22 Fans street

Phố Hàng Quạt

Phố Hàng Quạt dài 200m. Phía đông giáp phố Lương Văn Can, phía tây giáp ngã ba Hàng Nón—Hàng Hòm, ở giữa giáp phố Tố Tịch, cả ba ngả đều thông ra Hàng Gai. Nay thuộc: phường Hàng Gai, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 260m (hướng 10h). Trạm bus lân cận: BX Bờ Hồ (xe 09, 14), 56 Hàng Cân (31), 30 Đường Thành (01).

Lược sử

Phố Hàng Quạt nguyên thuộc đất thôn Tố Tịch và thôn Thuận Mỹ. Sau khi chiếm Hà Nội, thực dân Pháp đặt tên phố là "rue des Eventails", dịch đúng nghĩa tiếng Việt. Từ mùa hè năm 1945, BS Trần Văn Lai thị trưởng TP Hà Nội đã chính thức hóa tên phố Hàng Quạt. Thực ra đó là ba con phố cũ rất ngắn được gộp lại: nửa phía đông là phố Hàng Quạt (cũ) và Hàng Đàn, nửa phía tây là phố Mã Vĩ.

Đoạn đầu phố xưa có những cửa hàng bán quạt do gia đình tự sản xuất và do nơi khác chở đến nữa. Nghề làm quạt do một số người dân gốc làng Đào Xá, tên nôm là Đầu Quạt (tỉnh Hưng Yên) đem tới. Họ cư trú ở đây, làm quạt và lập đền thờ vị tổ nghề họ Đào mà dấu tích là ngôi đình Xuân Phiến Thị. (“chợ quạt mùa xuân”) tức đình Hàng Quạt, nay trở thành trụ sở phường ở nhà số 4.

Hàng Quạt—Tố Tịch. Photo ©NCCong 2013

Gọi là chợ vì không chỉ quạt Đào Xá được bày bán mà còn có nhiều loại khác như: quạt Lủ (làng Kim Lũ, Hà Nội), quạt Hới (làng Hải Yến, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên), quạt Vạc (làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, Hà Nội), quạt Vẽ (làng Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)...

Đoạn giữa phố Hàng Quạt vốn có tên Hàng Đàn vì xưa kia nhiều nhà làm và bán các loại đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, nhị, hồ... Hồi đó gần như không có cửa hàng lớn, mà chỉ có những gia đình thợ thủ công sống về nghề mộc. Từ đầu thế kỷ XX chủ yếu các hộ dân ở đây làm và bán những đồ gỗ chạm như long đình, kiệu bát cống, song loan... Rồi họ kinh doanh cả đồ gỗ thông thường như bàn, ghế, tủ, chạn... nhưng phổ biến nhất vẫn là đồ thờ cúng, tế tự.

Phố Hàng Quạt. Photo ©NCCong 2013

Đoạn cuối phố Hàng Quạt ngày nay, từ đền Dâu đến ngã ba Hàng Hòm - Hàng Nón, trước gọi là phố Mã Vĩ (tức “đuôi ngựa”). Phố này chuyên làm và bán các loại áo mũ triều phục, trang phục tuồng, chèo, lễ hội, cờ, phướn, trướng, lọng và một số đạo cụ sân khấu làm bằng lông đuôi ngựa ...

Từ cuối thế kỷ XX chỉ một vài trong số những nghề trên là còn có khách hàng; nhiều hộ dân đã chuyển sang kinh doanh đồ thờ cúng và vật liệu trang trí như các loại sơn, giấy dán tường v.v.. Nhìn chung ngày nay ở phố Hàng Quạt không còn bán quạt và đàn nữa. Người dân các nơi chủ yếu đến đây để mua các mặt hàng khác như bàn thờ lớn nhỏ, tranh thêu, chữ, câu đối, cờ, trướng dùng vào việc hiếu, hỷ, chúc thọ, khen thưởng.

Đền Dâu. Photo ©NCCong 2013

Dấu xưa

Tuy trải qua nhiều biến động nhưng trên phố Hàng Quạt cho đến thập kỷ 2010 vẫn còn giữ lại được khá nhiều di tích. Không xa đình Xuân Phiến Thị là nhà số 21 vốn của doanh nhân Nghiêm Xuân Huyến, chủ nhà in Rạng Đông, chủ bút tờ báo Bắc Kỳ Thể thao (năm 1930) và tờ báo trào phúng Con Ong (1936), nhạc phụ của nhạc sĩ Văn Cao. Tiếp theo là đền Thuận Mỹ (xưa có bãi dâu nên dân quen gọi là đền Dâu) tại số 64. Đối diện đền là trưng tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố ở số 47, đầu thế kỷ XX là trường tư thục của Hội Trí Tri được mở sớm nhất ở Hà Nội.

Gần đó tại số 74 có di tích đình Thuận Mỹ, thờ thành hoàng làng cũ.. Ngoài ra còn có trường THCS Nguyễn Du và trường Nguyễn Bá Ngọc là những cơ sở giáo dục khá lớn được xây dựng khang trang. Khi không có học sinh thì những sân rộng ở đây biến thành nơi gửi xe thuận tiện trong khu vực phố cổ chật chội.

Đình Hàng Quạt. Photo ©NCCong 2012

Di tích lân cận

©NCCông 2011-2015, Hang Quat (Rue des Eventails)