ lụt to năm 1925-1926, chính quyền thực dân cho đắp con đê mới chạy dọc đường “Quai Clémenceau” (dân ta gọi là “phố Bờ Sông”) và mở những cửa khẩu đi ra ngoài bến bãi. Dần dần do cát bồi, tàu thuyền phải đậu lui về phía dưới đầu phố Hàng Mắm, hàng gốm sành chuyển đến đó bán cùng với bia mộ, cối đá, chân cột bằng đá. Dăm bảy cửa hiệu đồ gốm chuyển sang bán mắm, muối; đa số chủ hiệu có nhà riêng trong ngõ Phất Lộc xưa kia vốn thông ra phố Hàng Chĩnh.

Hàng Chĩnh—Trần Nhật Duật. Ảnh NCCong ©2012

Mùa đông cuối năm 1946 chiến sự Pháp—Việt bùng nổ ở Hà Nội, giao tranh ác liệt đã tàn phá nhiều khu nhà nhưng phố Hàng Chĩnh may mắn còn lại gần như nguyên vẹn. Cho đến thời chiến tranh chống Mỹ, phần lớn dân phố vẫn tiếp tục kinh doanh nhỏ lẻ kiểu gia đình. Từ thập niên 1990 đến nay phố đã trở nên khang trang và sầm uất hơn. Những khách sạn và quán ăn tập trung ở phía thông sang phố Mã Mây, nơi có nhiều khách du lịch đến tham quan khu phố cũ.

Dấu tích

Xưa kia phố Hàng Chĩnh toạ lạc trên đất thôn Ưu Nhất, tổng Hữu Túc (sau đổi là Đồng Thọ), huyện Thọ Xương, phía đông thành Thăng Long. Tới giữa thế kỷ XIX, thôn này hợp với thôn Trung Nghĩa thành thôn Ưu Nghĩa. Đình làng tên là Kiên Nghĩa, nay lại mở cửa ra phố Nguyễn Hữu Huân ở bên cạnh (số nhà 2A) nhưng di tích đình hầu như không còn.

Hàng Chĩnh—Mã Mây. Ảnh ©NCCong 2015

Di tích lân cận

©NCCông 2012-2015, Hang Chinh (Vases) street