65 Hang Ruoi street

Phố Hàng Rươi

Phố Hàng Rươi dài 110m, đi từ ngã ba Hàng Lược qua đầu phố Hàng Chai đến ngã tư Hàng Mã - Hàng Đồng. Nay thuộc: phường Hàng Mã, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 850m (hướng 10h). Trạm bus lân cận: 22c Hàng Lược (xe 31), 50 Hàng Cót (01, 36ct), 115 Phùng Hưng (01, 18, 23, 36ct)

Lược sử

Phố Hàng Rươi có từ đầu thế kỷ XIX, nằm trên địa phận của hai làng Vĩnh Trù và Yên Phú, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương, thuộc trấn thành Hà Nội cũ. Ngôi chùa trước kia là đình làng Vĩnh Trù hiện nay vẫn còn di tích ở số nhà 59 phố Hàng Lược, tam quan chùa đối diện điểm dừng xe bus tuyến 31 gần đầu phố Hàng Rươi.

Phố Hàng Rươi được hình thành trên bờ tây của dòng Tô Lịch từ lâu trước khi khúc sông này bị lấp vào cuối thế kỷ XIX. Nơi đây từng có một bến thuyền; hàng năm vào hai tháng 9 - 10 âm lịch nhiều người dân từ các tỉnh ven biển như: Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định đến họp chợ bán rươi, do đó mà thành tên.

Thời Pháp thuộc gọi là Rue des Vers Blancs. Năm 1945, thị trưởng Hà Nội Trần Văn Lai chính thức đặt lại tên phố Hàng Rươi. Cuối thế kỷ XX, phố Hàng Rươi phát triển đa dạng, trở thành một trong những phố cổ năng động của Hà Nội, đặc biệt nổi tiếng với lĩnh vực kinh doanh hoa giả và ăn uống bình dân.

Ngã phố Hàng Rươi - Hàng Chai. Photo ©NCCong 2015

Ngày nay có tới hơn nửa các nhà ở phố Hàng Rươi bày bán các loại hoa giả với kiểu dáng, màu sắc bắt mắt. Có những loài hoa giả giống hoa thật đến mức phải sờ vào mới phân biệt được. Hồng, Quất, Lay ơn, Cúc, Tre, Bằng lăng… được làm bằng chất liệu lụa, ni-lông với giá rẻ, lại đẹp, bền. Nhiều cửa hàng còn mở các lớp dạy cắm hoa nghệ thuật.

Không khí Tết Nguyên đán hàng năm bao giờ cũng đến rất sớm với phố cổ Hàng Rươi. Ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, các cửa hàng trên phố Hàng Rươi đã rực rỡ màu đỏ và vàng ánh kim từ những dây treo đồng tiền vàng, câu đối, dây bông, đèn lồng và các loại hoa cảnh… để đón chào năm mới. Những người đi chơi sắm Tết sau khi vào chợ hoa Hàng Lược cũng thường rẽ sang đây.

Phố Hàng Rươi từ lâu không còn chợ bán rươi nữa. Nhưng hằng năm, cứ vào mùa rươi, các đường phố Hà Nội lại rộn ràng tiếng rao: "Ai mua rươi ra m....u....a" với âm điệu và tiết tấu đặc biệt mà chỉ những người bán rươi mới có. Tiếng rao ấy gợi nhớ đến một thức quà quý hiếm trong năm - chả rươi. Mùa rươi ngắn ngủi, chỉ tầm 15 ngày, trong năm có hai vụ: vụ chiêm bắt đầu từ tháng 5, còn vụ chính là vào cuối tháng 9 âm lịch. Có câu “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm” là vì thế.

Phố Hàng Rươi đêm. Photo ©NCCong 2013

Món rươi

Con gì bé tỉ bé ti
Người đi dưới đất, bóng đi trên trời

Con rươi còn gọi là "rồng đất", tên khoa học Eunice viridis, thuộc họ Nereidae, nhóm “giun nhiều tơ”, sống ở các vùng nước lợ ven bờ biển Bắc bộ. Rươi được coi là một loại thực phẩm bổ dưỡng vì có nhiều chất đạm (tuy nhiên những người mắc bệnh hen hoặc dị ứng hải sản thì không nên ăn rươi). Người ta vớt chúng vào mùa sinh sản rồi cho vào nước lạnh để rươi sống vài ngày trước khi cấp đông rồi chở đi bán ở trong nước hoặc Trung Quốc.

Để làm món chả rươi ngon cần chọn những con thân mập ánh hồng, màu xanh thẫm, nâu đỏ hoặc ngả vàng. Rửa sơ bằng nước lã, làm rụng lông bằng nước nóng già, rồi đánh nhuyễn. Trộn với thịt nạc xay, trứng, vỏ quýt cay, thì là, ớt bằm nhỏ hay hạt tiêu. Chả rán trong chảo mỡ nóng già để nhỏ lửa, chưa ăn đã nức mùi đầy quyến rũ. Lớp vỏ ngoài màu vàng cánh gián, cắn một miếng là chạm tới lớp thịt rươi mềm mềm. Vị đậm đà, vừa bùi vừa ngọt đậm lại thơm hương gia vị…

Ngã phố Hàng Rươi - Hàng Chai - Hàng Lược. Photo ©NCCong 2015

Phố Hàng Rươi nhộn nhịp, thu hút đông thực khách thưởng thức các món rươi. Có gần chục món ăn từ rươi như chả rươi, rươi hấp, rươi xào, rươi nấu, nem rươi, rươi kho, rươi rang… Riêng mắm rươi đóng chai thì để dành được lâu hơn. Cũng dùng với bún, rau sống, thịt lợn luộc, chuối xanh, gừng tươi, hành củ, lạc rang, ớt tươi, rượu tăm… tưởng chẳng khác gì mắm tép, nhưng món mắm rươi mang lại một cảm giác duy nhất trong lưỡi.

Di tích lân cận

©NCCông 2011-2015, Rue des Vers Blancs