30 Chicken street

Phố Hàng Gà

Phố Hàng Gà dài 228m, đi từ ngã tư Hàng Cót - Hàng Mã qua các phố Lò Rèn, Hàng Vải, Hàng Phèn, Cửa Đông, Nhà Hoả rồi đến ngã phố Bát Đàn - Hàng Điếu.Nay thuộc: phường Hàng Bồ, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 750m (hướng 10h). Trạm bus lân cận: 50 Hàng Cót (xe 01), 22c Hàng Lược (31), 115 Phùng Hưng (01, 18, 23, 36ct)

Lược sử

Phố Hàng Gà tọa lạc trên nền đất của thôn Tân Lập - Tân Khai, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Di tích thuộc thôn này hiện nay chỉ còn lại đình Tân Khai ở số nhà 44 phố Hàng Vải (cổng nhìn ra ngã tư Hàng Gà - Hàng Vải) và một ngôi chùa liền kề (cổng bên ở số 16c Hàng Gà) mà dân chúng vẫn quen gọi là chùa Thái Cam, được xây vào năm 1822.

Từ cuối thế kỷ XX, sau đổi mới, các hộ dân đua nhau kinh doanh thời trang, dịch vụ ăn uống, du lịch và khách sạn. Giờ đây, với nhiều cửa hàng đẹp đẽ khang trang, phố Hàng Gà đã mang một diện mạo khác hẳn thời xưa và còn là một trong 10 phố cổ có mặt hàng chuyên doanh.

Cổng chùa Thái Cam bên phố Hàng Gà. Ảnh ©NCCong 2013

Thời kỳ đầu nhà Nguyễn, các giấy tờ hành chính đều viết là phố Tân Khai vì quả thật con đường đó đi qua đất của thôn Tân Khai. Nhưng dân chúng lại quen tách riêng làm đôi: đoạn giáp phố Bát Đàn và Cửa Đông gọi là phố Thuốc Nam, còn đoạn bên trên nối tiếp với phố Hàng Cót gọi là phố Hàng Gà vì hồi đó từng có nhiều nhà bán gà vịt ở đây.

Thực dân Pháp sau khi chiếm Hà Nội đã đặt tên phố là “Rue de Tien Tsin” để kỷ niệm hiệp ước Thiên Tân ký giữa họ và triều đình nhà Thanh năm 1885. Tuy nhiên dân Việt ta vẫn quen gọi là phố Hàng Gà Cửa Đông. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, tên phố Hàng Gà được thị trưởng Hà Nội Trần Văn Lai quyết định chính thức sử dụng từ năm 1945.

Phố Hàng Gà đầu thế kỷ XX

Ngoài thiểu số doanh nhân là chủ sở hữu những cửa hiệu riêng, các ngôi nhà trong phố Hàng Gà xưa kia thường được xây theo kiểu hình ống, không gác, nền ẩm thấp, có nhiều hộ chung nhau một lối đi chật hẹp. Tình trạng này kéo dài cho đến những năm cải tạo tư sản Hà Nội. Đa số dân nghèo trong phố làm công nhân các xí nghiệp hoặc xã viên hợp tác xã tiểu thủ công...

Những năm 1960, một số nhà buôn lớn gia nhập các tổ chức công tư hợp doanh, Xưởng bánh kẹo Hà Nội nằm trên mặt bằng cửa hàng Phúc Hòa Hưng, vài cửa hàng mậu dịch quốc doanh cũng được mở ra.

Đoạn gần cuối phố Hàng Gà. Ảnh ©2014 NCCong

Tuy bề ngang khá hẹp nhưng phố Hàng Gà trước kia suốt mấy chục năm từng có một tuyến xe điện chạy từ Vọng qua đây lên phố Hàng Cót rồi rẽ sang phố Hàng Than và kết thúc ở Yên Phụ. Ngày nay trên phố không còn xe điện lẫn xe bus nhưng đây vẫn là một trong vài trục giao thông quan trọng theo hướng bắc-nam của thành phố, lúc nào cũng đông người qua lại.

Di tích lân cận

©NCCong 2011-2015, Hang Ga (Chicken street)