20 Coal street
Phố Hàng Than
q.Ba Đìnhsông HồngPhố Hàng Than dài 408m, đi từ dốc Yên Phụ về phía nam qua các phố: Nguyễn Khắc Nhu, Phạm Hồng Thái, Hòe Nhai, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Trung Trực rồi đến tháp Hàng Đậu. Nay thuộc phường Nguyễn Trung Trực, Q. Ba Đình, Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 2,3 km (hướng 12 h). Trạm bus lân cận: 10 Quán Thánh, 3a Phan Đình Phùng, Điểm trung chuyển Long Biên.
Lược sử
Hàng Than là một phố cổ của Hà Nội đã tồn tại từ thời chưa có bãi bồi Phúc Xá, khi đó sông Hồng chảy sát chân con đê Yên Phụ, nơi hàng đoàn thuyền buồm nâu đỗ san sát, phu khuân vác còng lưng đổ lên bờ những sọt than hoa đen. Than đốt ở trên rừng miền ngược, nhiều vết cưa ngang cây còn rõ nét các vân gỗ và kẽ nứt như hình mạng nhện.
Đầu phố Hàng Than vốn thuộc đất phường Giang Tân, lại từng có các tên Hà Tân và Thạch Khối (bởi vì thời ấy dân nơi này có nghề nung đá làm vôi). Trong sách “Dư địa chí”, phần nói về đất Thượng Kinh tức Hà Nội, Nguyễn Trãi có chép “Phường Hà Tân nung vôi”. Đoạn giữa phố thuộc đất thôn Hoè Nhai. Thôn này cùng với thôn Thạch Khối xưa đều thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận. Tới giữa thế kỷ XIX, thôn Hoè Nhai đổi tên thành Giai Cảnh.
- Cổng đền Yên Thuận. Ảnh ©2011 NCCong
Phố Hàng Than nay có nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ăn hỏi, đặc biệt nổi tiếng nhờ bánh cốm, thứ đặc sản khó mà vắng mặt trong lễ cầu hôn. Các thương hiệu Nguyên Ninh, An Ninh, Việt Ninh, Nguyên Bảo, Nguyên Linh, Bảo Minh, Nguyễn Minh… từ đây toả đi bốn phương trên những chiếc hộp vuông xinh xinh in hình chiếc bánh cốm cổ truyền bọc lá chuối tươi được buộc bằng lạt nhuộm hồng. Mở hộp ra thì thấy hiện lên sau làn giấy gói trong suốt một sắc cốm xanh màu lúa nếp non. Nhân bánh bằng hạt sen vàng nhạt và đậu xanh, điểm vài sợi cơm dừa trắng.
Di tích trên phố
Đoạn giữa phố Hàng Than vốn là đất thôn Yên Thuận, thuộc về tổng Yên Thành, cùng huyện Vĩnh Thuận. Hiện trên phố Hàng Than vẫn còn hai di tích của thôn này: đền Yên Thuận Thượng ở số nhà 25 và đền Yên Thuận Hạ ở số nhà 39. Xa hơn thì có ngôi đền Yên Thành thờ Vua Bà Lý Chiêu Hoàng ở góc phố Phan Huy Ích giáp phố Quán Thánh.
- Đền Giai Cảnh, số 1 phố Hàng Than
Đền Giai Cảnh nay ở số 1 phố Hàng Than, thờ Uy Linh Lang đại vương, bên trong có cả bia hậu thần và bia tiên hiền. Gần đó ở số 64 phố Yên Phụ vẫn còn đình Thạch Khối Thượng và ở số 12 phố Hàng Than có đình Thạch Khối Hạ. Cả ba ngôi đình, đền này cùng thờ thần Uy Linh Lang, một nhân vật truyền thuyết có công chống giặc Nguyên. Nơi thờ chính cũng không xa: đó là đình An Thọ, toạ lạc ở phố Phó Đức Chính về mé phía tây.
Đoạn giữa phố còn có ngôi đền Tứ Vị ở số nhà 39, là nơi thờ vọng Tứ vị Hồng nương. Tương truyền đó là 4 người phụ nữ quý tộc nhà Nam Tống do trốn tránh quân Nguyên – Mông xâm lược Trung Quốc mà đã xuống thuyền vuợt biển và trôi dạt về phía nước ta. Sau khi trẫm mình tự tử để giữ toàn trinh tiết, Tứ vị Hồng nương thường hiển linh cứu giúp dân chài, được lập đền thờ tại cửa biển Càn Hải (tức đền Cờn), thuộc xã Phương Cần, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
- Đền Tứ Vị, 39 Hàng Than. Ảnh ©2015 NCCong
Cuối phố Hàng Than, giữa chỗ bùng binh ngã sáu Hàng Đậu—Hàng Giấy—Hàng Cót—Quán Thánh—Phan Đình Phùng có một tháp nước to hình trụ do người Pháp xây dựng bằng đá vào cuối thế kỷ XIX, dân quen gọi là tháp Hàng Đậu.
Di tích nổi tiếng nhất là chùa Hòe Nhai, tên chữ Hồng Phúc Tự, một trong các tổ đình của thiền phái Tào Động. Cổng chính ở số 19 Hàng Than. Cổng sau chùa nhìn sang một con phố nhỏ mang tên Hồng Phúc. Trong chùa còn tấm bia dựng nǎm 1703 do tiến sĩ Hà Tông Mục soạn, ghi rõ chùa thuộc phường Hòe Nhai ở Đông Bộ Đầu. Nhờ đó mới có cơ sở để khẳng định khu đầu phố Hàng Than chỗ dốc đê Yên Phụ là bến Đông Bộ Đầu, nơi quân quan nhà Trần đã tống cổ giặc Nguyên xâm lược ra khỏi kinh thành Thǎng Long ngày 29-1-1258.
- Cồng chùa Hòe Nhai. Ảnh ©2011 NCCong
Căn gác của nhà số 40 từng gắn với cuộc đời hai thi sĩ trẻ Xuân Diệu và Huy Cận. Họ sống với nhau tại đây trong hơn một năm kể từ mùa thu 1939, trước khi Xuân Diệu đến tỉnh Mỹ Tho làm tham tá (thư ký) Sở thương chánh. Huy Cận đã viết lại kỷ niệm trong "Nhật ký song đôi" như sau: “Ở nhà dưới 40 Hàng Than là anh Lưu Trọng Lư và người vợ đầu là chị Thanh Thủy ở một nửa phòng, che chắn bằng một cái bình phong gỗ dài”.
Ngày nay, bên cạnh những lầu cao hiện đạị phố Hàng Than chỉ còn lác đác vài cǎn nhà ta cửa sổ bé tí, mái ngói rêu phong. Chen lẫn vào đó cũng sót lại một vài ngôi nhà Tây hai tầng kiểu đầu thế kỷ XX, tường vôi vàng, nền nhà thường cao hơn mặt đường đến mấy bậc cửa, xây gạch vồ, cửa cuốn trang nghiêm trầm mặc.
- Nhà số 40 phố Hàng Than. Ảnh ©2015 NCCong
Panorama
- Hòe Nhai—Nguyễn Trường Tộ—Hàng Than. Panorama ©NCCong 2014
- Tháp Hàng Đậu. Panorama ©NCCong 2011
- Cổng chùa Hòe Nhai. Panorama ©NCCong 2014
Di tích lân cận
- Bến xe Long Biên: đoạn phố Yên Phụ giáp Hàng Đậu.
- Cầu Long Biên: đường lên cầu ở góc phố Hàng Đậu—Trần Nhật Duật.
- Chùa Quán Huyền Thiên: số 54 phố Hàng Khoai.
- Đền Yên Thành: góc phố Quán Thánh—Phan Huy Ích.
- Đình và đền Nghĩa Lập: số 32 phố Hàng Đậu.
20 pho Hang Than ©NCCông 2011-2019