81 Ly Quoc Su street

Phố Lý Quốc Sư

Phố Lý Quốc Sư dài 244m, chạy từ ngã tư Hàng Bông—Hàng Mành đến ngã tư Nhà Thờ—Nhà Chung. Nay thuộc: phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 550m (hướng 8h). Trạm bus lân cận: Ngã 3 Lê Thái Tổ - Hàng Trống (xe 09, 31), Bệnh viện Việt Đức (Quán Sứ) và 30 Đường Thành (xe 01)

Lược sử

Vào đầu thế kỷ 19, khu phía nam ngã phố Hàng Bông—Hàng Gai có các dinh tri phủ, tri huyện, cho nên thường thấy dân chúng tấp nập đến trình việc quan. Tương truyền nữ sĩ Hồ Xuân Hương từng mở một ngôi hàng nước gần đấy để thử tài thiên hạ. Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), trụ sở của tri huyện Thọ Xương đã từ thôn Văn Hương chuyển tới đây và tồn tại đến tận khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội rồi vua Thành Thái giải thể huyện Thọ Xương (1888), cho nên về sau mới có các tên như phố Phủ Doãn, Ngõ Huyện, Thọ Xương.

Cổng đền Phù Ủng. Photo NCCong ©2019

Tên phố Lý Quốc Sư bắt nguồn từ ngôi chùa Lý Triều Quốc Sư tọa lạc ở số 50, quãng giữa hai phố Ngõ Huyện và Ấu Triệu, rất gần Nhà thờ Lớn và chùa Bà Đá. Theo nhiều tư liệu, chùa trước kia vốn là một ngôi đền thuộc thôn Tiên Thị, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương. Chùa được lập vào năm 1131 theo lệnh của Vua Lý Thần Tông và mang tên Lý Triều Quốc Sư, tức “quốc sư triều nhà Lý”, là tước hiệu của thiền sư Minh Không (1066—1141), được coi là tổ nghề đúc đồng.

Phố Lý Quốc Sư còn có một ngôi đền tọa lạc tại số nhà 25, do chính dân làng Phù Ủng di cư lên Thăng Long xây dựng vào thế kỷ 19 để thờ vọng Phạm Ngũ Lão, người anh hùng áo vải trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên và là con rể của nguyên soái Trần Hưng Đạo. Đền này từng bị quân Pháp phá hoại hồi đầu năm 1947 rồi được dân sửa lại vào năm 1949.

Chùa Lý Triều Quốc Sư. Photo ©NCCong 2023

Thời Pháp thuộc, phố này gọi là Rue Lamblot. Do Nhà thờ Lớn đã được xây từ cuối thế kỷ 19 trên nền chùa Báo Thiên cũ ở phía nam phố Ấu Triệu bây giờ và rồi với sự ưu đãi của chính quyền thực dân Pháp, phần lớn khu vực quanh đây đã trở thành những cơ sở của giáo hội Ki-tô ở Hà Nội.

Những năm 1920 dãy nhà số 24-26 từng là trường tư thục Trung Bắc do nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh sáng lập. Bị Pháp o ép, phá sản, ông Vĩnh bán lại cho ông Ngô Tử Hạ chuyển nhà in từ Hàng Gai về đây. Năm 1946 Vụ trưởng Tiểu học là ông Nguyễn Hữu Tảo đã vận động được ông Ngô Tử Hạ in tặng Bộ Giáo dục các sách giáo khoa. Nhà in này tồn tại mãi tới năm 1955 thì bị chuyển sang hình thức "công tư hợp doanh", trở thành Công ty in Thống nhất.[1]

Ấu Triệu—Lý Quốc Sư. Photo ©NCCong 2013

Cũng trong thời kỳ tiền chiến, trên phố còn có nhà Tân Việt ở số 29, nơi đã xuất bản sách triết học của Nguyễn Đình Thi, sách dịch các tác phẩm văn học Trung Quốc của Nhượng Tống và các đặc san với bài của Trương Tửu, Nguyễn Tuân, Đinh Hùng, Phiêu Linh Nguyễn Đức Chính…

Trưa ngày 6/10/1972, máy bay Mỹ đã bắn tên lửa xuống các nhà số 37, 39B, sát hại nhiều người dân. Ngay sau đó, ở bức tường trước ngôi nhà 39B có đặt tấm bảng ghi lại tội ác này. Những năm 1980 nhà hàng đặc sản nổi tiếng Nguyên Sinh từ phố Thuốc Bắc đã chuyển về số 17 phố Lý Quốc Sư. Ngoài ra, số nhà 43 từng là nơi ở cuối cùng trong một thời gian rất lâu của Hoàng Cầm —thi sĩ xứ Kinh Bắc.

Hàng Bông—Lý Quốc Sư. Photo ©NCCong 2014

Di tích lân cận

©NCCong 2014-2018, Ly Quoc Su street
[1] Ngô Tử Hạ (1882—1973), quê Qui Hậu, Kim Sơn, Ninh Bình, lên Hà Nội làm thợ cho nhà in IDEO của Pháp từ năm 1898. Năm 1907, ông trở thành tư sản dân tộc có 2 nhà in riêng ở Hà Nội và Huế. Sau đó còn là chủ nhiệm báo Đông Thanh và tham gia trị sự báo Nam Phong. Là người công giáo nhưng Ngô Tử Hạ rất căm ghét thực dân Pháp và thường giao hảo với những chí sĩ yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn v.v... Năm 1946 ông được bầu là ủy viên Ban thường trực của Quốc hội khóa I nước VNDCCH và là đại biểu cao tuổi nhất.