373 Nguyen Cao Street

Phố Nguyễn Cao

Phố Nguyễn Cao dài gần 400m, đi từ ngã ba Nguyễn Huy Tự đến ngã ba Lò Đúc. Nay thuộc 3 phường: Phạm Đình Hổ, Bạch Đằng, Đống Mác, Q. Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 3km (hướng 5h). Trạm bus lân cận: 172 Lò Đúc (xe 04, 18, 30, 42, 44), 9 Trần Thánh Tông (18, 42, 44), 1 Trần Khánh Dư (19, 40, 45)

Lược sử

Danh nhân Nguyễn Cao (1828 - 1887) vốn là người làng Cách Bi, Bắc Ninh. Ông đỗ giải nguyên khoa Đinh Mão (1867), từng làm bố chánh Thái Nguyên. Khi quân Pháp chiếm Bắc Kỳ, ông bỏ quan, tổ chức khởi nghĩa chống Pháp.

Ngã ba Nguyễn Cao - Cảm Hội. Photo ©NCCong 2017

Nghĩa quân Nguyễn Cao đã từng tập kích vào khu vực Đồn Thủy lúc đó là đầu não của chính quyền Pháp tại Hà Nội. Tới năm 1886, vì lực lượng yếu, Nguyễn Cao phải lánh về vùng Sơn Lãng. Ngày 4-4-1887, quân Pháp sục tới đây bắt ông. Chúng đem về Hà Nội tra khảo. Nhân trong 1 lần bị hỏi cung, ông mắng bọn giặc rồi tự mổ bụng lôi ruột ra tự tử. Biết không dụ dỗ được nữa, chúng đem ông xử chém ở Bãi Gáo vườn Dừa, nay là quảng trường Đông Kinh nghĩa thục.

Phố Nguyễn Cao nằm trên đất vốn là của thôn Cảm Ứng, thuộc tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Tới giữa thế kỷ XIX, thôn này hợp với thôn Yên Hội thành thôn Cảm Hội. Di tích thôn này hiện nay được lưu ở tên con phố nhỏ Cảm Hội nối phố Nguyến Cao với phố Lò Đúc.

Ngã ba Nguyễn Cao - Lò Đúc. Photo ©NCCong 2017

Năm 1927 người Pháp đã cho xây Viện Pat-xtơ Hà Nội (Institut Pasteur de Ha Noi, nay là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) do bác sĩ A.Yersin làm tổng giám đốc. Con đường chạy sát bức tường phía đông-nam phía sau lưng Viện gọi là Voie 163 tức Đường 163, lúc đầu không có nhà dân nào hết. Đến 1945 Voie 163 được đổi tên là phố Nguyễn Thị Bình. Thời tạm chiếm lại đổi là phố Chu Mạnh Trinh. Từ tháng 6-1964 bắt đầu gọi là phố Nguyễn Cao.

Phố dài gần 400m từ ngã ba Nguyễn Cao - Nguyễn Huy Tự đến ngã ba Nguyễn Cao - Lò Đúc. Đầu phố có vườn hoa Yec-xanh, nơi đặt pho tượng của vị bác sĩ và nhà nhân văn đáng kính Alexandre Émile Jean Yersin (22/9/1863 – 1/3/1943). Tên Yec-xanh còn được đặt cho một con phố nhỏ ngay bên cạnh vườn hoa Pasteur, đồng thời cũng là lối vào cổng trước của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường. Photo ©NCCong 2017

Trong suốt một thời gian dài toàn bộ lòng đường phố bị biến thành chợ Nguyễn Cao, nổi tiếng không khác gì chợ Hàng Bè. Sang đầu thiên niên kỷ thứ ba, nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, UBND TP Hà Nội đã cấp kinh phí cho giải tỏa ngôi chợ này và tạo ra một lối thoát giao thông từ phố Lò Đúc ra hướng đi các phố Vân Đồn, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái.

Một số địa điểm

  • Vườn hoa Yec Xanh: đầu phố Nguyễn Cao.
  • Viện Vệ sinh Dịch tễ (cổng sau): cổng trước ở số 1 phố Yec Xanh.
  • VABIOTECH - Cty Văc-xin và Sinh phẩm số 1: cuối phố Nguyễn Cao.
  • Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (cổng sau): cổng trước ở số 57 Lê Quý Đôn.
Ngã tư Nguyễn Cao - Lê Quý Đôn. Photo ©NCCong 2017

Di tích lân cận

©NCCông 2017-2018, Nguyen Cao street